27/01/2006 22:13 GMT+7

Huế đón Tết bằng hoa... tứ xứ

Bài và ảnh: THÁI LỘC
Bài và ảnh: THÁI LỘC

TTO - Nhiều người Huế vẫn cho rằng Tết vắng mai là nhà vắng... Tết. Vậy mà Tết Bính Tuất năm nay, phần lớn các gia đình ở Huế phải thay cái màu vàng của mai quen thuộc bằng cành đào hồng thắm đất Bắc, cây quất về từ Hội An hoặc loại cúc mâm xôi được chuyển về từ Sa Đéc, Sóc Trăng...

Gg4RzvNh.jpgPhóng to

Mai vàng xứ Huế ít hẳn tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

TTO - Nhiều người Huế vẫn cho rằng Tết vắng mai là nhà vắng... Tết. Vậy mà Tết Bính Tuất năm nay, phần lớn các gia đình ở Huế phải thay cái màu vàng của mai quen thuộc bằng cành đào hồng thắm đất Bắc, cây quất về từ Hội An hoặc loại cúc mâm xôi được chuyển về từ Sa Đéc, Sóc Trăng...

Hoàng mai Huế mất mùa thảm hại

Anh bạn tôi người phương xa về Huế ăn Tết vào năm ngoái, có lẽ chưa hiểu thấu đáo "tập tục" của người Huế đã vội bảo rằng "Huế nghèo mà thật sang, bỏ cả triệu mua cành mai thay vì cành đào trăm rưỡi nghìn!...". Vậy mà năm nay, phần lớn dân Huế muốn sang cũng không được, đành phải làm khác đi cái thói quen cố hữu của mình vì hoàng mai xứ Huế mất mùa đến mức thảm hại...

nHafEcbl.jpgPhóng to

"Cành nhỏ như ri mà cũng 200 nghìn, nhưng hễ có bông hoàng mai là có thêm hương cho ngày tết!"

Tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nơi mai cành vẫn họp chợ như mọi năm trước, nhưng năm nay mãi đến 28 Tết mà mai chỉ sắp thành hàng dài chưa đầy 100 mét. Trong đó, chỉ lá đác vài cây cho hoa. Giá mai lại vì thế cũng đắt... trên trời.

Một cành mai cao 2m, nhiều hoa, cành sum suê, đúng thế "trực" theo sở thích của người Huế được hô giá đến 2,5 triệu đồng. Có người trả giá tới 1,8 triệu, chỉ nhận được cái... bĩu môi. Những cành cao tầm mét rưỡi, vỡ thế và xấu xí so với mọi năm cũng lên đến bốn, năm trăm nghìn đồng.

Bà Lê Thị Chư, chủ Mai viên trên đường Nguyễn Chí Thanh - TP Huế - một vườn mai tiếng tăm ở Huế hiện nay cho biết trong số hơn 500 chậu hoàng mai vườn nhà mình chỉ có khoảng vài chục chậu kịp cho hoa trong những ngày Tết. Còn phần lớn đều ở dạng búp rất nhỏ.

"Thời tiết năm ni kỳ lạ thiệt. Mai vườn tui chăm sóc một cách chuyên nghiệp từ cả tháng ni, rứa mà phần lớn chỉ kịp nở vô... rằm tháng giêng. Chỉ có số ít nở đúng Tết mà hoa cũng không ra chi. Có rất nhiều chậu đến giờ chừ vẫn trơ xương, chẳng thèm cho búp nữa!" - bà Chư nói...

cDiNAo8d.jpgPhóng to
Chở mai xuống phố
Còn ông Lê Văn Thức, người chuyên trồng mai ở thôn Hạ 1, xã Thủy Xuân - TP Huế cho hay: "Tám trăm cây mai vườn nhà tui, tính ra chi có hơn 30 cây cắt bán được mà thôi. Vườn tui mà như rứa huống chi vườn khác, hoa còn tệ hơn nữa!".

Nhìn chung tại TP Huế trong năm nay, lượng hoàng mai nở đúng vào dịp Tết chỉ khoảng từ 10 đến 30% so với năm ngoái.

Những người nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng mai cho rằng do thời tiết Huế mưa hắt và lạnh kéo dài trong những tháng cuối năm nên mai cho hoa muộn, thậm chí không chịu cho hoa. Mặt khác, trong khoảng giữa tháng chín âm lịch vừa qua, cũng do thời tiết thất thường đã làm mai vàng nở hàng loạt. Điều đó cũng ảnh hưởng đến lượng hoa của mai vàng xứ Huế vào dịp Tết này giảm hẳn...

Và cúc đào tứ xứ lên ngôi

MU7rv4kO.jpgPhóng to
Nụ cười của cô gái Huế tại chợ hoa - công nhân của công ty Công viên cây xanh Huế

Chợ hoa Tết chính của Huế đóng tại công viên Phú Xuân như mọi năm, đến ngày 28 tết bỗng rực rỡ muôn hương sắc giữa không gian Kỳ đài và Kinh thành cổ kính. Năm nay, ngoài thiếu vắng sắc mai vàng quen thuộc, chợ hoa Huế tập trung đầy đủ các loại hoa của ba miền.

Tại đây ta có thể bắt gặp loài tulip, lưu ly, lý hương thảo, các loại địa lan rực rỡ đến từ Đà Lạt; quất đến từ Hội An; hồng diệp mai từ Bình Định, Phú Yên; cẩm tú cầu xuất xứ từ núi Bạch Mã...

Và đặc biệt là các loại cúc vàng rực, trong đó phần lớn là cúc mâm xôi về từ các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Sa Đéc, Long An...; cúc đại đóa của Phú Yên, Quảng Ngãi và các loại hoa như mạc đình hồng, hướng dương, cúc cơm, bát tiên, thạch thảo... trồng tại đất Huế.

Bom0hFA6.jpgPhóng to
Hiện tượng ít gặp của người Huế dịp Tết là phải mua anh đào đất Bắc thay thế mai vàng nhưng giá cả cũng ở mức rất cao

Nhân, một người dân ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, đánh giá rằng: "Cho dù hoa có phong phú hơn mọi năm nhưng giá hoa năm nay cao ngất trên trời xanh luôn!".

Theo sự khảo sát của chúng tôi, một cặp các mâm xôi miền Tây đang giữ ở mức 160 nghìn đồng; cặp hoa lưu ly 140 nghìn đồng; cặp thạch thảo 120 nghìn; cặp cẩm tú cầu 300 nghìn và cặp địa lan 600 nghìn đồng... Ngay cả những loại hoa thường như thược dược cũng lên đến 50-60 nghìn đồng/cặp; cúc đại đóa 50 nghìn/cặp; hướng dương 80 nghìn/cặp và bát tiên 40-50 nghìn đồng/cặp...

Tương tự, tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đào đến từ Hà Nội, Nam Định... được nhập về với số lượng rất lớn, lấn át hẳn so với lượng mai cành ít ỏi tại đây. Thế nhưng giá đào vẫn ở mức rất cao, trung bình từ 200 đến 400 nghìn/cây cho dù dáng và hoa chỉ ở mức tàm tạm.

h8gZXIHx.jpgPhóng to

Tất tả kéo hoa về chợ

"Giá hoa năm ni cao khoảng gấp rưỡi năm ngoái, nhưng không có ăn là mấy vì thời tiết xấu như rứa, trồng mà đỏ cả con mắt" - Quân, một nghệ nhân trồng hoa cho biết.

Cho dù tổng số lượng hoa có mặt tại Huế, theo sự đánh giá Quân là ít hơn mọi năm, nhưng cho đến chiều ngày 28 Tết, hoa vẫn tràn ngập tại chợ hoa và nhiều điểm bán khác trong TP Huế. Cũng theo Quân, người mua thì có suy nghĩ rằng đến ngày cuối đi mua cho nó sướng, cho dù có thể rất đắt hoặc cực rẻ. Còn người bán thì có ý giữ giá ghim hàng, có ý "sống mái một phen" với thị trường hoa cuối năm.

Và dù muốn dù không thì thị trường hoa Huế vẫn sẽ "ngã ngũ" trong giai đoạn từ chiều 29 cho đến gần giờ giao thừa...

Tục chơi mai ngày Tết có ở khắp cả nước bởi quan niệm hoa mai mang... cái hồn của mùa xuân, nhất là người miền trong từ vùng Huế trở vào Nam. Ở quan niệm này có thể nói đến sự khó tính của người Huế: ngày Tết phải có cho được cành hoàng mai đặc trưng, rặt gốc Huế.

Hoàng mai xứ Huế không nhiều hoa cũng không lắm cánh như loại hồng diệp gốc gác từ Nam Trung bộ và từ miền Nam. Hoàng mai Huế lượng hoa vừa phải, phần lớn mang năm cánh, thỉnh thoảng điểm vài bông sáu cánh thêm duyên.

Hoàng mai Huế hoa lớn, cánh dày, vàng tươi rực rỡ, mang hương thơm nhè nhẹ, tịnh khiết và thanh thoát mà không một loại hoa nào sánh được... Bởi vậy hễ đến ngày Tết, dù trong năm làm ăn thất bát thế nào thì người Huế vẫn cố tậu cho mình chậu hoặc nhánh hoàng mai cho nhà có chút vị xuân. Người ta đi mua hoa Tết cũng chính là đi rảo mai và mua mai là chủ yếu.

Bài và ảnh: THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên