Xin trả lời ngay: ngoài quyết định công nhận GS, gọi là cái “danh”, họ không được gì cả. Lương không những không tăng mà khi chuyển sang ngạch “giảng viên cao cấp” lại bị tụt hơn là khi còn phó giáo sư. Điều kiện làm việc có được cải thiện không? Xin trả lời mà không cần do dự: không hề có.
Nếu một GS đơn thuần là một nhà giáo, một nhà khoa học thì vô cùng khó khăn trong tác nghiệp. Thói thường xã hội người ta chỉ ưu ái lẫn nhau theo cấp bậc, chức vụ, để rồi còn “bánh ú trao đi, bánh chì trao lại”, chứ nhà giáo trơn, nhà khoa học trơn, mặc dù chân chính đến đâu, mặc dù giỏi đến đâu, đâu có dễ nhận đề tài, nhận công trình khoa học, đâu dễ được giao nhiệm vụ nghiên cứu.
Thậm chí trong các hội đồng khoa học, nếu không có chức vụ chính quyền thì GS cũng rất khó mà được giao các chức vụ lãnh đạo khoa học. Một “GS trơn” trong cơ chế cạnh tranh không bình đẳng này thường dễ bị chèn ép, dễ bị vô hiệu hóa, dễ bị “ngồi chơi xơi nước”.
Buồn lòng đôi lúc cứ tự hỏi: “Thế sinh ra chức danh GS để làm gì?”. Nếu GS thực muốn cống hiến nhiều hơn cũng đâu có dễ. Vì rằng ai sẽ tạo điều kiện cho mình để làm việc? Trong tình trạng hiện nay, muốn có việc để làm anh phải tham gia hàng ngũ lãnh đạo. Ở đó, có quyền, sẽ có lực, có lực tất sẽ có việc làm theo ý tưởng khoa học của mình.
Nếu muốn đi họp hội nghị nước ngoài hay đi giảng dạy trao đổi, nâng cao trao đổi phải: tự túc thôi! May thay, các GS thường có một quan hệ cá nhân với đồng nghiệp nước ngoài hay nhờ tiếng tăm cá nhân mà không đến nỗi phải “quanh quanh xó bếp, quay vòng cối xay”. Không nói gì đi nước ngoài, mà ngay đi họp trong nước GS chỉ được thanh toán theo vé ghế cứng xe lửa mà thôi! Các GS thường đã ngoài 60 mà ngồi như vậy mấy ngày đường, chịu sao thấu!...
Đã đến lúc Nhà nước phải có một cách đối xử khác công bằng hơn, tạo điều kiện cho các GS (và họ cũng là các nhà khoa học) có cơ hội làm việc và cống hiến nhiều hơn. Ở đây ta không dùng chữ đãi ngộ mà chỉ dùng chữ tạo điều kiện vừa đủ cho GS làm việc, đừng để một bộ phận xã hội coi thường các GS, đừng để lãng phí nguồn chất xám, những nhân đã thành tài lại không được sử dụng đúng.
Cơ chế hiện nay không những không làm cho các GS phát huy nhiều hơn, mà còn làm họ chán nản.
Cơ chế hiện nay dễ làm cho các GS có tham vọng chức vụ, quyền lực.
Cơ chế hiện nay dễ làm các GS - nhà khoa học, dễ đánh mất lòng trung thực, nhiều lúc muốn có việc sẽ phải nói dối, đôi lúc còn đượm chút “mafia”.
Thành thật cầu mong có sự thay đổi thật cơ bản cơ chế, hay nói nôm na là thay đổi “cách đối xử, sử dụng” GS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận