Festival cồng chiêng Quốc tế 2009:
Hội tụ văn hóa cồng chiêng
TTO - Festival cồng chiêng Quốc tế diễn ra từ ngày 12 đến 15-11 tại tỉnh Gia Lai. Đây là hoạt động mang tầm quốc gia và khu vực do tỉnh Gia Lai đăng cai tổ chức. Lễ hội nhằm biểu dương giá trị của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Biểu diễn cồng chiêng và múa xoan của các dân tộc ở Tây Nguyên - Ảnh: Trường Đăng |
Đến chiều 11-11, hầu hết các đoàn nghệ nhân trong nước và quốc tế đã tập trung đầy đủ ở phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai), mỗi đoàn mang một sắc màu riêng, đại diện cho dân tộc, quốc gia của mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng đã bắt đầu ngân lên, mở hội cho một lễ hội hoành tráng và đậm bản sắc.
Chủ nhà Gia Lai có lực lượng hùng hậu, gồm 23 đoàn với hàng trăm nghệ nhân từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tham gia hầu hết các hoạt động diễn ra của Festival như phục dựng Lễ Đâm trâu, Lễ Mừng lúa mới, chỉnh chiêng, tạc tượng…
Tham gia Festival có 63 đoàn cồng chiêng trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có 23 đoàn trong tỉnh, 35 đoàn trong nước và 5 đoàn quốc tế với khoảng 3.000 nghệ nhân. |
Đoàn nghệ nhân của tỉnh Lâm Đồng có 24 thành viên, đại diện cho ba dân tộc bản địa tiêu biểu của vùng nam Tây Nguyên là K’Ho, Mạ và Chu Ru. Đến với Festival lần này, họ mang theo những tiết mục đặc sắc của ba dân tộc như phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới, dân ca Đơs long (hát đối đáp), đơn ca về đố các loài vật theo làn điệu dân ca Mạ, đối thi đua…
Nghệ nhân K’Brèm (dân tộc Mạ), từng được giải A toàn quốc với tiết mục đơn ca làn điệu dân ca Mạ “Sức trai lay động núi rừng” cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho một lễ hội lớn”.
Đoàn nghệ nhân Cần Thơ gồm 16 nghệ nhân là đồng bào Khmer, cùng 4 tiết mục cho một chủ đề chính là “Nhịp sống Phum sóc”. Đặc biệt dàn nhạc ngũ âm trước đây chỉ dùng trong các ngày đại lễ ở chùa, trong nhân dân chỉ dùng vào những dịp tang lễ, nhưng ngày nay đã được biểu diễn rộng rãi trong các lễ hội, kể cả sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp.
Đoàn Sóc Trăng có 22 nghệ nhân Khmer với 5 tiết mục đến với Festival, trong đó có 2 tiết mục múa “Tiếng trồng Ch’hay dăm” và “Chằn và khỉ”; 3 bài hòa tấu bằng nhạc cụ truyền thống. Ông Lâm Vĩnh Phương - Trưởng đoàn - cho biết: “Trong dàn nhạc truyền thống của người Khmer, cồng chiêng không phải là nhạc cụ chính mà chỉ cần một đến ba chiếc chiêng đệm thêm. Song nếu vắng cồng chiêng thì bài nhạc sẽ mất hay”.
Năm đoàn nghệ nhân của các nước trong khu vực là Myanmar, Philippines, Lào, Campuchia và Indonesia cũng đã tề tựu về phố núi. Ông Yun Khean - Vụ phó Vụ Âm nhạc truyền thống Khmer (Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia), Trưởng đoàn nhệ nhân Campuchia - cho biết: “Phong trào sinh hoạt văn hóa truyền thống (đánh chiêng, múa hát dân ca…) ở Campuchia còn rất phổ biến, hầu như làng bản nào cũng giữ được bản sắc của mình. Tôi đã được biết đến văn hóa cồng chiêng của nhiều quốc gia, tuy nhiên cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam hết sức độc đáo và ấn tượng".
Trong khuôn khổ Festival, nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra như Hội thảo Xúc tiến đầu tư, Hội thảo khoa học “Sự biến đổi Kinh tế, Xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực", Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, Triển lãm ảnh “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, Triển lãm Không gian văn hóa các dân tộc Tây Nguyên…
TRƯỜNG ĐĂNG
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
>> Phố núi đợi hội cồng chiêng>> 40 đoàn tham dự Festival cồng chiêng quốc tế>> Đêm nhạc Âm vang cồng chiêng>> Cồng chiêng Tây nguyên qua ảnh tư liệu của Pháp>> Học đánh cồng chiêng>> Người giữ tiếng chiêng cho đời sau
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận