Phóng to |
Nhà của ông Nguyễn Tấn Đồng ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đã được kê biên nhưng nay bị sạt lở gần hết |
Hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hai dự án này ngày đêm mong chờ được bồi thường để tìm mua đất an cư lạc nghiệp. Chính quyền địa phương nhiều lần gửi văn bản hối thúc nhưng cũng chưa có kết quả.
Chờ và chờ
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công rầm rộ vào tháng 11-2009. Lúc khởi công, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án sẽ hoàn thành vào quý 2-2013. Sau khi khởi công, chính quyền địa phương bắt đầu đo đạc, kiểm kê. Hơn 2.300 hộ dân trong vùng dự án (các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè) khấp khởi mừng vì sắp được nhận tiền bồi thường để mua đất khác cất nhà, làm ăn sinh sống. Thế nhưng đến nay vẫn không ai nói gì tới chuyện bồi thường, giải tỏa.
"Trong khi chờ vốn để thực hiện dự án, Bộ GTVT nên tiến hành áp giá, đền bù cho dân để bà con yên tâm, biết mình được bồi thường bao nhiêu mà lo tìm mua đất đai làm nhà, sản xuất" |
Còn ông Trần Văn Mười ở gần đó có tới 6.000m2 đất bị giải tỏa trắng. “Hồi chưa kê biên thì giá đất ruộng bên ngoài chỉ 0,4 lượng vàng/công. Bây giờ lên tới 7-10 lượng/công rồi. Thấy giá đất tăng tui sốt ruột lắm nhưng không có tiền làm sao mua được” - ông Mười nói.
Một dự án liên quan đến hơn 2.100 hộ dân của tỉnh Tiền Giang là mở rộng kênh Chợ Gạo cũng bị “đóng băng”. Theo Sở GTVT Tiền Giang, tỉnh đã hoàn tất việc kiểm kê hiện trạng nhà cửa, đất đai nhưng do không có vốn nên không thể bồi thường cho dân được.
Sau khi kê biên nhà cửa, đất đai của dân, mọi kế hoạch duy tu, sửa chữa đường sá hai bên tuyến kênh Chợ Gạo đều bị dừng lại. Trong khi đó, tốc độ sạt lở khủng khiếp ở tuyến kênh này vẫn tiếp diễn và “nuốt chửng” nhiều đoạn đường, nhiều nhà dân phải di dời khẩn cấp. Thậm chí một số đoạn bị sạt lở gần tới cột mốc giải phóng mặt bằng.
Ông Lý Thành Long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo nói từ khi Nhà nước kê biên hiện trạng đất đến nay nhà ông đã mất thêm 50m ngang và 20m sâu do bị sạt xuống kênh. Do đường đi đã mất nên ông phải đốn cây mở đường cho người dân đi tạm. Còn ông Nguyễn Tấn Đồng ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo nói: “Khi kê biên 560m2 đất của tui người ta bảo phải giao đất vào tháng 6-2011 để thi công dự án, nhưng tới nay không thấy ai làm gì trong khi căn nhà tui sắp rớt xuống sông rồi”. Ông Đồng phải dựng thêm nhà phía trong để ở tạm chờ... giải tỏa.
Không biết bao giờ bồi thường
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, chủ tịch UBND huyện Cái Bè, huyện này bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua nên mỗi lần ông đi tiếp xúc cử tri là bà con hỏi chừng nào bồi thường giải tỏa để họ tính chuyện làm ăn sinh sống. “Gặp câu hỏi này chúng tôi chỉ biết hứa sẽ hỏi tỉnh chứ không biết phải trả lời làm sao vì đây là dự án của trung ương. Có lúc bí quá phải hứa là sắp làm vì thấy đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã thu phí rồi, đoạn còn lại cũng phải làm thôi” - ông Thanh nói.
Tương tự, lãnh đạo UBND huyện Chợ Gạo cũng không biết giải thích với dân thế nào về dự án nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo vì dự án này của Bộ GTVT. Mỗi khi dân hỏi, đại biểu HĐND huyện, tỉnh, thậm chí các đại biểu Quốc hội cũng chỉ biết hứa sẽ kiến nghị làm nhanh.
Bà Nguyễn Thị Minh Thủy, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết theo thông tin sở nắm được thì hai dự án này chậm triển khai là do vướng nghị quyết 11 của Chính phủ về hạn chế đầu tư công. Riêng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm là do thiếu vốn, nhà đầu tư giao lại cho Bộ GTVT và do điều chỉnh thiết kế kỹ thuật tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. UBND tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT làm nhanh hoặc trả lời khi nào làm để tỉnh trả lời cho dân biết nhưng vẫn chưa được phản hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận