Không sản xuất thừa mứa lúa, cáNhiều cơ hội hợp tác Việt - Nhật
Đồng Tháp sẽ triển khai áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành cá tra - Ảnh: Thanh Tú |
Ông Nguyễn Văn Dương - Ảnh: T.Tú |
* Việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh sắp tới có những điểm gì khác biệt so với bối cảnh ngành nông nghiệp hiện tại?
- Nội dung cốt lõi, mang tính chiến lược để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển trong thời gian tới là vấn đề tái cơ cấu tổ chức hoạt động của hai đối tượng chính, tác động đến toàn bộ hoạt động của ngành nông nghiệp là nông dân và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp.
Đó chính là vấn đề hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với HTX, liên kết nông dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra của nông nghiệp. Hai yếu tố này là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển nông nghiệp hiện nay.
* Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đặt trọng tâm vào “ba cây hai con” (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt), vì sao vậy?
- Việc chọn lựa năm mặt hàng chủ lực được xác định trên cơ sở phân tích đánh giá các lợi thế so sánh về thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, phân khúc thị trường tiềm năng của ngành hàng; so sánh lợi thế về giá thành sản xuất, sản lượng hàng hóa, hệ thống canh tác, liên kết trong chuỗi giá trị, tiềm năng phát triển sản xuất, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở phân tích các yếu tố trên đã chỉ ra được mặt hàng gạo và cá tra là hai ngành hàng chiến lược cấp quốc gia, mặt hàng xoài, hoa kiểng, vịt là ngành hàng chiến lược của tỉnh.
Tuy nhiên đây là đề án khung, có thời gian thực hiện dài nên sẽ có độ mở lớn, tùy tình hình phát triển về thị trường tiêu thụ và các thay đổi về lợi thế so sánh, các tiến bộ mới trong giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ chế biến, bảo quản... mà tỉnh có thể bổ sung, điều chỉnh một số mặt hàng chiến lược. Đối với các huyện, thị cũng có thể chọn lựa những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương.
* Lúa được xem là cây trồng chủ lực của nông dân ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Đề án có đưa ra được những giải pháp nào để giúp nông dân cải thiện thu nhập, sống được với cây lúa, thưa ông?
- Kết quả thống kê năm 2011, tỉnh Đồng Tháp có 156.679 hộ nông dân sản xuất lúa với diện tích canh tác 225.220ha, trong đó có đến 62,8% hộ có diện tích canh tác dưới 1ha, 22,9% hộ có diện tích canh tác từ 1-2ha, 14,3% hộ canh tác hơn 2ha. Với quy mô diện tích sản xuất nhỏ như trên, phần lớn hộ sản xuất khó có thể đạt được lợi nhuận cao để vươn lên khá, giàu. Qua phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng Tháp năm 2012 cho thấy nông dân đạt lợi nhuận bình quân 540 đồng/kg lúa.
Để giúp người trồng lúa tăng thu nhập, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Chẳng hạn, tăng quy mô diện tích sản xuất lúa/hộ bằng cách rút bớt lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; xây dựng và mở rộng các cánh đồng liên kết để nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản lượng lúa gạo lớn, chất lượng đồng nhất, đáp ứng yêu cầu thu mua của doanh nghiệp; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo, giảm thất thoát ở khâu thu hoạch và sau thu hoạch.
* Con cá tra cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc ổn định đầu ra trong khi đầu vào sản xuất giá thành lại khá cao. Đề án đã vạch ra những hướng đi nào để khắc phục những tình trạng này?
- Việc tiêu thụ cá tra trong thời gian qua liên tục gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân, như quá phụ thuộc thị trường xuất khẩu, chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VN cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá xuất khẩu, gian lận trong tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu (phi lê đông lạnh) làm mất uy tín, thương hiệu cá tra VN.
Theo đề án, Đồng Tháp sẽ phát triển các vùng nuôi cá tra sạch và bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP... Tiếp tục tăng cao chất lượng giống cá để giảm tỉ lệ hao hụt, giảm giá thành sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, thay đổi cơ cấu sản phẩm chế biến (giảm tỉ trọng sản phẩm phi lê đông lạnh, tăng sản phẩm có thể chế biến ăn nhanh). Đẩy mạnh việc chế biến các phụ phẩm, phế phẩm trong chế biến cá tra nhằm tăng giá trị gia tăng. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng kiến nghị các bộ ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu, chống tình trạnh doanh nghiệp xuất khẩu hàng chất lượng kém để cạnh tranh về giá xuất khẩu.
Sẽ sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa kiểng Theo ông Nguyễn Văn Dương - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tình trạng hoa tết cũng như nhiều nông sản khác (trái cây, rau quả...) bị ế chợ chủ yếu do nông dân không xác định được nhu cầu của thị trường, thiếu thông tin liên kết giữa những người sản xuất, giữa các vùng chuyên canh. Chẳng hạn, việc sản xuất hoa tết tại Đồng Tháp những năm qua do nhiều hộ sản xuất riêng lẻ, chưa có tổ chức để kết nối các hộ này với nhau. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập hợp các hộ chuyên sản xuất hoa tết thành một tổ chức để có thể thống kê, đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ hoa tết. Hội sản xuất hoa tết liên hệ với các vùng chuyên sản xuất hoa tết trong vùng ĐBSCL, liên kết với các thị trường tiêu thụ hoa tết trọng điểm để trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ, có thể tiến tới liên kết phân khúc thị trường tiêu thụ, từ đó có định hướng về sản lượng, chủng loại hoa tết để các hội viên có định hướng sản xuất phù hợp hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận