28/03/2012 08:06 GMT+7

Hướng dẫn du lịch: mướt mồ hôi theo những chuyến đi

 HÀ BÌNH
 HÀ BÌNH

AT - Dẫn tour vào đêm giao thừa, xa nhà thường xuyên và làm việc cả dịp lễ, tết là thử thách đầu tiên cho những bạn trẻ muốn theo nghề hướng dẫn viên du lịch.

C3s72D6r.jpgPhóng to
Giờ làm việc của một hướng dẫn viên du lịch - Ảnh: Hà Bình

4g ngày 2-9, anh Vũ Đình Chung - hướng dẫn viên của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ du lịch Bến Thành, TP.HCM - có mặt tại công ty chuẩn bị hướng dẫn đoàn khách 40 người đi Đà Lạt nghỉ lễ trong bốn ngày.

Nghề “ăn vội ngủ muộn”

“Công việc của hướng dẫn viên không chỉ bắt đầu khi khởi hành chuyến đi” - Chung nói và cho biết trước đó khi nhận chương trình tour từ công ty, anh đã kiểm tra chương trình, danh sách hành khách, bảng liệt kê các dịch vụ trong tour, kiểm tra nhà hàng, khách sạn, báo xe và gọi điện báo thời gian, địa điểm khởi hành đến từng thành viên, gia đình trong đoàn.

5g30, xe khởi hành. Hướng dẫn viên chào đoàn, giới thiệu bản thân, tổ tài xế, giới thiệu chương trình tour, phát nước, quà tặng (mũ, khăn lạnh…) cho khách và thuyết minh suốt dọc đường đi. Qua những địa điểm, hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về diện tích, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người... của tỉnh đi qua. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên còn đóng vai trò hoạt náo để mọi người trong đoàn làm quen với nhau bằng các trò chơi tập thể.

Đầu giờ chiều, đoàn đến sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). Hướng dẫn viên tiếp tục thuyết minh về sân bay, giới thiệu những địa điểm sẽ tham quan ở Đà Lạt như hồ Xuân Hương, dinh Bảo Đại, thung lũng Tình yêu... Do đoàn khách lẻ, 40 khách ở nhiều khách sạn khác nhau nên hướng dẫn viên phải sắp xếp giờ hẹn khách khác nhau để đón mọi người kịp giờ ăn chiều. “Giờ giấc phải chính xác vì đến trễ hay sớm quá khách cũng không có chỗ ngồi” - Chung nói. Sau khi khách dùng xong cơm chiều, hướng dẫn viên ăn vội phần của mình để tiếp tục đưa nhóm khách đi tham quan Đà Lạt về đêm. Hướng dẫn viên trở về khách sạn lúc 24g và 6g hôm sau phải có mặt đón đoàn, tiếp tục đưa khách đi tham quan.

Suốt cuộc hành trình, công việc của hướng dẫn viên rất đa năng. “Khi thì phục vụ bàn cho khách lúc quá đông. Lúc lại làm người tổ chức các sự kiện vui chơi kiêm dẫn chương trình. Có khi lại làm khuân vác hành lý và cả... thợ chụp ảnh cho khách. Tóm lại, hướng dẫn viên là người ăn sau khách, thức dậy trước khách” - Chung kết luận.

Cần sức khỏe tốt

Chia sẻ với những bạn trẻ có ý định theo nghề, Chung nói: “Làm hướng dẫn viên du lịch phải xác định xa nhà thường xuyên. Tết nay mình không ăn tết ở nhà mà có lịch dẫn khách từ trước tết đến giữa tháng giêng. Nhiều năm giao thừa cũng phải dẫn khách. Bên cạnh nỗi hiu quạnh khi xa nhà, một trong những đòi hỏi của người hướng dẫn du lịch là phải có sức khỏe tốt vì phải đi bộ, di chuyển nhiều”.

Hướng dẫn viên Huỳnh Văn Săn, đồng nghiệp của Chung, chia sẻ thêm vào những mùa cao điểm như lễ, tết hướng dẫn viên phải “xoay như chong chóng” - vừa tiễn khách xong đã đón khách tiếp tục làm nhiệm vụ mới. Những đợt cao điểm ấy, khách sạn “cháy” phòng thì hướng dẫn viên phải ngủ trên xe hay tạm bợ đâu đó. “Vất vả là thế nhưng trong những chuyến đi dài ấy, hướng dẫn viên vừa là “đại sứ văn hóa” vừa là bạn, vừa là người bảo vệ khách được an toàn” - Săn bộc bạch.

Tiến sĩ Đặng Thanh Vũ - người có 15 năm kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực ngành du lịch - cho rằng để theo nghề hướng dẫn du lịch, bạn trẻ cần phải yêu thích và xác định được những khó khăn mà nghề đòi hỏi như đi nhiều, sức khỏe, khéo léo xử lý tình huống. Hướng dẫn viên phải luôn trau dồi về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý và phải có kiến thức vững chắc về những địa điểm mình sẽ đến.

Năm 2015: Cần 700.000 nhân lực ngành du lịch

Về nhân lực ngành du lịch thời gian sắp tới, tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu - phó vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch cho biết bộ đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tổng nhân lực du lịch cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó 480.000 lao động trực tiếp. Năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp trong ngành du lịch cần 700.000 người, với tốc độ tăng trưởng 7,8% trong giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2020, ngành du lịch cả nước cần ít nhất 900.000 lao động trực tiếp và tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 6,1%.

Theo ông Đặng Thanh Vũ, trong năm năm tới nghề hướng dẫn du lịch sẽ khan hiếm nhân lực do học sinh, sinh viên theo học ngành này ít, vì những đặc thù của ngành. Ngoài ra, các nghề thuộc lĩnh vực du lịch như pha chế rượu, DJ, bếp Âu Á, bếp Việt, làm bánh trong nhà hàng, khách sạn có nhu cầu rất lớn trong năm năm tới.

a6jmI21V.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên