Chỉ trong vòng 5 ngày, ngành hàng không thế giới chứng kiến hai thảm họa đau lòng: máy bay hãng Azerbaijan Airlines (Azerbaijan) bị rơi hôm 25-12 khi đang hạ cánh ở Kazakhstan làm 38 người chết và máy bay hãng Jeju Air (Hàn Quốc) lao khỏi đường băng bốc cháy ngày 29-12 cướp đi sinh mạng của 179 người.
Hàn Quốc rà soát toàn bộ ngành hàng không sau tai nạn máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air
Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân hai vụ tai nạn do các nhà điều tra còn phải thu thập dữ liệu từ hộp đen máy bay.
Trong vụ máy bay hãng Jeju Air, các quan chức Hàn Quốc cho biết một trong hai hộp đen, hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), đã bị hư hỏng một phần, khiến quá trình phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân tai nạn khó khăn hơn và mất thời gian hơn.
Thông thường nếu cả 2 hộp đen thu được không bị hư hại, việc giải mã có thể chỉ mất 1 tuần. Trong trường hợp FDR của máy bay Jeju Air phải chuyển đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) để giải mã, quá trình này có thể mất ít nhất 6 tháng.
Còn trong vụ máy bay hãng Azerbaijan Airlines, Bộ Giao thông Kazakhstan cho biết Ủy ban điều tra tai nạn đã quyết định gửi hộp đen ghi âm chuyến bay đến Trung tâm điều tra và phòng ngừa tai nạn hàng không (CENIPA) ở Brazil, quốc gia sản xuất dòng máy bay Embraer, để làm rõ chuyện gì đã xảy ra.
Hộp đen máy bay là gì?
Hộp đen máy bay là thiết bị màu cam sáng, được đặt ở phần đuôi máy bay, nơi ít bị ảnh hưởng nhất trong các vụ va chạm.
Một hộp đen thường bao gồm hai bộ phận chính là máy ghi âm buồng lái (CVR) và máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR). Trong đó, CVR từ hộp đen lưu trữ các cuộc trò chuyện và âm thanh trong buồng lái, trong khi FDR ghi lại các thông số kỹ thuật như tốc độ, độ cao, hướng bay và tình trạng động cơ.
Để bảo vệ dữ liệu quan trọng, hộp đen được thiết kế với vỏ ngoài bằng vật liệu siêu cứng, có khả năng chịu được lực tác động lên đến 3.400 lần trọng lực và nhiệt độ cao tới 1.100°C trong vòng 30 phút. Hộp đen còn được trang bị thiết bị phát tín hiệu dưới nước, giúp định vị khi rơi xuống biển.
Trên thực tế, có nhiều vụ tai nạn máy bay mà chỉ khi giải mã hộp đen người ta mới biết được nguyên nhân thật sự.
Ai khiến máy bay chở 162 người rơi thẳng xuống biển?
Trong vụ tai nạn của AirAsia Flight QZ8501 hồi năm 2015, hộp đen đã tiết lộ một chuỗi sự kiện dẫn đến thảm họa, trong đó cách phản ứng của phi hành đoàn là một nguyên nhân rất lớn.
Cụ thể, hộp đen cho thấy máy bay gặp vấn đề với hệ thống điều khiển cánh đuôi, nơi các cảm biến gửi tín hiệu không chính xác. Đây là một lỗi kỹ thuật đã từng xuất hiện trước đó nhưng chưa được xử lý triệt để.
Khi hệ thống cảnh báo phát tín hiệu, phi công đã cố gắng khắc phục bằng cách tắt và khởi động lại hệ thống điều khiển. Đây là một hành động vượt ngoài quy trình tiêu chuẩn (SOP).
Việc khởi động lại hệ thống đã khiến chế độ tự động lái bị tắt. Máy bay nhanh chóng rơi vào tình trạng mất kiểm soát khí động học - khi lực nâng không đủ để duy trì chuyến bay.
Hộp đen cũng hé lộ phi công đã không thực hiện các bước cần thiết để phục hồi từ tình trạng mất lực nâng. Thay vì giảm độ nghiêng của mũi máy bay để khôi phục luồng không khí qua cánh, họ tiếp tục nâng mũi máy bay lên cao khiến tình trạng mất lực nâng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Kết quả, máy bay rơi thẳng xuống biển Java, dẫn đến cái chết của toàn bộ 162 người trên khoang.
Một tai nạn hàng không khác vào năm 2009. Chuyến bay Air France Flight 447, sử dụng máy bay Airbus A330-200, khởi hành từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Paris (Pháp), đã gặp thảm họa và rơi xuống Đại Tây Dương khiến toàn bộ 228 người thiệt mạng.
Sau vụ tai nạn, công tác tìm kiếm hộp đen của máy bay kéo dài gần hai năm. Độ sâu đại dương lên đến 4.000m cùng địa hình đáy biển gồ ghề khiến việc định vị gặp nhiều khó khăn.
Dữ liệu trích xuất từ CVR và FDR đã làm sáng tỏ những giây phút cuối cùng của chuyến bay.
Theo đó, khi máy bay bay qua khu vực dông bão trên Đại Tây Dương, các cảm biến tốc độ (pitot tubes) bị đóng băng, dẫn đến việc hệ thống tự động lái bị tắt.
Lúc này, phi hành đoàn buộc phải điều khiển máy bay thủ công. Tuy nhiên, phi công phụ đã xử lý sai cách bằng cách nâng mũi máy bay lên quá mức khiến máy bay rơi vào tình trạng mất lực nâng.
Máy bay bắt đầu rơi tự do với tốc độ khoảng 3.000m/phút nhưng các phi công không thực hiện đúng quy trình khôi phục từ tình trạng này.
Cuộc hội thoại ghi lại trong hộp đen CVR bật mí phi hành đoàn đã hoang mang và thiếu phối hợp trong lúc đối mặt với tình huống khẩn cấp. Phi công chính, dù có mặt trong buồng lái, không kịp can thiệp để khắc phục sai lầm của phi công phụ.
Kết quả, máy bay lao thẳng xuống Đại Tây Dương trong sự bất lực của toàn bộ phi hành đoàn.
Hộp đen tiết lộ hành động đáng sợ của phi công
Ngày 24-3-2015, chuyến bay Germanwings Flight 9525, sử dụng máy bay Airbus A320, đã gặp thảm họa khi đâm vào dãy Alps của Pháp khiến toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng.
Hai hộp đen của máy bay đã được tìm thấy và đóng vai trò quyết định trong việc làm sáng tỏ nguyên nhân tai nạn.
Hộp đen ghi âm buồng lái tiết lộ rằng cơ trưởng đã rời buồng lái để đi vệ sinh, để lại cơ phó Andreas Lubitz một mình.
Trong lúc cơ trưởng cố gắng quay lại, cửa buồng lái đã bị khóa từ bên trong. Lubitz không đáp lại các cuộc gọi hay yêu cầu mở cửa, kể cả khi cơ trưởng cố gắng phá cửa.
Âm thanh cuối cùng trên CVR từ hộp đen là tiếng la hét của hành khách trước khi máy bay đâm vào núi.
FDR từ hộp đen cho thấy Lubitz đã tắt chế độ tự động lái và điều chỉnh máy bay hạ độ cao xuống mức nguy hiểm. Đồng thời, ông không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để khôi phục độ cao dù hệ thống cảnh báo phát tín hiệu.
Cuộc điều tra chỉ ra Andreas Lubitz từng có tiền sử trầm cảm nghiêm trọng và đã tìm kiếm thông tin về cách tự tử cũng như cách khóa cửa buồng lái trên máy bay. Hồ sơ y tế cung cấp thông tin anh ta không được phép làm việc do vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng điều này không được báo cáo đầy đủ đến hãng hàng không.
Vụ việc đã làm thay đổi một số quy định an toàn hàng không. Hầu hết các hãng hàng không đã yêu cầu luôn phải có ít nhất hai người trong buồng lái, để tránh trường hợp một phi công ở một mình.
Các hãng hàng không và cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra sức khỏe tâm thần của phi công, bao gồm việc đánh giá định kỳ và yêu cầu báo cáo từ bác sĩ.
Bí ẩn không thể giải vì thiếu hộp đen
Trong một số trường hợp, hộp đen có thể bị hư hỏng do tác động quá mạnh hoặc điều kiện khắc nghiệt, dẫn đến mất dữ liệu hoặc làm chậm quá trình điều tra. Chẳng hạn, trong vụ tai nạn máy bay FlyDubai tại Rostov-on-Don (Nga) vào năm 2016, cả hai hộp đen đều bị hư hỏng nặng, khiến việc trích xuất dữ liệu gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, sự kiện mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 (2014) của Malaysia Airlines trở thành một trong những vụ tai nạn hàng không kỳ lạ nhất lịch sử. Dù đã có những nỗ lực tìm kiếm rộng lớn trên Ấn Độ Dương, hộp đen của máy bay này đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Điều này đã dẫn đến cuộc thảo luận toàn cầu về việc cải tiến công nghệ, bao gồm việc truyền dữ liệu chuyến bay theo thời gian thực để giảm thiểu tình trạng mất dữ liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận