29/11/2007 16:56 GMT+7

Huyết khối - biến chứng nguy hiểm của hẹp van 2 lá

BS VŨ NGỌC HUY
BS VŨ NGỌC HUY

TTO - Tôi bị hẹp van 2 lá nặng, đã khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy và đã có chỉ định nong van. Tuy nhiên khi siêu âm lại, kết quả tôi bị huyết khối nên không nong van được.

JNlQhKyR.jpgPhóng to
TTO - Tôi bị hẹp van 2 lá nặng, đã khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy và đã có chỉ định nong van. Tuy nhiên khi siêu âm lại, kết quả tôi bị huyết khối nên không nong van được.

Xin hỏi bác sĩ huyết khối có thể biến mất trong thời gian bao lâu khi uống thuốc thường xuyên và đúng theo toa bác sĩ điều trị? Bị huyết khối thì có nguy hiểm không? Thời gian này tôi thấy rất mệt, có phải tôi bị nặng lắm không? (Lê Thị Thanh Thúy)

Trả lời của Phòng mạch Online:

Chị Thanh Thúy thân mến,

Hẹp van hai lá là một bệnh lý van tim khá phổ biến ở nước ta. Van hai lá gồm hai lá van ngăn cách tâm nhĩ trái và thất trái. Van hai lá mở ra mới cho phép máu chảy từ nhĩ trái xuống thất trái, rồi từ thất trái mới được bơm ra ngoài nuôi cơ thể.

Khi van hai lá bị tổn thương (do bệnh thấp tim, do bẩm sinh, hay do thoái hóa...), chúng sẽ vận động đóng mở hạn chế (giống như hai cánh cửa bị kẹt chỉ mở hé ra chứ không thể mở rộng được!), hậu quả là máu từ nhĩ trái không xuống hết thất trái, bị ứ đọng lại trong nhĩ trái và dần dần sẽ ứ đọng ngược dòng lên các mạch máu phổi. Có hai biểu hiện chính ở bệnh hẹp hai lá:

- Khó thở: do máu bị ứ đọng trong các mạch máu phổi, gây tăng áp phổi.

- Mệt, giảm khả năng gắng sức: do máu không xuống thất trái đầy đủ, dẫn đến không đủ máu bơm ra ngoài nuôi cơ thể, cơ thể trong trạng thái suy kiệt thường xuyên.

Trong bệnh hẹp van hai lá, do máu thường xuyên bị ứ đọng và xáo trộn trong tâm nhĩ trái, dẫn đến nguy cơ máu bị đông đặc lại thành các huyết khối. Các huyết khối này nếu nằm yên trong tâm nhĩ thì không gây nguy hiểm gì, nhưng đáng tiếc là chúng có thể trôi theo dòng máu từ tim chạy ra ngoài, đi khắp cơ thể đến nơi nào chúng bị kẹt lại thì sẽ gây triệu chứng do tắc mạch tại nơi đó (nhồi máu não, tắc mạch chi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu mạc treo ruột...). Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong. Siêu âm có thể phát hiện được huyết khối trong tim.

Nong van tim là phương pháp điều trị xâm lấn: người ta đưa các ống thông theo đường mạch máu vào tim, đến van hai lá, rồi bơm một loại bóng để nong cho hai lá van mở rộng ra. Khi có sự hiện diện của huyết khối trong nhĩ trái, các bác sĩ không thể nong van tim được vì trong lúc nong, ta có thể vô tình tạo thuận lợi cho cục huyết khối này “chạy” ra ngoài tim gây các biến chứng do tắc mạch.

Khi phát hiện ra huyết khối trong nhĩ trái, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng đông với mục đích làm tan dần cục máu này. Thời gian trung bình cho việc điều trị tan cục máu là 3-6 tháng. Sau ba tháng điều trị kháng đông tích cực, nếu siêu âm tim kiểm tra không còn huyết khối thì mới có thể nong van được.

Thân mến.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS VŨ NGỌC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên