27/06/2019 12:30 GMT+7

Hội nghị G20 có đáp ứng kỳ vọng?

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Diễn ra tại Osaka, Nhật từ ngày 28 đến 29-6, Hội nghị cấp cao G20 quan trọng không chỉ vì nó đánh dấu 20 năm thành lập G20 mà còn vì hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức lớn nhất trong 10 năm qua.

Hội nghị G20 có đáp ứng kỳ vọng? - Ảnh 1.

Sân khấu dành cho các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao G20 ở Osaka, Nhật Bản - Ảnh: AFP

Bên lề hội nghị còn có các cuộc gặp của các nguyên thủ để bàn về những chuyện đại sự song phương nhưng lại có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Ra đời từ những thất bại

G20 (gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới: 19 quốc gia và Liên minh châu Âu) ra đời từ những tro tàn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ những năm 1990.

Sau một loạt cuộc khủng hoảng đồng peso Mexico 1994, khủng hoảng tài chính châu Á 1997, khủng hoảng tiền tệ Nga 1998, thế giới lúc này nhận ra rằng những cơ chế hiện có như G7 và hệ thống Bretton Woods (IMF, WB, WTO...) không còn đủ sức để đảm bảo sự ổn định của kinh tế toàn cầu, rất cần một cơ chế mới trong đó có sự tham gia của các nền kinh tế mới nổi.

Trong bối cảnh đó, G20 đã ra đời năm 1999 và được coi là người em sinh sau đẻ muộn của G7 do xuất phát từ chính ý tưởng của các nước G7, trong đó Mỹ và Đức đóng vai trò nổi bật. 

G20 được kỳ vọng khắc phục những điểm yếu của G7 với mục tiêu ban đầu là các nước phát triển và các nước đang phát triển cùng ngồi lại với nhau để "ngăn chặn các bất trắc đối với kinh tế toàn cầu".

Từ sứ mệnh ban đầu như vậy, dần dần vai trò của G20 ngày càng mở rộng hơn trong việc quản trị nền kinh tế toàn cầu. 

Trong 20 năm tồn tại, G20 đã góp phần định hình lại các thiết chế kinh tế toàn cầu để thích ứng với bối cảnh mới như cải tổ IMF và WB, thúc đẩy cải cách WTO... 

Và cho dù không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tiếp theo trong giai đoạn 2008-2009, G20 đã ngăn thế giới rơi vào vòng xoáy "bảo hộ thương mại" thời kỳ hậu khủng hoảng.

Tuy vậy, G20 vẫn không tránh khỏi vết xe đổ của người anh em G7. G20 vẫn bị chỉ trích là "diễn đàn chuyện phiếm" mà không có kết quả thực tế; các tuyên bố của G20 bị cho là thiếu tính thực tế và không có một cơ chế để thực thi các kết quả của các hội nghị.

Đồng thời, mặc dù tập hợp cả các nước phát triển và đang phát triển với kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhưng G20 lại bị xem là "câu lạc bộ của các nhà tư bản", khi không thể khắc phục được tình trạng bất bình đẳng kinh tế giữa các nước và ngay trong mỗi nước ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, mỗi khi diễn ra hội nghị G20, hàng chục nghìn người biểu tình từ các nơi trên thế giới thường đổ về phản đối.

Hi vọng ở Osaka

Không thể phủ nhận G20 đã trở thành một trong những diễn đàn quốc tế hằng năm quan trọng nhất trên thế giới. 

Các nhà lãnh đạo như Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin, Thủ tướng Abe có thể không tham dự nhiều diễn đàn khác nhưng hiếm khi họ bỏ lỡ cơ hội tham dự Hội nghị cấp cao G20.

Có một điều không thể phủ nhận là cho dù G20 có thể chưa đáp ứng những kỳ vọng, nhưng là một diễn đàn không thể thiếu để các nước lớn ngồi lại với nhau.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, cùng lúc đối mặt với 3 thách thức là sự bất ổn chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại leo thang và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, liệu các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới có tìm ra con đường đi cho giai đoạn tới.

Và cũng như các hội nghị G20 trước, những cuộc gặp kín, bên lề hội nghị giữa các nguyên thủ mới đáng chú ý. 

Tại hội nghị lần này, mọi sự chú ý đang đổ dồn về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình với hi vọng hai bên đạt được thỏa thuận "đình chiến" như đã từng có bên lề Hội nghị cấp cao G20 năm 2018 tại Argentina.

Việt Nam là khách mời của G20

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam dự thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

G20 năm nay dự kiến có 4 phiên thảo luận, bao gồm: 1. Kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư; 2. Đổi mới sáng tạo và kinh tế số; 3. Phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế; 4. Môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.

D.AN

Ông Trump: Sẽ áp thuế nếu không đạt thỏa thuận với ông Tập tại G20 Ông Trump: Sẽ áp thuế nếu không đạt thỏa thuận với ông Tập tại G20

TTO - Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox Business, ông Trump nói sẽ áp thuế bổ sung với Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận với ông Tập trong cuộc gặp cuối tuần này tại Nhật.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên