01/11/2004 14:49 GMT+7

"Hội chứng tiền bầu cử" ở Mỹ

DUY VĂN - PV  tổng hợp
DUY VĂN - PV  tổng hợp

TT - Chưa bao giờ bầu cử tổng thống lại căng thẳng như năm nay. Đó là bình luận của những người Mỹ quan tâm đến chính trị. Và một trong những biểu hiện căng thẳng đó là những tin tức “tào lao” và điều mà người Mỹ gọi là “hội chứng tiền bầu cử”.

V23oyKSu.jpgPhóng to
Ủng hộ viên của Kerry
TT - Chưa bao giờ bầu cử tổng thống lại căng thẳng như năm nay. Đó là bình luận của những người Mỹ quan tâm đến chính trị. Và một trong những biểu hiện căng thẳng đó là những tin tức “tào lao” và điều mà người Mỹ gọi là “hội chứng tiền bầu cử”.

Chiến dịchtranh cử lớn nhất lịch sử Mỹ

“Ông ấy là người mạnh nhất trên Trái đất”, một thiếu nữ 16 tuổi tên Ashley nói và chỉ vào tấm ảnh cô chụp với Tổng thống Bush. Mẹ của Ashley đã chết trong sự kiện 11-9-2001. Giờ đây Ashley là nữ nhân vật chính của một đoạn phim quảng cáo vận động cho G. Bush. Đáp lại “Chuyện của Ashley”, một nhóm ủng hộ phe Dân chủ đã trình làng một đoạn quảng cáo trong đó mẹ của một người lính Mỹ chết ở Iraq đang khóc. “Bush không trung thực với đất nước khi gây chiến ở Iraq”, bà này nói.Cuộc vận động trên tivi đang chạy hết công suất. Chỉ trong một tháng trên 70 kênh truyền hình đã có 30.000 đoạn quảng cáo tranh cử, và cho đến hôm nay đã có thể kết luận cuộc vận động tranh cử 2004 là cuộc vận động tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Chỉ trong ba tháng đầu tiên cổ động trên truyền hình, J.Kerry đã chi 44 triệu USD cho việc quay và mua sóng cho 14 đoạn phim quảng cáo dài 360 giây, còn G.Bush thì chi 70,5 triệu USD cho 10 đoạn phim dài 450 giây.

PWXz4F5W.jpgPhóng to
Ủng hộ viên của Bush
Từ Dracula tới gốc Gôloa và những nhà chiêm tinh

Càng gần ngày bầu cử, các loại tin “hấp dẫn” và “tào lao” xuất hiện càng nhiều. Chẳng hạn như trang web Ancestory.com khẳng định dẫu ai thắng cử đi nữa thì người Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với những “thời điểm kinh hoàng” vì cả hai ứng viên đều có liên hệ máu mủ với ... Dracula.

Theo tờ New York Daily News thì cả hai ứng viên tổng thống Mỹ 2004 đều có quan hệ phả hệ xa với Vlad II Dracul, một bá tước ở Transylvania hồi thế kỷ 15, người đã tạo cảm hứng cho truyền thuyết về ma cà rồng. Ngay cả những hãng tin và tờ báo lớn cũng nhảy vào cuộc tranh luận khá kỳ quặc về “nguồn gốc Pháp” của G.Bush lẫn J.Kerry.CNN đưa lại một phát hiện của một nhà báo Pháp thuộc tờ Le Figaro trong quyển sách Histoire de l'Amerique Francaise (tạm dịch: Lịch sử Mỹ thuộc Pháp). Theo quyển sách, các sử gia Pháp tin rằng Bush là cách nói trại đi của tên Boucher, và đoán rằng vì lý do này nên các nhà viết tiểu sử của tổng thống Mỹ không bao giờ lần lại phả hệ gia đình tổng thống trước năm 1850.

Quyển sách nói việc sửa họ Pháp sang tiếng Mỹ là một hiện tượng phổ biến ở Mỹ đầu thập niên 80, như họ Desrochers thành Stone hay Auclair thành O'Clair. Và nếu đúng rằng “Boucher của cựu thế giới biến thành Bush của tân thế giới”, thì theo Le Figaro, đây sẽ là một lợi thế cho Kerry vì sau cuộc chống đối chiến tranh Iraq của Pháp thì bất cứ cái gì liên quan đến người Pháp đều được xem là có thể làm cho người Mỹ nổi cáu.

Trong khi đó, tờ Tele-graph đưa tin J. Kerry đã tìm cách lập lờ chuyện ông có một người bà con là Brice Lalonde, làm bộ trưởng môi trường thời chính quyền Mitterrand (Pháp). Khi được hỏi về mối liên hệ của Kerry với nguồn gốc Gôloa, một quan chức Nhà Trắng đã không ngại tung ra câu mà Telegraph gọi là “lời lăng mạ ghê gớm nhất”: “Ông ta (Kerry) trông giống người Pháp!”.Tờ Times of India đưa tin các chiêm tinh gia cũng đã nhảy vào cuộc. Tờ báo dẫn lời Ajai Bhambi, một nhà chiêm tinh nổi tiếng, tác giả quyển sách Hãy là nhà chiêm tinh của chính bạn, tiên đoán các hành tinh đang ủng hộ Kerry và sẽ đưa ông tới chiến thắng đối thủ G. Bush ngày 2-11.

Đồng tình với Ajai Bhambi, một chiêm tinh gia khác tên Lachhman Das Madan (từng dự báo chính xác rằng cả bà Sonia Gandhi lẫn ông Atal Vajpayee sẽ không ai lên làm thủ tướng Ấn Độ) nói đã “khám phá ra những tín hiệu vũ trụ nói Kerry sẽ thắng”.

Tiến sĩ triết học S.R. Krishnamutri thì đoán không chỉ ông Kerry thắng, mà nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ mang tới “yên bình cho thế giới”. Krishnamutri từng tiên đoán chính xác về cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ năm 1971, chiến tranh vùng Vịnh và sự đắc cử của ba tổng thống Mỹ: Jimmy Carter, Bill Clinton và G. Bush.

Và hội chứng “rối loạn hồi hộp”

Người ta thậm chí còn đặt tên cho một hội chứng mới của khá đông cử tri Mỹ: “rối loạn hồi hộp tiền bầu cử”, viết tắt là PEAD. Những người mắc hội chứng này theo dõi rất sát tin tức tranh cử qua báo viết, báo mạng, truyền hình, phát thanh, Internet, nhắn tin, điện thoại.

Có người còn mất ăn mất ngủ, cáu bẳn vô lý rất dễ gây gổ vì những chuyện không đâu.Các nhóm có quan tâm đặc biệt như cựu binh, người già, thanh niên, sinh viên ... còn lập ra những câu lạc bộ thật và ảo (trên mạng) để trao đổi thông tin, ý kiến về lập trường, quan điểm của hai ông G.Bush và J. Kerry.Nhiều người Mỹ còn tuyên bố nếu ứng cử viên họ ủng hộ không trúng cử thì họ sẽ bỏ ra nước ngoài sống. Nhiều người mắc phải “hội chứng PEAD” chỉ mong cho kết quả bầu cử chóng đi qua: kết quả kiểm phiếu sớm được công bố, đất nước không phải chịu 36 ngày “không tổng thống đắc cử” như năm 2000.

Có thể nói, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được xây dựng từ nỗi ám ảnh về khả năng tập quyền của trung ương, do đó đủ loại bảo hộ và công cụ đã được dựng lên để ngăn cản việc đó. Quyền lực các đảng chủ yếu nằm ở cấp địa phương và càng lên trên càng yếu. Do đó bầu cử tổng thống ở Mỹ có thể xem là tập hợp của các cuộc bỏ phiếu cấp bang, trong đó cử tri ở mỗi bang quyết định những người tham gia đại hội đại biểu cử tri (elector), đệ trình lên cử tri đoàn. Cử tri đoàn cũng được thiết chế để bảo vệ cho quyền lực và ảnh hưởng của các bang tại cấp quốc gia. Trong hệ thống này, số lượng các elector được bổ cho mỗi bang căn cứ theo số thượng nghị sĩ (mỗi bang có hai thượng nghị sĩ) và số đại biểu quốc hội (số này tùy thuộc vào dân số của bang). Đó là hệ thống “người thắng hốt tất”: ứng viên tổng thống chỉ cần thắng trong một cuộc bỏ phiếu ở bang là chiếm toàn bộ số elector của bang đó. Ý tưởng của hệ thống này là “muốn đắc cử tổng thống thì phải đạt được đủ sự ủng hộ từ các bang khác nhau chứ không phải cứ ve vãn cử tri ở New York hay Washington là được”. Điều thú vị là trong cuộc bầu cử lần này không ứng viên nào giành nhiều thời gian ở New York lẫn California, những nơi được xem là nghiêng mạnh về phía J.Kerry. Thay vào đó, cả G.Bush lẫn J.Kerry đều tập trung vào khoảng 20 bang mà hai ông có phần ngang ngửa nhau. Nhiều bang này (còn gọi là “các bang dao động”) dân số rất ít và nếu là bỏ phiếu quốc gia như ở các nước khác thì chắc hẳn đã bị làm ngơ. Điểm yếu của hệ thống này là ứng viên thu thập được nhiều phiếu ủng hộ hơn vẫn có thể bị thua khi ra đến cử tri đoàn. Điều này đã diễn ra trong mùa tranh cử trước giữa G.Bush và A. Gore, và người ta đang e ngại sẽ tái diễn trong mùa bầu cử năm nay do hai ứng viên bám đuổi nhau quá sít sao.

DUY VĂN - PV  tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên