19/12/2010 05:25 GMT+7

"Hồn Tổ quốc đẫm từng tấc đất"

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Mười năm trước, lần đầu gặp giáo sư (GS) Đỗ Văn Ninh, tôi đã rưng rưng nghe ông tâm sự câu này. Mười năm sau, tôi vẫn xúc động nghe ông say sưa chuyện đi tìm hồn phách tổ tiên, dù sức khỏe nhà khảo cổ hàng đầu, chuyên gia nghiên cứu thành cổ Việt này đã yếu lắm rồi.

dbnJRCTl.jpgPhóng to
Giáo sư Đỗ Văn Ninh -Ảnh: Quốc Việt

Tôi gõ cửa nhà GS Ninh ba lần mà không thể gặp. Bà nhà tiếp tôi, lo lắng: “Ông ấy mới té, lại bị tim mạch, huyết áp cao mà cứ đi hội thảo, điền dã nghiên cứu triền miên. Tính ông ấy lại thẳng lắm. Ai nói gì không đúng là đốp chát cho ra phải trái ngay, rồi về nhà lại mệt”. Tôi nghe bà tâm sự mà lặng nhìn bàn làm việc vẫn đang ngổn ngang sách vở, tài liệu nghiên cứu và cuốn sổ tay chi chít lịch làm việc của nhà khảo cổ tuổi đã ngoài 80...

"Dưới chân thành quách rêu phong, trong từng đầu tên, mũi kiếm gỉ sét, từng nắm xương tàn đã hóa đất bụi của tổ tiên luôn đẫm hồn thiêng dân tộc. Đó chính là nguyên khí cho con cháu nước Việt hôm nay vượt qua mọi sóng gió thời cuộc..."

GS Đỗ Văn Ninh

Kiếp người ngắn ngủi cho bao ước vọng

Tính bộc trực, chỉ mê việc và đã làm thì quyết làm đến cùng của GS Ninh, tôi biết từ lâu. Nhiều lần tôi đã nghe các tiến sĩ, viện trưởng, giảng viên đại học ở Hà Nội kể về thầy mình: “Thầy Ninh bất ngờ gọi điện báo tin vui đã được cho nghỉ việc. Mọi người tá hỏa. Người mê việc như thầy mà nghỉ làm à? Mãi sau chúng tôi mới biết nhiều lần nguyện vọng xin thôi chức lãnh đạo ở viện sử học của thầy đã được chấp thuận. Thầy muốn dành toàn tâm cho chuyên môn”.

Sau này, ngồi với GS Ninh, tôi cũng nghe tâm sự này. Ông mê đi, mê khảo cổ, nghiên cứu sử đất nước, chỉ sợ một kiếp người ngắn ngủi cho bao ước vọng, thôi thì đành tránh những chuyện lao xao phân tâm. Ông làm lãnh đạo cũng do anh em tín nhiệm bầu. Thôi thì rời ghế, ông dành trọn đời cho nghiên cứu chuyên môn cũng chẳng cúi lòn ai!

Quê nhà ở lũy tre làng Kim Động, Hưng Yên, GS Ninh từ nhỏ đã may mắn được cha cho theo học cả chữ Nho lẫn Tây học. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ xong, anh lính Việt Minh có chút chữ nghĩa này được cử đi học lên cao để xây dựng đội ngũ trí thức sau chiến tranh. Nhớ thời kỳ đó, GS Ninh tâm sự: “Quyết định theo sử học và khảo cổ của tôi có lẽ do từ thuở tóc còn để chỏm đã ê a đọc Đại Nam quốc sử diễn ca. Hào khí bà Trưng, bà Triệu, tinh thần vệ quốc bất khuất của dân tộc đã dần thấm sâu vào máu tôi”.

Ngay giai đoạn đang du học nước ngoài, ông cũng rất ý thức nghiên cứu sử nhà từ xa. Hoàn cảnh đất nước hàng ngàn năm chinh chiến, loạn lạc đã làm rất nhiều sử liệu, di vật quý giá của dân tộc thất lạc qua nước khác. Bao lần cậu sinh viên người Việt này đã rưng rưng nước mắt khi tìm được những trang sử, cổ vật nói lên tinh thần thà hi sinh chứ không để mất nước của tổ tiên mình. Về sau, khi được giảng lại cho sinh viên nước bạn lịch sử Việt, ông luôn nhấn mạnh đến tinh thần vệ quốc oanh liệt này. Một tinh thần đã làm ông luôn tự hào nói với các bạn rằng: “Tổ quốc tôi không bao giờ lùi bước trước kẻ thù”!

Về nước từ năm 1965 đến nay, ông dành trọn thời gian cho sử học và khảo cổ... Mặc dù rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng, giảng viên từng là học trò của ông và được ông dìu dắt nghiên cứu, nhưng chưa bao giờ ông nhận mình là thầy. “Tôi chỉ thích lang thang và thọc tay vào lòng đất để tìm kiếm câu chuyện tiền nhân!” - ông tâm sự với tôi như tự sự với chính mình.

Thành cổ liệt oanh

Trước khi may mắn biết GS Ninh, tôi đã đọc rất nhiều sách ông viết về các công trình nghiên cứu như thành cổ VN, lịch sử tiền cổ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, văn hóa mộ táng, chùa tháp... Trong đó, tác phẩm về thành cổ Việt của ông đã làm tôi mải mê đọc đi đọc lại. Nhiều đêm ngồi lặng trước trang sách, tôi cảm giác như cùng ông đi tìm lại dấu xưa của những thành trì từng diễn ra bao trận chiến oanh liệt của dân tộc. Ở thành Cổ Loa cổ nhất của VN tại Đông Anh, Hà Nội, ông mày mò phát hiện tiền nhân từ hơn 2.000 năm trước đã có nghệ thuật đắp thành kiên cố, có thể dùng cung nỏ phòng thủ rất hiệu quả trước kẻ thù. Thọc tay vào từng lớp đất dưới nền sâu thành cổ, ông còn phát hiện rất nhiều dấu vết, di vật liên quan đến quốc đô Âu Lạc lừng lẫy một thời.

Nhưng rồi cũng chính dưới nền sâu đó, GS Ninh lại tìm thấy nhiều trầm tích liên quan đến những kẻ xâm chiếm phương Bắc. Đó là những giếng nước mạch ngang bằng đất nung thời Đông Hán, các viên gạch vỡ vẫn còn dòng chữ “Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị” từ thế kỷ thứ nhất. Ông đã bồi hồi hiểu rằng thành cổ Việt không chỉ là đất đá rêu phong, đổ nát, mà còn ẩn sâu hồn thiêng dân tộc trong đêm dài lịch sử bi hùng đầy tham vọng xâm chiếm của kẻ thù, và tinh thần chiến đấu bất khuất trong ước vọng tự do mãnh liệt của tổ tiên nước Việt xưa.

Ở thành cổ Hoa Lư, dấu chân khảo cổ của GS Ninh còn làm sáng tỏ một bước ngoặt vinh quang của sử nước. Ông lật đất đá tìm những thanh kiếm gãy, mũi tên gỉ ở bãi Xuyên Thủy Động, nơi đội quân của Đinh Tiên Hoàng từng luyện tập. Cũng tại đây, ông đã tranh luận với các cụ cao niên để giải mối oan khiên ngàn đời của thái hậu Dương Vân Nga. Dân đất Hoa Lư từng truyền kể rằng: “Mỗi năm hội đền, cứ rước tượng Dương Vân Nga tới đền vua Đinh thì tượng bà lại vã mồ hôi ra, vì tội bà trao triều Đinh cho Lê Hoàn”.

GS Ninh cũng như nhiều sử gia đương thời tin rằng Dương Vân Nga có công hơn có tội. Bà đã gạt tình riêng, chấp nhận trao ngôi Đinh cho Lê Hoàn để chịu thị phi miệng đời là cũng vì bảo vệ đất nước. Ngàn năm công tội của bà phải được tường minh bằng chính chiến thắng hiển hách của Lê Hoàn trước đoàn quân Bắc Tống. Ông đã chém rơi đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo ở ải Chi Lăng, bắt sống hai tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về kinh đô Hoa Lư. Chủ quyền nước Việt vẫn sừng sững đứng vững trước đại quân xâm chiếm phương Bắc.

GS Ninh tâm sự ông đã gạt bụi mờ thời gian, rưng rưng đọc đôi câu đối đầy hào khí chủ quyền, độc lập của tổ tiên: “Vận mệnh một do trời, vua Tống mặc hoàng bào, vua Việt mặc long cổn. Thanh linh bền đất này, vua Đinh thờ miếu trên, vua Lê thờ đền dưới”.

Hòa cùng hồn thiêng dân tộc

Nhiều lần tôi mạn phép hỏi GS Ninh đã nghiên cứu bao nhiêu thành cổ, ông chỉ cười: “Cũng chẳng biết, vì tôi vẫn chưa dừng lại mà”. Sức làm việc của GS Ninh thật kinh khủng. Ngoài điền dã, khảo cổ, ông còn viết đến 58 quyển sách, công trình nghiên cứu khác nhau, kể cả tiểu thuyết thời chiến oanh liệt ở Điện Biên Phủ. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, đồng nghiệp GS Ninh, nhiều lần tâm sự với tôi về bạn mình: “Không chỉ làm việc say mê, ông ấy còn làm việc rất khoa học. Ông ghi chép tỉ mỉ tất cả những gì mình nghiên cứu để làm tài liệu quý giá cho người sau tìm hiểu. Nhưng điều quý nhất của ông Ninh là không rơi vào vòng đua tranh quyền chức, bổng lộc, để dồn tâm huyết cho chuyên môn...”.

Mươi năm nay, tôi ghé nhà GS Ninh lần nào vẫn thế, vẫn căn phòng chật hẹp, ẩm thấp ở khu tập thể Cống Vị với những kệ sách ố màu thời gian. Thi thoảng tôi hỏi mượn quyển này, quyển kia thì ông ngớ người ra: “Hình như người ta cầm hết rồi”. Tính ông vẫn thế, cứ quên hết mọi sự để làm việc, đến nỗi chẳng nhớ ai đã mượn mình cái gì hay mình đã tặng ai cái gì.

Đầu đông 2010, tôi lại ngồi với ông và xót xa vì thấy ông trở yếu quá, yếu đến mức ông đâm lẩn thẩn lo tủ sách vở, tài liệu nghiên cứu dở dang của mình sẽ chẳng biết thế nào, vì con cháu không theo nghiệp cha. Tôi trộm nghĩ thôi thì cũng như một đời đi tìm hào khí tổ tiên của GS Ninh, tất cả những gì ông tìm được, làm được cũng đã hòa vào hồn thiêng của dân tộc rồi và sẽ sống mãi đến ngàn sau...

KxdU7IHN.jpgPhóng to
GS Ninh (bìa phải) trong một chuyến đi khảo cổ khi đất nước còn chiến tranh

Theo dấu chân GS Ninh, hậu thế nước Việt còn tự hào với rất nhiều thành cổ VN. Ở thành nhà Hồ của Hồ Quý Ly, nhân vật cũng từng bị miệng đời khen chê vì phế ngôi nhà Trần, ông đã tìm thấy một nghệ thuật kiến trúc độc đáo và ý chí, khả năng vĩ đại của dân Việt để xây dựng tòa thành kiên cố hàng đầu đất nước. Nhiều khối đá to, dài đến 7m, nặng trên 10 tấn được đục đẽo, vận chuyển và ghép vào nhau làm bức tường thành kiên cố trước các loại đại bác thời ấy.

Đến nay, nhiều nhà xây dựng vẫn đang tìm lời giải tại sao người xưa chưa có máy móc mà có thể di chuyển, xây dựng được thành từ những tảng đá khổng lồ này? Lang thang thành nhà Hồ, ông được nghe nhiều chuyện kể bi hùng trong công trình phòng thủ vĩ đại. Trong một điểm sạt lở, người ta cũng ngậm ngùi phát hiện bộ xương người bị đè nát giữa hai khối đá. Công cuộc phòng thủ đất nước không chỉ có mồ hôi mà còn có cả máu của tiền nhân!

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên