Con lươn trên đường xuyên Á:
Phóng to |
Một vụ tai nạn giao thông tại Hóc Môn: xe chở rác tông vào con lươn lật nhào (chụp ngày 20-10-2004)- Ảnh: QUANG KHẢI |
Từ khi lắp đặt đến nay, “con lươn” này gây không ít khó khăn cho người đi xe máy và đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông.
Tai nạn vì đầu con lươn
Khác các con lươn trong TP chỉ bị cắt đoạn ở những chỗ có giao lộ, hai con lươn trên đường xuyên Á bị cắt đoạn liên tục (còn gọi là con lươn hở). Cụ thể có đoạn chỉ là một con lươn dài 5m, nhưng có đoạn lươn dai đến hơn 100m. Vì vậy có những con lươn nằm chơ vơ giữa đường như cái bẫy để bẫy các phương tiện giao thông, nếu người điều khiển phương tiện không cẩn thận sẽ đâm xe vào phần đầu con lươn. Trên thực tế, đơn vị chủ đầu tư dự án (Khu Quản lý giao thông đô thị TP.HCM) lắp đặt con lươn trên đường xuyên Á chỉ gắn một tấm kim loại sơn màu vàng nhạt trước đầu con lươn, rất khó nhìn vào buổi tối.
Trên tuyến đường này chúng tôi thấy phần đầu của nhiều con lươn chưa được sơn kẻ. Đáng chú ý là có không ít phần đầu con lươn bong tróc sứt mẻ ximăng, chứng tỏ đã có nhiều vụ tai nạn giao thông. Theo người dân địa phương, chính việc phân khúc con lươn thành nhiều đoạn nên mỗi phần đầu con lươn trở thành hiểm họa. Để giảm bớt những “cái chết” vì con lươn, người dân đã đặt thùng phuy trước phần đầu con lươn hoặc cắm một cái cây buộc bao nilông để cảnh báo người đi đường.
Phóng to |
Qua đường: khó khăn, nguy hiểm quá! (cảnh thường thấy tại khu vực chợ Thành, Hóc Môn) - Ảnh: QUANG KHẢI |
Tại khu vực chợ Thành (ấp Thống Nhất 1, Hóc Môn) là khu vực đông người qua lại mua bán vào các buổi sáng và chiều. Thế nhưng người ta lắp đặt con lươn dài, không có đoạn hở qua đường. Vì vậy nhiều người muốn đến chợ khi qua đường đã phải “cưỡi” qua con lươn.
Không chỉ người đi chợ mà hành khách đi xe buýt cũng phải “cưỡi” lươn vì phần lớn xe buýt không vào trạm đón khách mà chỉ đậu ở phía làn đường dành cho ôtô (con lươn ngăn cách giữa làn ôtô và làn xe hai bánh). Do đó, nhiều hành khách dù tay xách, nách mang cũng đành phải băng qua làn đường dành cho xe máy rồi trèo qua con lươn để lên xe buýt. Tương tự, khách xuống xe cũng phải “cưỡi” lươn và băng qua làn đường dành cho xe máy đang vùn vụt trước mặt...
Anh Lê Văn Xiểu - lái xe buýt của Hợp tác xã (HTX) Quyết Tiến - cho biết sở dĩ một số xe buýt đón khách ngoài con lươn vì lo ngại đưa xe vào trạm. Điều bất hợp lý nhất là trên đoạn đường dài khoảng 8km hướng từ Củ Chi về TP, việc đặt con lươn dành làn đường cho xe hai bánh quá hẹp -khoảng hơn 2m - nên xe máy khó lưu thông và xe buýt lại càng không thể vào được. Ông Trần Đăng Tạo - phó chủ nhiệm HTX xe buýt Quyết Tiến - cho rằng do con lươn ngăn cách với trạm nên xe buýt không thể vào 25/30 trạm xe buýt ở hai bên đường xuyên Á.
Biện pháp nào để khắc phục?
Cục Đường bộ VN đã từng điều tra nghiên cứu xác định việc đặt con lươn hở trên đường Pháp Vân - Văn Điển (Hà Nội) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Tại đây, chỉ trên một đoạn đường dài 1,5km mà có tới 17 quãng trống và một ngã ba khiến các xe có thể rẽ ngang đường ở nhiều chỗ, dễ va chạm với các xe chạy dọc với tốc độ cao. Như vậy, việc đặt vài chục đoạn lươn hở trên đường xuyên Á cũng có khả năng trở thành nhiều “điểm đen” mới trên quốc lộ này.
Ông Trần Quang Phượng - phó giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM - cho biết sở dĩ đặt con lươn hở trên đường xuyên Á là để cho các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, trường học, các công ty có ôtô lưu thông ra vào làn đường ôtô. Đồng thời trên mặt đường đã làm gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ xe lưu thông. Về vấn đề xe buýt không vào trạm vì con lươn, sở sẽ chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư - Khu Quản lý giao thông đô thị TP.HCM - kết hợp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM để xem xét khảo sát lại.
Theo ông Phượng, sở đã có giải pháp lắp đặt hàng rào cao trên con lươn để che chắn đèn pha của chiều xe ngược, giúp người điều khiển xe máy không bị chóa mắt đâm vào con lươn. Đồng thời hàng rào này còn xóa tình trạng người trèo qua lươn và trên hàng rào sẽ trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan. Về việc làn xe hai bánh ở đoạn Củ Chi quá hẹp khiến các xe máy phải chạy vòng ra đường ôtô, ông Phượng cho biết sẽ giao cho chủ đầu tư xem xét lại vì chủ trương của sở là làm đường dành cho xe hai bánh tối thiểu phải đạt 3m mới được đặt lươn.
Liệu các giải pháp trên có khả thi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận