10/06/2010 07:30 GMT+7

"Hỏi cho ra nhẽ" những điều bức xúc

L.KIÊN tổng hợp
L.KIÊN tổng hợp

TT (Hà Nội) - Văn phòng Quốc hội vừa thông báo danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Mỗi thành viên Chính phủ có nửa ngày để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh mở màn vào sáng nay (10-6).

Tiếp đến là các bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Cao Đức Phát, Hoàng Tuấn Anh. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ trả lời chất vấn cuối cùng vào sáng 12-6.

PQvvouLd.jpgPhóng to
Trước Quốc hội, Chính phủ luôn khẳng định “đảm bảo cho nông dân trồng lúa lãi ít nhất 30%” nhưng đến nay vẫn chỉ là mục tiêu - Ảnh: H.L.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Quốc hội sẽ dành 30 phút để Phó thủ tướng báo cáo những vấn đề Chính phủ đã tổ chức thực hiện khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 và giải thích thêm các vấn đề bốn bộ trưởng trả lời chất vấn. Sau đó là phần trả lời trực tiếp các đại biểu Quốc hội.

Không đăng đàn trả lời nhưng theo tổng hợp, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều chất vấn nhất với 26 chất vấn. Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (18), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (16), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (12), Bộ trưởng Bộ Y tế (12)… Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 13 chất vấn.

Các nhóm nội dung chất vấn thành viên Chính phủ

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

- Trách nhiệm và các giải pháp thiết lập, nâng cao kỷ luật thực hiện ngân sách nhà nước; các biện pháp kiềm chế lạm phát, khắc phục bội chi ngân sách lớn, kéo dài; thực trạng và biện pháp sử dụng có hiệu quả, phòng ngừa rủi ro trong vay nợ Chính phủ và vay nợ quốc gia...

- Trách nhiệm của bộ trong quản lý nhà nước về giá (việc không thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và tăng giá hàng hóa), nhất là giá của một số mặt hàng thiết yếu như phân bón, xăng dầu, thép, gas...

- Vấn đề thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

(Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Vũ Văn Ninh có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu).

0SkuhFLk.jpgPhóng to

Việc tăng giá hàng hóa một số mặt hàng thiết yếu - trong đó có gas - luôn là nỗi bận tâm của cử tri - Ảnh: Thanh Đạm

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng

- Những hạn chế, yếu kém về quản lý nhà nước quá trình thi công các dự án, công trình giao thông; các giải pháp hạn chế thất thoát, lãng phí; bảo đảm chất lượng an toàn...

- Việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông; đào bới lòng đường, vỉa hè gây lãng phí, ách tắc giao thông các thành phố lớn.

- Ý kiến của bộ về tổ chức các trạm thu phí giao thông; chống ùn tắc giao thông trong đó có việc bịt các ngã ba, ngã tư làm vô hiệu hóa hàng trăm đèn tín hiệu giao thông ở Hà Nội.

(Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh sẽ tham gia giải trình rõ những vấn đề có liên quan).

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát

- Việc triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị trung ương 7 về “tam nông”.

- Trách nhiệm và biện pháp tạo thị trường cho tiêu thụ hàng hóa nông sản; giải pháp đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi 30% trở lên; đầu tư cơ sở chế biến, tạm trữ hàng hóa nông nghiệp; kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm...

- Trách nhiệm của bộ trong việc đảm bảo giữ diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa; việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng...

(Bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Công thương, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan).4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh

- Các biện pháp hạn chế, ngăn chặn tình trạng đạo đức xuống cấp, bạo lực, bạo hành, mê tín dị đoan; lối sống thực dụng, quảng cáo thiếu văn hóa, các hành vi phi văn hóa trong thi đấu thể thao...

- Quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, khắc phục tình trạng tổ chức lễ hội tràn lan, lãng phí, lợi dụng để thương mại hóa; lễ khai trương, động thổ, khánh thành, đón nhận huân chương, huy chương, bằng khen... phô trương lãng phí.

- Quản lý di tích lịch sử, văn hóa; tình trạng xâm phạm di tích...

(Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ tham gia giải trình các vấn đề liên quan).

______________________

Cử tri nêu những nỗi lo bộn bề

Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vừa có bản tập hợp kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6.

Theo đó, một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và lương thực hiện chưa thật sự bảo đảm cho nông dân trồng lúa có lãi từ 30% trở lên. Bộ Công thương cho biết đã soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định trách nhiệm của các thương nhân xuất khẩu gạo trong việc mua lúa gạo hàng hóa, tổ chức thu mua lúa trực tiếp cho nông dân, đồng thời quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức để nông dân có thể bán lúa gạo trực tiếp cho nhà xuất khẩu.

Cử tri TP Cần Thơ kiến nghị về việc “cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về giá sữa tăng vô tội vạ thời gian qua”, Bộ Tài chính trả lời: đã phát hiện một số doanh nghiệp chi các khoản chi phí bán hàng (trong đó có các chi phí hoa hồng, quảng cáo, khuyến mãi...) vượt mức cho phép. Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp chấn chỉnh hoặc có chế tài xử phạt hành chính các hành vi này.

Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có những quy định hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý người nước ngoài phạm tội. Theo trả lời của Bộ Công an, bộ đã triển khai đề án “Công tác công an đảm bảo an ninh trật tự sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các phương án phòng ngừa tội phạm trong quá trình quan hệ hợp tác làm ăn với phía đối tác nước ngoài và chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý người nước ngoài từ khâu nhập cảnh đến cư trú, hoạt động tại VN.

Trong khi đó, giải trình bức xúc của nhiều đại biểu Quốc hội về việc lập dự toán ngân sách thấp sau đó vượt thu, Bộ Tài chính báo cáo trả lời cho biết một số khoản thu phụ thuộc vào yếu tố khách quan khó dự báo chính xác như: thu từ nhà đất, thu do điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại, thu dầu thô... Nếu loại trừ các khoản tăng do yếu tố khách quan trên thì thực chất số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng không đáng kể - năm 2008 tăng 6% so với dự toán.

Về điều hành giá cả, Bộ Tài chính tái khẳng định việc điều chỉnh giá điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16%; tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09-2,28% tùy từng ngành. Với giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết giá xăng dầu trong nước so với giá một số nước trong khu vực đã thấp hơn từ 2.000-8.000 đồng/lít tùy từng mặt hàng.

Kiến nghị mua muối tạm trữ cho diêm dân

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan việc sản xuất muối được mùa mà vẫn cho nhập khẩu muối, Bộ Công thương cho rằng: nhu cầu để sản xuất công nghiệp của VN mỗi năm khoảng 180.000-250.000 tấn muối, mua trong nước chỉ được 50.000-60.000 tấn. Năm 2010, nhu cầu sử dụng muốn công nghiệp tăng, Bộ Công thương đã phân bổ tổng hạn ngạch nhập khẩu lên đến 260.000 tấn.

Bộ Công thương cho biết đang xem xét áp dụng các biện pháp tự vệ đối với mặt hàng muối nhập khẩu, kiến nghị Thủ tướng xem xét mua muối tạm trữ cho diêm dân với giá hợp lý...

LÊ KIÊN

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH

____________________

Quốc hội thảo luận dự luật Bảo vệ người tiêu dùng:

Người tiêu dùng vẫn yếu thế

Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo với dự luật, người tiêu dùng vẫn yếu thế, vẫn phải... chạy lòng vòng khi “có chuyện”.

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội), thực tế người tiêu dùng VN vẫn “đang rất yếu thế” nên ông Anh cho rằng vai trò Nhà nước bảo vệ cần phải rõ hơn. Về việc dự luật đề cập sẽ thành lập một cơ quan thuộc bộ máy nhà nước ở cấp cơ sở để giải quyết khiếu nại ban đầu, theo ông Hồng Anh, tổ chức đó không rõ ràng.

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) đồng quan điểm khi cho rằng “cơ quan hành chính giải quyết những vụ khiếu nại với chính bản thân mình đã mệt rồi, bây giờ lại phải giải quyết khiếu nại của người mua hàng với nhà cung cấp hàng hóa nữa thì khó”. Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cũng nói VN đã có trọng tài, tòa án, nếu các cơ quan này làm chưa tốt thì củng cố chứ không nên tạo thêm một nơi làm giúp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM, chủ tịch hệ thống siêu thị Co.op Mart), đề nghị cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật bởi hiện nay có những đối tượng tuy không cung cấp hàng hóa nhưng có thể gián tiếp gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng như: bán hàng qua truyền hình, bán hàng qua mạng; quảng cáo làm cho người tiêu dùng ngộ nhận về chất lượng hàng hóa có tác động đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

Ở một góc độ khác, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phê phán dự thảo luật nặng về phần hàng hóa mà chưa có những quy định cần thiết về phần dịch vụ như các lĩnh vực dịch vụ giáo dục, y tế, ngân hàng, viễn thông... cũng luôn có những tranh chấp mà chưa thấy luật đề cập chặt chẽ.

C.V.KÌNH - LÊ KIÊN - V.V.THÀNH

L.KIÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên