25/05/2019 12:20 GMT+7

Huy chương cho những “VĐV phụ huynh” - Kỳ cuối: Khi phụ huynh cũng là HLV

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TTO - "Người nhà họ Mai, không ai không biết chơi bóng bàn". Với truyền thống lừng lẫy trong môn banh nhựa của mình, ông Mai Văn Lê bao năm qua cũng chịu một sức ép vô hình trong việc cho con nối nghiệp gia đình.

Huy chương cho những “VĐV phụ huynh” - Kỳ cuối: Khi phụ huynh  cũng là HLV - Ảnh 1.

Ông Nhơn hướng dẫn con mình chơi môn bóng gỗ - Ảnh: H.Đ.

Ông Lê là em út trong gia đình 4 anh em nổi tiếng nhà họ Mai, gồm các ông Mai Văn Minh, Mai Văn Quang, Mai Văn Giót. Cả 4 anh em đều theo nghiệp HLV, và hầu hết đều có con là VĐV đỉnh cao.

Sức ép nối nghiệp gia đình

Con gái ông Mai Văn Minh: Mai Xuân Hằng là "chị cả" trong thế hệ đời thứ ba của gia đình bóng bàn lừng danh này. Mai Xuân Hằng từng một thời là tay vợt nữ hàng đầu của VN. 

Cô vừa bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp thì em họ Mai Hoàng Mỹ Trang (con gái ông Mai Văn Quang) lập tức kế thừa vị trí số 1 trong làng bóng bàn nữ. Rồi các con ông Mai Văn Giót cũng là dân bóng bàn chuyên nghiệp.

Dưới truyền thống đó, ông Mai Văn Lê cũng luôn hi vọng 3 cô cậu con mình có thể nối nghiệp những anh chị em họ. Con trai cả của ông là Mai Nhật Tuấn thể hiện năng khiếu bóng bàn từ bé và được chọn vào đội tuyển quận Bình Thạnh, nhưng rồi càng lớn, Tuấn càng cạn dần đam mê với môn banh nhựa.

"Các anh mình đều là dân bóng bàn chuyên nghiệp, đều có con tài hoa nên tôi cũng mong con mình có thể nối nghiệp gia đình. Cả 3 đứa con tôi, tôi đều dẫn nó đi chơi bóng bàn từ khi mới 6, 7 tuổi. Tuấn là đứa đầu tiên thể hiện năng khiếu, nhưng dần dà thì cháu không còn nhiều đam mê với bóng bàn. Khi đó tôi cũng không ép. Vì tôi biết theo nghiệp thể thao mà dở dở ương ương thì đời chẳng được gì cả", ông Lê kể.

Sau khi Tuấn bỏ nghiệp, ông Lê không còn quá kỳ vọng các con mình sẽ nối nghiệp cha nữa thì đột ngột, cô con gái út Mai Tố Uyên lại chứng tỏ năng khiếu. Kém anh Tuấn đến hơn 10 tuổi, Tố Uyên được ông Lê dắt đi tập bóng bàn từ năm lớp 1. 

Và chỉ sau một năm, cô con út của ông Lê nằng nặc đòi cha cho đánh bóng bàn mỗi ngày. Thấy con có khiếu, ông Lê gửi Tố Uyên đến học với bác Mai Văn Quang, rồi đến năm 9 tuổi cô được chọn vào lò đào tạo trẻ của TP.HCM. Đến nay, cô con gái út của ông Lê đã trở thành trụ cột trong tuyển bóng bàn TP.HCM ở tuổi 19.

"Tố Uyên có khiếu chứ tôi không ép. Tôi cũng không phải là người huấn luyện Tố Uyên xuyên suốt bao năm qua. Nhưng được cái do cả cha và con đều mê bóng bàn nên khi Uyên về nhà, tôi thường trao đổi thêm với con, điều đó ít nhiều cũng góp phần giữ lửa đam mê cho Uyên", ông Lê nói. 

So với các đồng đội, Tố Uyên may mắn vì có một người vừa là cha, vừa là thầy như ông Lê.

Người cha thân thiết của cả đội

Nhiều phụ huynh miệt mài, sẵn sàng bỏ công bỏ việc theo chân con trên con đường thể thao. Không ít phụ huynh đưa con đến thể thao chỉ với một hi vọng - con mình có thể khỏe mạnh hơn. Đó là những cô bé, cậu bé bất hạnh sinh ra trong bệnh tật.

Mỗi buổi sáng trong tuần, một khoảnh sân ở Trung tâm TDTT quận Tân Bình lại sôi nổi với một lớp học kỳ lạ - lớp huấn luyện các VĐV đội Special Olympic, dành cho những em bị thiểu năng. 

Từ những lớp học thể dục ở các trường đặc biệt, HLV Mai Chí Dũng chọn ra những em có năng khiếu hơn cả để tổ chức một đội VĐV chuyên tham dự các giải đấu trong hệ thống Special Olympic.

Ông Nguyễn Ngọc Nhơn, phụ huynh em Nguyễn Ngọc Bảo Trân (26 tuổi), cho biết: "Con tôi đạt khá nhiều thành tích, huy chương ở các giải đấu trong nước lẫn ngoài nước. 

Nhưng điều quan trọng là tập thể thao thường xuyên giúp cháu cải thiện sức khỏe, tâm lý lẫn kỹ năng sống rất nhiều. Ngày trước tôi chỉ mong con có thể không đau ốm gì, ngồi yên một chỗ là được rồi, thì bây giờ nó giúp phụ được cả những việc lặt vặt trong nhà".

Lợi ích lớn từ việc chơi thể thao khiến ông Nhơn trở thành một phụ huynh cần mẫn của lớp Special Olympic. 

Mỗi buổi sáng, ông theo chân con đến lớp, tham gia phụ giúp HLV Dũng việc này việc nọ, từ nhặt bóng, kẻ đường (môn bóng gỗ) cho đến trấn an, giảng giải giúp các em khác. 

Rồi đến những lần đi dự giải đấu ở tỉnh cũng vậy. Ông Nhơn đều khăn gói, tự bỏ tiền ra theo chân con mình.

An tâm hơn khi có phụ huynh theo cùng

"Có những phụ huynh như ông Nhơn đi theo giúp ích rất nhiều cho lớp. Huấn luyện các em bị thiểu năng khác rất nhiều so với huấn luyện thể thao thông thường. Phải cần những phụ huynh có tâm, am hiểu các em thật nhiều mới dễ dàng nói để các em nghe được. Những đợt đi thi đấu ở tỉnh, ông Nhơn đi theo càng khiến tôi an tâm hơn, nhiều lúc nhờ các phụ huynh nhiệt tình như ông Nhơn mà giải quyết được các rắc rối chuyện cơm nước cho các em", HLV Dũng kể.

Huy chương cho những Huy chương cho những 'VĐV phụ huynh' - Kỳ 1: Theo con như hình với bóng

TTO - Nỗ lực, ý chí, đam mê, năng khiếu... Đó là những điều kiện không thể thiếu trên con đường đi đến thành công của các VĐV. Nhưng có một yếu tố thường bị lãng quên: công sức của các phụ huynh.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên