Phóng to |
Người biểu tình bị thương sau đợt trấn áp của cảnh sát được đưa vào một bệnh viện ở Manama, Bahrain ngày 17-2 - Ảnh: Reuters |
Họ tập hợp nhau không trong một chính đảng hay một tổ chức chính trị truyền thống nào. Đòi hỏi ban đầu của họ cũng hết sức đời thường, thiết thân như chống tình trạng giá cả đắt đỏ, đòi việc làm để thoát khỏi thất nghiệp... Ngay cả đến khi những đòi hỏi của cuộc cách mạng lên đến “kịch trần” cũng chủ yếu đòi ”tổng thống độc tài, tham nhũng tham quyền cố vị phải ra đi”. Cho đến tận hôm nay, tại Ai Cập và Tunisia chưa thấy có yêu cầu lật đổ cả chế độ hiện hữu.
Thế giới đang chứng kiến những cuộc phản kháng mạnh mẽ diễn ra tại nhiều nước cùng chung khu vực với Tunisia và Ai Cập. Biểu tình đông đảo nổ ra gần như hằng ngày tại Yemen, Algeria và gần đây là Bahrain, Jordan rồi đến Libya, Iran. Nhưng có lẽ mùi vị của các sự kiện đang diễn ra tại một số quốc gia kể trên không còn thuần khiết hoa lài nữa!
Phía biểu tình phản kháng đã không còn đơn thuần là bộc phát. Đòi hỏi của lực lượng phản kháng cũng đã vượt xa những nhu cầu về cơm áo và việc làm. Đã có bóng dáng của “những người tổ chức chuyên nghiệp” với những mục tiêu chính trị rõ ràng chống chính quyền sở tại. Bên chính quyền cũng không hoàn toàn bất ngờ và ngỡ ngàng nữa.
Có người đã chủ động đáp ứng nhanh chóng đòi hỏi của cuộc phản kháng, như ông Ali Saleh - tổng thống Yemen - sớm cam kết không tái ứng cử khi hết nhiệm kỳ vào năm 2013, hay nhà vua Abdullah của Jordan nhanh chóng khẳng định sẽ cải cách chính trị toàn diện... Chính quyền cũng đã có những biện pháp đối phó chủ động hơn, như tổ chức “quần chúng phản biểu tình” đông đảo và kịp thời tại Yemen, Lybia và Iran.
Riêng tại Iran, tính chất cuộc đối đầu giữa bên phản kháng và bên chính quyền vẫn hoàn toàn theo kiểu đã diễn ra suốt từ năm 2009 đến nay. Đó là cuộc phản kháng do phe đối lập tổ chức chống lại chính quyền của Tổng thống Ahmadinejad và người đứng sau là lãnh tụ tối cao Khamanei.
Nhưng chính quyền Iran không mong manh như tại các quốc gia Ả Rập. Nhà nước này có cả lực lượng vũ trang riêng của cơ chế giáo quyền. Đó là lực lượng Vệ binh cách mạng hành động bằng đức tin Hồi giáo bất di bất dịch. Không lực lượng phản kháng nào ở Iran lúc này có thể chịu nổi cái giá phải trả khi đối đầu một mất một còn với chính quyền được Vệ binh cách mạng bảo vệ!
Tuy các nhà lãnh đạo Iran nhiệt tình ủng hộ và ca ngợi “cách mạng ở Ai Cập” nhưng lại thẳng thừng cam kết “trừng trị nghiêm khắc” phản kháng tại đất nước của mình. Lại là một biểu hiện nữa của ý đồ lợi dụng cách mạng quần chúng cho mục tiêu tranh chấp thế lực khu vực giữa Iran của dòng Hồi giáo Shi’ite với các chế độ Ả Rập do dòng Hồi giáo Sunni cầm quyền.
Dù thế nào thì “hội chứng cách mạng hoa lài” từ Tunisia qua Ai Cập cũng đang lan tỏa mức độ khác nhau sang nhiều quốc gia trong khu vực. Thành quả thấy được của cuộc cách mạng này là kết liễu kiểu tham vọng cầm quyền suốt đời và “cha truyền con nối” vốn đang thịnh hành trong các chế độ cộng hòa Ả Rập. Các cuộc phản kháng quần chúng dù đã thành công (bước đầu) hay còn đang diễn biến cũng đã buộc giới cầm quyền tại các quốc gia trong vùng này phải ít nhiều tỉnh ngộ.
Nếu cứ tiếp tục độc tài, tham nhũng, để cho dân nghèo khổ, thất nghiệp tràn lan, nuôi dưỡng những bất công xã hội... thì bản thân họ không thể tránh khỏi bị quần chúng làm cách mạng xử lý!
Máu tiếp tục đổ ở Trung Đông Khu vực Trung Đông tiếp tục sôi sục với những cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Reuters cho biết rạng sáng 17-2 (giờ địa phương), lực lượng an ninh Bahrain đã đụng độ với đám đông tại quảng trường Pearl, trung tâm thủ đô Manama. Đảng Wefaq đối lập cho biết năm người đã thiệt mạng trong đợt trấn áp và khoảng 100 người khác bị thương. Hơn 50 xe bọc thép và lực lượng trực thăng sau đó đã được điều động tuần tra trên đường phố nhằm lập lại trật tự. Tại Libya, nằm giữa Ai Cập và Tunisia, các nhóm đối lập và tổ chức phi chính phủ tố cáo cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình ở thành phố Al-Baida thuộc miền đông, làm bốn người thiệt mạng. Người biểu tình đang chuẩn bị cho “ngày nổi giận”. Biểu tình vẫn tiếp tục tại Yemen làm ít nhất 25 người bị thương. Nhiều vụ biểu tình mới được ghi nhận ở Jordan khi hơn 1.500 người xuống đường ở thành phố Irbid phản đối nạn tham nhũng trong chính phủ và yêu cầu cải cách. Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập ngày 16-2 chính thức xác nhận số người thiệt mạng trong đợt biểu tình kéo dài 18 ngày lật đổ tổng thống Mubarak lên đến 365 người. Con số ghi nhận từ báo cáo của các bệnh viện chưa đầy đủ cũng thống kê khoảng 5.500 người bị thương. TRẦN PHƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận