25/03/2008 04:28 GMT+7

Hồi ký Benazir Bhutto (Kỳ 3): Chìa khóa hóa giải bất đồng

THANH TRÚC trích dịch
THANH TRÚC trích dịch

TT - Tuy có nhiều khác biệt về mặt lý thuyết giữa dòng Shia và Sunni, nhưng luôn tồn tại khả năng chung sống mang tính xây dựng cho hai dòng này.

hziUH3M6.jpgPhóng to
Bà Bhutto (trái) thăm hỏi một người ủng hộ tại thị trấn Hasanabdal, cách thủ đô Islamabad 40km ngày 26-12-2007 - Ảnh: Reuters
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tôi, cũng như nhiều người Hồi giáo khác, có cha theo dòng Sunni và mẹ theo dòng Shia. Khi chúng tôi trưởng thành, người Shia và người Sunni chung sống hòa bình với nhau. Tuy nhiên, dưới sự cai trị độc tài của tướng Zia-ul Haq trong thập niên 1980, một chiến dịch tai hại đã được tiến hành để chia rẽ người Hồi giáo ở Pakistan, và thực chất là người Hồi giáo trên thế giới, bằng cách kích động người Shia và người Sunni chống lại nhau.

Kỳ 1: Ngày trở về Kỳ 2: Nối nghiệp cha

Nguồn gốc xung đột Sunni - Shia

Tôi nhớ trong những ngày bị giam ở nhà tù trung tâm Karachi năm 1981, có một nữ quản tù đưa thức ăn cho tôi và tâm sự với tâm trạng lo sợ. Chị nghe tin một gia đình Shia vừa dọn đến sống gần nhà mình và nói: "Người Shia ăn thịt trẻ con đấy. Tôi phải nhốt các con trong nhà khóa cửa lại cả ngày để người Shia không bắt cóc và ăn thịt chúng".

Chị biết điều này từ một giáo sĩ giảng đạo ở nhà thờ Hồi giáo địa phương. Thật lạ khi thấy điểm tương đồng trong câu chuyện này với quan niệm từng thống trị ở châu Âu rằng người Do Thái hút máu trẻ em Cơ đốc giáo. Tôi chưa bao giờ thôi kinh ngạc trước những truyền thuyết kinh dị lan truyền dưới cái tên của Thượng đế.

Việc điểm lại lý do có sự nổi lên của các phe phái khác nhau vào thời kỳ sơ khai của Hồi giáo sẽ giúp đặt Hồi giáo đương đại vào bối cảnh lịch sử. Một số phái đang quyết liệt trong cuộc nội chiến ở Iraq hiện nay đã chia rẽ người Hồi giáo khỏi người Hồi giáo trong hơn 1.300 năm qua. Sunni và Shia là những dòng chính trong Hồi giáo.

Sự khác biệt giữa Shia và Sunni nảy sinh chủ yếu từ bất đồng về việc chọn người kế thừa đấng tiên tri Mohammad. Sau cái chết của ngài, cộng đồng Hồi giáo được một nhóm lãnh đạo kế thừa gọi là khalip dẫn dắt. Những người theo dòng Shia tin rằng khalip đầu tiên là Ali, em họ của đấng tiên tri và là chồng của Fatima, con gái đấng tiên tri. Người Sunni thì cho rằng vào phút lâm chung, đấng tiên tri đã chọn Abu Bakr, cha vợ của ngài, làm người kế thừa.

Sau Abu Bakr, những vị khalip tiếp theo là Umar và Uthman. Sau khi Uthman bị sát hại, Ali trở thành khalip thứ tư, rồi đến Muawiya. Khi Muawiya qua đời, con trai ông là Yazid muốn nối ngôi, nhưng những người ở Iraq lại ủng hộ giáo chủ Hussain, con trai thứ hai của Ali. Trên đường huy động sự ủng hộ để giành quyền làm khalip, Hussain bị lính của Yazid phục kích và giết chết tại Karbala (Iraq), còn gia đình ông thì bị thảm sát.

Người Shia xem đây là thời khắc phôi thai trong lịch sử của họ. Họ xem Ali và Hussain như những biểu tượng sống của gia đình đấng tiên tri. Nó đánh dấu sự khởi đầu của dòng Shia với cảm giác hằn sâu về khủng bố, bi kịch và sự tử vì đạo.

Một trong những phái nổi lên trong dòng Sunni là Wahhabi, phái rất mạnh và thống trị vương quốc Saudi Arabia ngày nay. Người sáng lập phái Wahhabi là triết gia kiêm giáo sĩ Mohammad ibn Abd al-Wahhab (1703-1792). Wahhabi là một giáo phái khổ hạnh và nghiêm khắc. Phái này coi những tín đồ Cơ đốc giáo, Do Thái và cả tín đồ một số dòng Hồi giáo khác là "những kẻ bội giáo". Một số tín đồ Wahhabi xem việc giết người Shia là nghĩa vụ thể hiện sự mộ đạo, dẫn đến các cuộc nội chiến và đổ máu ở ngay trong cộng đồng Hồi giáo.

Cùng quay về một hướng

Có năm nguyên tắc tạo nên những đòi hỏi cơ bản nhất của cuộc đời một người Hồi giáo. Đó là:

1. Lời chứng: là lời tuyên thệ mà tất cả những người Hồi giáo đều phải nói: "Tôi chứng thực rằng không có Chúa nào ngoài Thượng đế và Mohammad là sứ giả của thánh Allah".

2. Lời cầu nguyện: tất cả người Hồi giáo phải cầu nguyện năm lần mỗi ngày, hướng về thánh địa Mecca.

3. Bố thí: tín đồ Hồi giáo phải bố thí một phần nhất định thu nhập hằng năm của mình cho người nghèo và người khó khăn.

4. Nhịn ăn: trong tháng Ramadan, tất cả tín đồ Hồi giáo phải nhịn ăn mỗi ngày từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn.

5. Hành hương: nếu có thể, mỗi người Hồi giáo phải một lần trong đời hành hương đến thánh địa Mecca.

Trong thế hệ của tôi ở Pakistan, sự khác biệt giữa các dòng Hồi giáo không mấy quan trọng. Chúng tôi được dạy rằng mọi người Hồi giáo đều tin vào một tín ngưỡng Hồi giáo duy nhất, cùng quay về một hướng khi cầu nguyện, cùng đọc kinh Koran và đi theo đấng tiên tri Mohammad.

Lòng khoan dung bên trong tôn giáo chúng tôi, và với các tôn giáo khác, là tiêu chuẩn cho đức tin của chúng tôi. Sự thống nhất này đã bị phá vỡ tại Pakistan dưới sự cai trị của tướng Zia. Bỗng dưng người Hồi giáo bị yêu cầu khai báo mình là người Shia hay người Sunni trong các loại giấy tờ do chính phủ phát hành.

Sau đó người Sunni đa số bắt đầu kỳ thị người Shia thiểu số. Những gì mà tướng Zia phát động ở Pakistan khi huấn luyện các mujahideen (chiến binh) người Afghanistan - làm trầm trọng sự khác biệt nội tại giữa những người Hồi giáo vì mục đích chính trị - giờ đây, như bệnh ung thư trong cơ thể, đã lây lan sang Iraq.

Tôi tin chắc rằng chỉ đến khi nào người Hồi giáo quay trở về thực hành giáo lý truyền thống, trong đó nguyên tắc "bạn có tôn giáo của bạn, tôi có tôn giáo của tôi" được tôn trọng và áp dụng, thì sự xung đột phe phái ở các nước Hồi giáo mới chấm dứt. Đó là chìa khóa hóa giải mọi bất đồng.

Thực tế là nếu sự khoan dung theo kinh Koran không được tái lập thì các quốc gia Hồi giáo chủ chốt như Iraq và Pakistan sẽ không chỉ suy yếu, mà còn đe dọa truyền đi sự thực hành cứng nhắc và cực đoan đến những nơi khác trong thế giới Hồi giáo. Những kẻ đi dạy cách giết những người theo dòng khác hoặc tôn giáo khác đang phá hoại xã hội Hồi giáo cũng như đe dọa các xã hội phi Hồi giáo.

Đa số người Hồi giáo tân tiến đều cho rằng khác biệt giáo phái không nhất thiết dẫn đến sự nghi kỵ và bạo lực giữa các phe phái. Sự chia rẽ tôn giáo tồn tại ở nhiều cấp độ căng thẳng trong hơn 1.300 năm qua giờ đây cần phải được xóa bỏ để chấm dứt bạo lực và hậu quả khủng khiếp của nó. Cường độ của mọi sự nghi ngờ và kỳ thị có vẻ ít nhiều dính dáng đến các sự kiện chính trị.

Cuộc cách mạng người Shia ở Iran năm 1979, chế độ quân sự của Zia ở Pakistan dùng cách diễn giải cực đoan Sunni vì các mục đích chính trị, và cuộc chiến Iran-Iraq vào thập niên 1980, đó là những sự kiện lịch sử quan trọng được đặt cho cái tên chủ nghĩa bè phái "người Shia chống người Sunni". Chúng đã trở thành nền tảng của mối đe dọa, làm dấy lên nỗi sợ hãi và thái độ không khoan dung.

_____________

Khi trở về, tôi không biết mình sẽ sống hay chết. Cả chính quyền Musharraf và chính phủ Hồi giáo nước ngoài đều nói có bốn đội đánh bom tự sát đang cố giết tôi.

Kỳ tới: Đến khi mạng đã tận

THANH TRÚC trích dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên