* Thủ tướng Phan Văn Khải gửi thư cho tổng thống Tanzania
![]() |
Ngày2-11, nhiều hãng thông tấn quốc tế đưa tấm ảnh 12 thuyền viên của tàu Cần Giờ với thông điệp cầu cứu "Chúng tôi không muốn trở thành con tin - SOS". Anh Chương cho biết thêm về tấm ảnh này: "Anh em trên tàu đã tìm mọi cách để kêu cứu, vì mỗi ngày trôi qua là niềm hi vọng của chúng tôi lại mòn đi một chút. Chúng tôi chờ đợi và không biết phải làm gì. Như anh Nguyễn Thanh Hợp ở phòng máy 2 nhận được tin mẹ ở nhà qua đời cũng đành cắn răng nén tiếng khóc..." |
Sau bốn tháng sống trong tình trạng bị giam lỏng nơi xứ người, thuyền trưởng Lê Thanh Chương của tàu Cần Giờ kể với Tuổi Trẻ qua điện thoại: “Anh em trên tàu thật sự đã quá mệt mỏi và suy sụp tinh thần vì tự dưng bị giam lỏng nơi đây...”. Lúc này mới 6g30 sáng ở Tanzania (11g30 giờ VN) nhưng anh Chương bảo trời đã nắng gay gắt như thiêu đốt, nhiệt độ lúc nào cũng trên 39OC.
“Sức khỏe mọi người đều tốt cả. Cứ dăm ba ngày anh em lại thay nhau lên thành phố để vào Internet trò chuyện với người thân tại VN. Các anh ở sứ quán VN cũng thường xuyên đến thăm chúng tôi, lần nào nhìn thấy các anh chúng tôi lại bừng lên hi vọng được nghe một điều gì đó tốt lành, nhưng đến giờ vẫn còn mịt mù quá...”.Câu chuyện bắt đầu từ đầu tháng 3-2004. Tàu Cần Giờ, hô hiệu HYZU, số IMO: 8131154, trực thuộc Công ty liên doanh Vận tải thủy SEA Saigon Shipping (SSS) chở hàng đến cảng Dar es Salaam. Sau khi tàu trả hàng xong chuẩn bị rời cảng thì ngày 27-7, Tòa án tối cao của Tanzania có trát bắt giữ tàu và suốt từ đó đến nay, con tàu cùng 12 thuyền viên người Việt bắt đầu cuộc sống của những con tin. Theo trát bắt giữ tàu của Tòa án Tanzania, nguyên nhân là tranh chấp giữa Công ty Mohamed Enterprises của Tanzania và Công ty Thanh Hòa (trụ sở tại Tiền Giang - không có bất cứ liên hệ nào với SSS).
Ngọn nguồn của chuyện này lại bắt đầu từ năm 1999, khi Mohamed Enterprises ký hợp đồng và thanh toán trước toàn bộ số tiền khoảng 1,4 triệu USD để mua 6.000 tấn gạo của Thanh Hòa. Sau đó Mohamed Enterprises không nhận được gạo vì con tàu chở gạo sau khi rời cảng đã... biến mất. Cho đến giờ, theo nguồn tin Bộ Ngoại giao VN, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Sau phán quyết của Tòa án tối cao Tanzania ngày 8-10 về việc tiếp tục giữ tàu Cần Giờ, luật sư của Công ty liên doanh SSS tại Tanzania đã nộp đơn kiện lại Công ty Mohamed tại Tòa án thương mại với hi vọng tòa xem xét khách quan hơn. Công ty SSS, thông qua Tổng công ty Bảo hiểm VN (Bảo Việt), cũng đã nhờ Hội Bảo hiểm miền tây nước Anh (WOE) đứng ra phát hành thư bão lãnh để đưa tàu Cần Giờ về nước.Ông Đỗ Mạnh Hùng, đại biện lâm thời VN tại thủ đô Dar es Salaam, cho biết ngay từ ngày 10-8, ông đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Tanzania đề nghị can thiệp. Họ chỉ trả lời là sẽ cố gắng nhưng nó vượt quá khả năng của cơ quan ngoại giao.
Đến ngày 5-9, Bộ Ngoại giao VN tiếp tục gửi một công hàm cấp quốc gia cho phía bạn. Theo ông Hùng, Bộ trưởng Bộ Thương mại VN Trương Đình Tuyển cũng đã gửi thư cho bộ trưởng thương mại Tanzania đề nghị giúp đỡ. Ông Hùng cho biết thêm ngày 19-11, Thủ tướng Phan Văn Khải dù đang công tác tại Morocco cũng đã gửi thư cho Tổng thống Tanzania Benjamin Willam Mkapa đề nghị can thiệp giải phóng tàu Cần Giờ. Nội dung bức thư có đoạn nêu rõ: tàu Cần Giờ là sở hữu của Công ty liên doanh VN - Đan Mạch SEA Saigon Shipping, không liên quan gì đến vụ tranh chấp thương mại giữa Công ty Mohamed Enterprises và Công ty Thanh Hòa từ năm 1999.
Thủ tướng đã đề nghị Ngài tổng thống can thiệp với Tòa án tối cao Tanzania để vụ việc này được giải quyết thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với lợi ích lớn của hai nước và mối quan hệ tốt đẹp giữa VN và Tanzania.
Chị Ngô Thị Minh Tâm - vợ của thuyền trưởng Lê Thanh Chương, đang sống cùng hai con tại Hải Phòng - cho biết: “Anh Chương đi tàu suốt từ tháng 10-2003 đến nay chưa về nhà. Chúng tôi dự định sau chuyến đi Tanzania này, anh ấy sẽ xin nghỉ phép để đưa cháu trai nhà tôi đi chữa mắt. Thế mà chuyện lại đột ngột như thế. Mỗi tuần chúng tôi nói chuyện qua mạng với nhau, anh luôn động viên tôi và các con là bố sắp về. Tối qua, thấy con bé lớn khoe với bố điểm 10 qua màn hình mà tôi không cầm được nước mắt...”. |
Quan hệ Tanzania - VN được thiết lập cấp đại sứ ngày 14-2-1965; năm 1984, do khó khăn về kinh tế, VN đóng cửa đại sứ quán và mới mở lại vào tháng 11-2003 tại Dar es Salaam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tanzania đã ủng hộ VN về tinh thần lẫn vật chất. Năm 1994, Tổng thống J. Nyeree đến VN dự Hội nghị về hợp tác Nam - Nam với tư cách là chủ tịch phương Nam và có cuộc gặp với Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Tổng thống Tanzania đề nghị thăm chính thức VN vào tháng 12-2004 và VN đã đồng ý đón. (Theo website của Bộ Ngoại giao VN) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận