Theo dự báo triển vọng kinh tế khu vực của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 7-5, các nền kinh tế châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015, với mức tăng trưởng 5,6%, nhờ sự phục hồi kinh tế ở Ấn Độ và Nhật Bản giúp bù đắp việc kinh tế Trung Quốc giảm sút.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2015 sẽ không đồng đều, trong đó Myanmar ở mức 8,3%, Ấn Độ 7,5%, Trung Quốc 6,8% và Nhật Bản 1%.
Các nhà kinh tế của IMF bày tỏ quan ngại nguy cơ tăng trưởng chậm lại nếu các nhà hoạch định chính sách trong khu vực không hoàn thành những thay đổi cần thiết.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ suy thoái vào năm ngoái sau khi tăng thuế bán hàng từ 5% lên 8%.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ vẫn ở mức khiêm tốn, song sẽ được cải thiện với các biện pháp mạnh tay để tăng năng suất như cải thiện luật lao động và quản lý công ty.
Trong khi đó, bất chấp việc tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Giám đốc châu Á-Thái Bình Dương của IMF Changyong Rhee nhận định những cải cách khiến nền kinh tế Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn, với tiêu dùng và dịch vụ trong nước mạnh hơn, thương mại và đầu tư có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng trong tương lai.
Việc triển khai đầy đủ những cải cách này có thể giúp thu nhập của Trung Quốc tăng thêm 5% vào năm 2020.
IMF ước tính việc giá dầu giảm có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm từ 0,3 %-0,7 % trong năm 2015.
Trong khi các nhà sản xuất dầu mỏ chính đang phải chịu tác động từ việc giảm xuất khẩu, thì doanh nghiệp và người tiêu dùng tại những nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan lại được hưởng lợi từ chi phí thấp.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm từ 5,9% trong năm 2013 xuống 5,5% trong năm 2014.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ở mức 5,5% trong năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận