17/03/2010 08:35 GMT+7

Hưởng trợ cấp thất nghiệp không dễ

L.HOÀI
L.HOÀI

TT - Tính đến đầu tháng 3-2010, số người đăng ký thất nghiệp tại TP.HCM lên đến trên 5.700 nhưng chỉ có hơn 1.400 người có quyết định trợ cấp thất nghiệp. Và có quyết định trợ cấp rồi nhưng nhận tiền trợ cấp không dễ...

mTnJLTzS.jpgPhóng to
Nhiều người thất nghiệp lo lắng khi được giới thiệu công việc không phù hợp. Trong ảnh: anh Nguyễn Văn Tiến (áo đen, công nhân ở Q.7) có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không chọn được công việc phù hợp do Trung tâm GTVL TP giới thiệu - Ảnh: Trung Cường

Chị T.T.N.Đ. kể theo giấy hẹn thì ngày 8-3-2010 chị đến bảo hiểm xã hội (BHXH) Q.Phú Nhuận lấy thẻ BHYT và thẻ ATM để rút tiền trợ cấp thất nghiệp. Nhưng khi nhận quyết định hưởng trợ cấp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) TP, chị Đ. được nhân viên ở đây thông báo chưa có thẻ ATM. Chị Đ. gọi điện qua BHXH Q.Phú Nhuận hỏi thì được trả lời chỉ có thẻ BHYT, còn thẻ ATM đợi đến ngày 15-3.

Chị Đ. cho biết sau khi thất nghiệp chị về quê ở Đà Nẵng và trở vào thành phố theo ngày hẹn nói trên. Do gia đình có việc, chị Đ. phải về liền không thể chờ đến ngày 15-3 để nhận thẻ ATM, nếu ở lại chờ thì chi phí sinh hoạt gấp hai lần số tiền được trợ cấp. Chị Đ. muốn ủy quyền cho người khác nhận thẻ ATM giúp cũng không được nên phải tốn công sức, tiền tàu xe về quê rồi trở lại TP nhận thẻ.

Quy định làm khó người thất nghiệp?

Nhiều vướng mắc đang chờ tháo gỡ

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã phản ảnh lên Bộ LĐ-TB&XH những vướng mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ hai tháng nay và đang chờ Bộ LĐ-TB&XH trả lời. Cụ thể, người thất nghiệp đang hưởng trợ cấp nhưng bị bệnh nan y, sức khỏe yếu không thể tiếp tục làm việc hay có con nhỏ, đang nghỉ thai sản, gia đình neo đơn... không có nhu cầu làm việc khi được cơ quan chức năng giới thiệu việc làm hai lần có bị ngưng hưởng trợ cấp?

Người thất nghiệp tìm được việc làm như chạy xe ôm, buôn bán... (những công việc không có hợp đồng lao động) được xác nhận có được hưởng trợ cấp những tháng còn lại? Người thất nghiệp bị tai nạn lao động không đủ sức lao động có được trợ cấp thất nghiệp một lần; Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị chết có được hưởng trợ cấp?...

Chị Đ. cho biết định xin việc ở quê cho gần gia đình nhưng lo lắng số tháng trợ cấp thất nghiệp còn lại bị ngưng. Theo quy định, những người đã có quyết định hưởng trợ cấp tại TP.HCM nhưng có ý định về quê làm việc thì không được ủy quyền cho người khác khai báo việc làm hằng tháng mà tự mình trực tiếp đăng ký. Như vậy nếu chị Đ. về quê tìm việc và hằng tháng vào thành phố khai báo việc làm thì chi phí đi lại có khi lớn hơn số tiền trợ cấp thất nghiệp được hưởng.

Tại điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp Q.7 có trường hợp anh Nguyễn Văn Chinh đang làm việc thì được gọi nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ anh làm thủ tục hưởng trợ cấp và ủy quyền cho người thân làm nốt những việc còn lại. Theo cán bộ điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp, trường hợp người lao động đi bộ đội trước khi có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa có hướng dẫn nên không biết được hưởng trợ cấp hay không.

Một trường hợp khác đến đăng ký thất nghiệp nhưng không kịp làm hồ sơ do phải đi nghĩa vụ quân sự liền. Người này muốn hưởng trợ cấp một lần nhưng bị từ chối tiếp nhận, vì quy định chỉ cho phép người thất nghiệp đang hưởng trợ cấp mà đi bộ đội được hưởng một lần. Mặt khác khi đi bộ đội, người thất nghiệp không thể ủy quyền cho người khác thực hiện những thủ tục khác sau khi đăng ký thất nghiệp.

Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP cho biết theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, người lao động chỉ được ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp hằng tháng. Những trường hợp đăng ký thất nghiệp, nộp hồ sơ, khai báo tình trạng việc làm hằng tháng không được ủy quyền. Để thuận lợi cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH TP linh động giải quyết cho người lao động ủy quyền người khác thực hiện việc đăng ký thất nghiệp, làm hồ sơ (giấy ủy quyền phải có chứng thực của địa phương nơi người lao động tạm trú).

Luật “đá” nhau

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Giới thiệu việc làm TP, số người tự kiếm việc làm như buôn bán, chạy xe ôm... chiếm 40% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định, người hưởng trợ cấp tìm được việc làm mới muốn được hưởng trợ cấp một lần phải trình hợp đồng lao động mới. Nhưng người làm những công việc nói trên không thể có hợp đồng lao động nên không thể hưởng trợ cấp một lần những tháng còn lại.

Theo bà Nhung, luật quy định việc làm là những công việc không trái với pháp luật, trong khi những công việc trên lại không được xác nhận để người thất nghiệp hưởng quyền lợi. Bản thân luật “đá” nhau nên người thất nghiệp bị lãnh đủ. Hiện nay người làm những công việc không có hợp đồng lao động vừa che giấu tình trạng việc làm, vừa thấp thỏm lo bị ngưng hưởng trợ cấp thất nghiệp vì từ chối việc làm do cơ quan chức năng giới thiệu (theo quy định, nếu người thất nghiệp từ chối việc làm hai lần mà không có lý do chính đáng thì bị ngưng hưởng trợ cấp).

Chị V.N.P. kể đang lâm vào tình cảnh nói trên. Thất nghiệp vào những ngày cận tết, chị P. xin bán hàng trong siêu thị, không có hợp đồng lao động. Nhìn giấy hẹn ngày 15-3-2010 lên khai báo tình trạng việc làm, chị P. lo lắng: “Làm việc không có hợp đồng mà cứ xin nghỉ đi tới đi lui làm thủ tục hoài, không khéo lại bị đuổi việc. Còn công việc do Trung tâm GTVL giới thiệu chưa chắc phù hợp. Nếu tôi bị đuổi việc ở siêu thị thì mức trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng làm sao sống nổi”...

Hà Nội: đơn vị sử dụng lao động chậm chốt sổ BHXH

Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan - trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, từ khi triển khai đến ngày 12-3, tại năm điểm tiếp nhận hồ sơ của trung tâm thuộc 17 quận, huyện của thành phố, có 227 người lao động đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có 119 người nộp hồ sơ, 64 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2, đến nay đã tiếp nhận 35 người lao động đến đăng ký thất nghiệp. Trong đó, trung tâm đã hoàn thiện được 20 hồ sơ, cấp quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo lãnh đạo của hai trung tâm giới thiệu việc làm trên, hiện nay số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng rõ rệt. Tuy nhiên một số người lao động còn than phiền việc đơn vị sử dụng lao động chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Hàng ngàn lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Thông tin từ điểm đăng ký thất nghiệp Q.Thủ Đức và Q.Bình Tân cho thấy nhiều người lao động đăng ký thất nghiệp nhưng không có sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) để nộp. Lý do theo người lao động là do công ty làm sai việc chốt sổ hoặc không chốt sổ được cho người lao động vì nhiều nguyên do.

Theo BHXH TP, hiện có khoảng 40 doanh nghiệp với 2.898 lao động đang nợ BHXH trên ba tháng. Trường hợp này nằm trong diện không được cam kết nợ BHXH, do đó số lao động nói trên không được chốt sổ BHXH nếu họ nghỉ việc. Điều này dẫn tới việc người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, theo cơ quan BHXH TP, chỉ còn cách kiện ra tòa nhờ pháp luật xử lý. BHXHTP đang hoàn tất thủ tục kiện doanh nghiệp nợ trên...

Cần Thơ: doanh nghiệp chậm chốt sổ BHXH

Theo ông Nguyễn Minh Trí - giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ), đến nay tại Cần Thơ có 196 lượt người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 86 trường hợp đã có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Cần Thơ, trong 100 trường hợp đăng ký thất nghiệp trễ hạn, có đến 70 trường hợp do doanh nghiệp chốt sổ bảo hiểm xã hội chậm hoặc đùn đẩy việc đi xác nhận sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phía trung tâm đã tháo gỡ bằng cách nhờ cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận riêng phần về bảo hiểm thất nghiệp để làm hồ sơ cho người lao động; đồng thời trong thời gian đầu chấp nhận cho đăng ký trễ hạn sau khi người lao động có tường trình lý do cụ thể.

Ngoài ra hiện nay chưa có quy định về việc chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đang hưởng ở địa phương này đến một địa phương khác trong quá trình hưởng.

Đà Nẵng: người lao động không rõ chính sách

Theo bà Trần Thị Bích Liên - trưởng phòng việc làm Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, đến quý 1-2010 đã tiếp nhận hơn 60 trường hợp người lao động đến đăng ký thất nghiệp. Tuy nhiên, bà Liên cho biết hiện nay một số người lao động vẫn không biết rõ về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Lỗi phổ biến là người lao động đăng ký thất nghiệp trễ hạn theo quy định (theo quy định, trong vòng bảy ngày sau khi bị mất việc phải mang hồ sơ đến đăng ký thất nghiệp để được giải quyết trợ cấp).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa thực hiện các chế độ bảo hiểm cho người lao động với Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng nên chưa được chốt sổ để giải quyết chế độ cho người lao động.

Theo ông Lê Văn Lịch - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng, một số đơn vị (đặc biệt là đơn vị hành chính sự nghiệp), một số cơ quan của ngành y tế, giáo dục... vẫn chưa thực hiện nghiêm túc chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

L.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên