Công nhân sơn làn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: V.THÀNH
Ngày 11-12, ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết hôm nay các nhà thầu hoàn thành việc sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) sau hơn 3 tháng thi công.
Theo đó, các xe sẽ lưu thông thông suốt trên các làn đường cao tốc thay vì trước đó trên tuyến đường đã ngăn chặn bớt mỗi chiều một làn đường để thi công sửa chữa.
Trước đó, mặt đường tuyến cao tốc trên đã bị hư hỏng nặng nhiều đoạn bị lún, bong tróc nhựa đường, đọng nước… không đảm bảo an toàn cho xe lưu thông với tốc độ cao. Trong đó phía bên trái tuyến đường bị hư hỏng đoạn từ Km 10+200 - Km10+300, Km 45+800-Km47+200. Còn đoạn bên phải tuyến hư hỏng nặng tại Km10 - Km 10+150, Km 47+ 150 – Km47+860)... Tổng kinh phí đầu tư sửa chữa khoảng 120 tỉ đồng.
Đoạn đường cao tốc cuối cùng đang được thi công sửa chữa hoàn thiện - Ảnh: V.THÀNH
Đối với các đoạn mặt đường bị bong tróc cốt liệu khỏi bề mặt đường, đơn vị thi công đã cào bóc mặt đường cũ bị hư hỏng dày trung bình 2,2cm; thi công lớp phủ bê tông nhựa siêu mỏng tạo nhám 19 dày 2,2cm (lớp dính bám nhũ tương nhựa đường polymer được thi công đồng thời, tỉ lệ tưới 0,9l/m2).
Với các đoạn mặt đường bị rạn nứt mai rùa, xuất hiện các vết nứt dọc theo chiều xe chạy, bắt đầu có hiện tượng bong vỡ nhẹ, xuất hiện hằn lún vệt bánh xe đồng thời bị bong tróc nhựa, đơn vị thi công đã cào bóc mặt đường cũ bị hư hỏng dày trung bình 7,2cm; tưới dính bám bằng nhựa lỏng RC-70 tiêu chuẩn 0,5 lít/m2 (đối với các vị trí trên mặt cầu) hoặc tưới dính bám bằng nhũ tương CRS-1 tiêu chuẩn 0,5 kg/m2...
Sau khi hoàn thành trải nhựa, đơn vị thi công tiến hành sơn hoàn trả vạch sơn báo hiệu đường bộ bằng sơn dẻo nhiệt phản quang theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN41:2019/BGTVT (hàm lượng hạt phản quang trên 25%); gắn đinh phản quang, khoảng cách 6m/đinh trên vạch sơn phân chia giữa làn xe chính và làn dừng khẩn cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, việc cố gắng hoàn thành sửa chữa sớm trước 45 ngày là do sự nỗ lực của Cục Quản lý đường bộ 4 và các đơn vị liên quan như: ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, đơn vị thí nghiệm hiện trường.
Đồng thời, có sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành của địa phương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Các nhà thầu thi công đáp ứng đủ năng lực thực hiện gói thầu về nhân lực, vật tư, thiết bị.
Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường cao tốc từ TP về các tỉnh miền Tây dài 40 km được đưa vào sử dụng vào năm 2010, đến nay mới được duy tu, sửa chữa cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận