Ca sĩ Ed Sheeran - Ảnh: THE GUARDIAN
Hai bản hit - hai thế hệ, nhưng trong khi ca khúc của Queen sáng tác bởi mình Freddie Mercury, ca từ hết sức phong phú, thì bài hát của Beyoncé được nhào nặn bởi những 6 nhạc sĩ, nhưng ngôn từ hạn chế vô cùng.
Tất nhiên ảnh chế chỉ cho vui, nhưng nói trúng vài phần nền âm nhạc Âu Mỹ hiện hành: những bản hit do một tập thể đông đúc hơn sáng tác, nhưng kém đặc sắc hơn.
Bohemian Rhapsody
Đồng sáng tác không phải mới. Nhưng đồng sáng tác ở thế kỷ 21 không còn là kiểu bỗng dưng Paul McCartney ôm đàn hát líu lo, bấm một hòa âm và John Lennon thốt lên: "Chính nó đấy!", rồi I want to hold your hand ra đời.
Giờ đây, các hãng ghi âm lớn tạo nên những "trại sáng tác nhạc" - nơi những nhạc sĩ được tuyển mộ về để cùng nhau viết các bài hit.
"Cơ bản là họ bỏ chúng tôi vào một phòng thu (...) - làm beat, sống trong ngục tối, bạn không bỏ đi đâu được. (...) Tôi ngủ trong lều ở phòng thu" - nhạc sĩ Majid Jordan kể về trải nghiệm cùng nhiều người khác đồng sáng tác ca khúc Hold on cho Drake.
Cách mô tả của Jordan khiến người ta liên tưởng tới nhà máy hơn là một không gian sáng tạo. Còn nói như Madonna, bà hoàng nhạc pop, nhân kỷ niệm 20 năm ra đời album Ray of light, đã nuối tiếc thời mình "được quyền mộng tưởng và không phải tới những trại sáng tác nơi không ai ngồi yên được quá 15 phút".
Những "hợp tác xã" âm nhạc kiểu này khiến âm nhạc mất đi tính riêng tư. Nhiều ca sĩ lấy ca khúc từ cùng một xưởng. Như vụ Halo của Beyoncé và Already Gone của Kelly Clarkson thực chất được phát triển từ một bản nhạc gốc, nhưng được giao cho hai người viết giai điệu nên thành hai ca khúc khác nhau.
Mới đây, album No.6 Collaboration Project của Ed Sheeran được phát hành với sự góp giọng của một tiểu đội siêu sao, từ Eminem, 50 Cent, tới Justin Bieber, Bruno Mars, Camila Cabello.
Những ca khúc trong đây ít thì có 3 người đồng sáng tác, nhiều lên đến 9-10 người. Nhưng ngoài việc điểm danh đủ các tên tuổi lừng lẫy, nó không có nhiều điểm nhấn đặc sắc về âm nhạc.
Đối chiếu với Việt Nam, một điều tích cực là nền âm nhạc của chúng ta chưa hình thành những "nhà máy hit" như vậy. Mà kể cả những cặp, nhóm sáng tác chung theo kiểu cổ điển cũng không nhiều.
Bảo nhắc tên có khi người ta chỉ nhớ ra vài cặp xửa xưa. Nào là Đoàn Chuẩn - Từ Linh, mà như Đoàn Chuẩn nói: "Tôi làm cái gì thì ông ấy làm phó cho tôi cái đó". Nào là Văn Cao - Phạm Duy cùng viết mấy bài Suối mơ, Bến xuân.
Hoàng Thuỳ Linh hát Để Mị nói cho mà nghe
Bây giờ, lâu lâu sẽ có một sự kết hợp, nhưng thường ngắn hạn và không đều, có thể kể tới Trang Pháp và Thanh Bùi trong album Run away, Trịnh Thăng Bình và Nguyễn Hoàng Duy, Tấn Phong - Khắc Hưng. Để Mị nói cho mà nghe cũng là ca khúc do nhóm hai người đồng sáng tác.
Còn để nói về một nhóm có dấu hiệu gắn bó lâu dài, có Trang và Tiên Tiên, với EP "Nhạc của chung" - một sản phẩm có tính cách, có câu chuyện, có dấu hiệu nhận biết riêng về mặt nhạc tính. Và họ, thật may sao, vẫn tìm đến nhau bằng mối duyên, chứ không phải làm việc chung trong một "trại sáng tác" nào đó.
Sự đi sau đôi khi cũng có cái hay...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận