08/02/2006 17:01 GMT+7

Huy Cận với ân nghĩa đời thường

Theo Nhân Dân
Theo Nhân Dân

Nhân dịp giỗ đầu nhà thơ lớn Cù Huy Cận (8-2-2006), bà Trần Lệ Thu - quả phụ của nhà thơ đã gửi đến chúng tôi một vài ghi chép về ông. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu để tưởng nhớ đến nhà thơ.

TJZfVUcD.jpgPhóng to
Huy Cận trước mộ Nguyễn Du
Nhân dịp giỗ đầu nhà thơ lớn Cù Huy Cận (8-2-2006), bà Trần Lệ Thu - quả phụ của nhà thơ đã gửi đến chúng tôi một vài ghi chép về ông. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu để tưởng nhớ đến nhà thơ.

Huy Cận hay nói đến ân nghĩa trong đời: "Mình giúp gì cho ai, không cần nhớ, nhưng ai làm ơn với mình, dù nhỏ, chẳng nên quên". Cái ơn lớn nhất trong đời Huy Cận là được cậu mợ Vân đưa đi học ở Huế, mặc dù bố mẹ ông đã phải gán ruộng, góp tiền cho ông ăn học. Không đi Huế học thì không có Huy Cận ngày nay, vì vậy ông ghi nhớ mãi mãi.

Những ân nghĩa khác, Huy Cận cũng không bao giờ quên. Huy Cận trân trọng gia đình cụ Mộc ở chân núi Chùa Thầy, xã Sài Sơn đã san sẻ nơi ăn chốn ở cho các con chúng tôi trong những ngày sơ tán chống Mỹ.

Cụ ông bỏ nhà ra đi tha phương cầu thực nơi xứ người để lại cụ bà ở nhà với ba người con trai. Anh Mộc là con cả. Xuân Bích, Lệ Duyên (các con chúng tôi) vui vẻ chơi đùa chan hoà với các con anh Mộc như người trong cùng một nhà. Anh Mộc bị bệnh tim nặng nếu không được phẫu thuật khó mà qua khỏi. Huy Cận đã tìm đến bác sĩ Tôn Thất Tùng trình bày hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của anh Mộc, nhờ bác sĩ giúp đỡ điều trị. Anh Mộc may mắn được bác sĩ Tôn Thất Tùng mổ tim cho và đã sống thêm được 11 năm nữa.

Sáng 7-2, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm một năm Ngày mất nhà thơ Huy Cận.

Sau này cứ vài năm một lần, chúng tôi lại vào chùa Thầy thăm gia đình anh Mộc nhân dịp Tết, mừng tuổi cho các cháu. Mấy năm cuối đời, Huy Cận chân yếu, đi xa phải có người dắt, ông không đi được nhưng vẫn nhớ nhắc đến chị Mộc và các cháu (cụ Mộc và anh Mộc đã qua đời từ lâu).

Năm 1955, Nhà nước cho con em cán bộ đi học ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Huy Cận chưa có con nên xin cho cháu là con em trai ruột của mình thế chân. Từ Ân Phú ra Hà Nội, đường sá xa xôi. Lúc ấy, Cù Huy Phan Táo mới hơn 10 tuổi, nhà lại neo người nên việc đi lại không dễ dàng gì. Lường trước được khó khăn, Huy Cận đã nhờ anh Phạm Văn Đáp hồi đó làm công tác bảo vệ ở Bộ Văn hoá về Hà Tĩnh đón giùm cháu ra Hà Nội. Khi về nước, Cù Huy Phan Táo đã trở thành một cán bộ nhiều năng lực. Huy Cận những lúc gặp cháu thường nói đến anh Đáp và luôn luôn khuyên chị Táo phải tìm gặp anh Đáp để cảm ơn.

Qua chiến tranh chống Mỹ, rồi công việc bận rộn lu bù, chị Táo vẫn chú ý nhờ nhiều người tìm hỏi địa chỉ của anh Đáp nhưng không có kết quả. Bỗng chốc ngoảnh lại đã gần 50 năm, hơn nửa đời người. Huy Cận vẫn không thôi nhắc chuyện này. May sao năm 2004, gần một năm trước khi Huy Cận ra đi, chị Táo đã đưa được anh Đáp đến gặp bác Cận. Từ đấy, ông mới hết băn khoăn.

Những năm tháng Huy Cận công tác xa quê, nhiều tấm lòng nhân ái của bà con xóm làng đã giúp đỡ thầy mẹ ông trong cơn hoạn nạn cay cực, Huy Cận luôn nhớ lấy làm lòng. Tình làng, nghĩa xóm, những kỷ niệm tuổi nhỏ vẫn đậm nét trong ký ức của Huy Cận cho tới lúc mãn chiều xế bóng. Huy Cận hay kể lại cho tôi nghe câu chuyện một người chú trong họ có cuốn sách Tàu cổ, trong đó hướng dẫn cách tra cứu tuổi thọ của con người.

Ông chú cho biết, sách viết rằng: "Sinh tử của người ta nằm trên một đường kính, nếu biết ngày tháng năm sinh sẽ tìm ra ngày từ giã cõi đời. Biến động đời người có thể thay đổi đôi chút nhưng sinh tử, nhân duyên thì bất di bất dịch; lưỡi hái của tử thần cũng có thể xê dịch để người hấp hối qua được giờ xấu nhờ con cháu một lòng tụng kinh, niệm Phật., cho ngậm sâm... và còn tuỳ thuộc đức độ của người sắp lìa trần". Lúc lâm chung, ông dặn lại con cháu: "Tụi bay không được khóc, phải ngẩng cao đầu lên nhìn rõ xem ai đưa tiễn cha mình để sau mà cảm ơn!".

Theo Nhân Dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên