05/09/2017 17:10 GMT+7

Indonesia ngập trong khói thuốc

MY HÀ
MY HÀ

TTO - Aldi Suganda, nhân vật chính trong clip cậu bé 2 tuổi hút thuốc lá một thời gây bão mạng, nay đã cai được thuốc lá nhưng hàng triệu đứa trẻ khác tại Indonesia hằng ngày vẫn phì phèo điếu thuốc trên môi.

Indonesia ngập trong khói thuốc - Ảnh 1.

Aldi Suganda lúc 2 tuổi (ảnh nhỏ) với hình ảnh điếu thuốc trên môi quen thuộc nay 8 tuổi và đã cai nghiện thuốc lá - Ảnh chụp màn hình CNN

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm ngăn chặn nạn hút thuốc lá ở trẻ em, tỉ lệ trẻ em hút thuốc lá tại đây vẫn còn đứng đầu Đông Nam Á và chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới.

Những đứa trẻ hút thuốc

Hình ảnh cậu bé Aldi Suganda 2 tuổi, hay còn được biết đến là "em bé hút thuốc", rít thuốc lá điêu luyện từng gây sốc năm 2010. Tuy nhiên theo CNN, Indonesia còn có khoảng 267.000 "em bé hút thuốc" khác. Số liệu Cục Thống kê trung ương Indonesia năm 2010 cho thấy vẫn còn đến 25% trẻ em ở độ tuổi 3-15 đã từng thử thuốc lá và hơn 3% trong số đó hút thường xuyên, theo Daily Mail. Thống kê năm 2013 của The Tobacco Atlas cho thấy 41% nam và 3,5% nữ ở độ tuổi 13 và 15 sử dụng thuốc lá thường xuyên.

Khuynh hướng này tiếp tục gia tăng đáng lo ngại khi CNN dẫn số liệu từ các cơ quan của Indonesia cho thấy tỉ lệ trẻ em Indonesia dưới 18 tuổi hút thuốc lá thường xuyên tăng từ 7,2% lên đến 8,8% trong giai đoạn từ năm 2013-2016. Tại đất nước với dân số hơn 261 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu thanh thiếu niên nước này hút thuốc lá mỗi ngày.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ nam giới trưởng thành ở Indonesia hút thuốc lá lên đến 76%, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại đối với vấn nạn thuốc lá tại Indonesia là số người nghiện thuốc luôn tăng trong khi tại hầu hết các nước trên thế giới con số này lại giảm mạnh.

Mua thuốc lá quá dễ

Trở lại câu chuyện của cậu bé Aldi, sau khi ngừng hút thuốc em cũng tích cực tham gia chống thuốc lá. "Cháu không muốn hút thuốc lá nữa. Cháu không muốn bị bệnh đâu. Làm ơn đừng hút thuốc lá. Thậm chí là đừng thử. Khó bỏ lắm" - cậu bé chưa đến 10 tuổi nhưng đã có bảy năm cai nghiện chia sẻ trên CNN.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ hình ảnh những "cậu bé hút thuốc" không phải một vấn đề đơn giản nếu không có hành động của xã hội và chính phủ. Khác với nhiều nước phát triển trên thế giới, trẻ em Indonesia không gặp chút khó khăn nào trong việc mua thuốc lá. Những cửa hàng tạp hóa và xe đẩy bán thuốc lá nhỏ thường bán lẻ thuốc lá theo điếu thay vì theo gói cho trẻ em dù biết điều đó là trái luật.

"Tất cả mọi người đều bán thuốc lá cho trẻ em" - một người bán thuốc lá ở Jakarta, thủ đô Indonesia, khẳng định.

Đối với trẻ em ở Indonesia, hút thuốc lá chứng tỏ sự trưởng thành, theo CNN. Mặc dù nhiều cha mẹ cấm con hút thuốc nhưng do không thật sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá nên cha mẹ cũng không đủ cứng rắn với con, chưa kể họ cũng hút thuốc lá. "Bọn trẻ không có sự kiểm soát nào từ cha mẹ. Chúng vẫn cứ tiếp tục hút thuốc lá vì không có ai nói "không" với chúng" - bác sĩ Aman Pulungan, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia, nhận định.

Từ nghiện hút đến nghiện... ăn

Năm 2010, Aldi Suganda hút 40 điếu thuốc một ngày. Mẹ em đã cố gắng ngăn cản nhưng thất bại vì bé đập đầu vào tường hoặc dọa tự lấy dao chém mình khi không được hút. Cha em thì chẳng quan tâm gì. Đến năm 2013, Aldi đi cai nghiện thuốc lá trong hai tuần và thành công. Tuy nhiên, cơn nghiện thuốc lá đã được thay thế bằng cơn nghiện đồ ăn.

Cũng như khi nghiện thuốc lá, mỗi khi không được ăn, Aldi sẽ đập đầu vào tường. Mẹ cậu thấy vậy lại cho cậu ăn những món ăn dầu mỡ đúng theo sở thích của con. Không lâu sau, gia đình đã quyết định cho cậu đi gặp bác sĩ dinh dưỡng để điều trị béo phì. Nhờ các chuyên gia, bé Aldi nay đã hoàn toàn khỏe mạnh và đang học lớp 4 ở trường làng gần nhà, là một trong những học sinh đứng đầu của lớp.

Quảng cáo tràn lan

Indonesia vẫn thiếu các quy định nghiêm ngặt về quảng cáo thuốc lá, khiến nước này trở thành vùng đất màu mỡ cho thuốc lá phát triển. "Quảng cáo rất thu hút đối với giới trẻ" - chuyên gia Bộ Y tế Indonesia, bác sĩ Lily Sulistyowati, nhận định. Vị bác sĩ này cho biết các quảng cáo thường gắn liền thuốc lá với thành công và danh vọng. Thậm chí các công ty thuốc lá lớn vẫn có thể tài trợ các chương trình của trường học.

MY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên