30/09/2012 07:16 GMT+7

Học từ những phận đời kém may mắn

Dylan Bellavance (22 tuổi, sinh viên y khoa ĐH Vermont, Hoa Kỳ)C.NHẬT ghi
Dylan Bellavance (22 tuổi, sinh viên y khoa ĐH Vermont, Hoa Kỳ)C.NHẬT ghi

TT - Tranh thủ khoảng thời gian nhàn rỗi dịp hè, tôi quyết định cùng một số người bạn thuộc SEALNet (Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á) đến du lịch kết hợp hoạt động xã hội tại VN.

EJ9OKW1o.jpgPhóng to
Dylan Bellavance (trái) cùng người bạn hiện làm việc tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM - Ảnh nhân vật cung cấp

Khoảng thời gian ở VN thật tuyệt vời, nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất là thời gian làm việc ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Tại đây tôi được tiếp xúc, học hỏi và cùng nhau luyện tập các tiết mục văn nghệ với các bạn trẻ khuyết tật. Các tiết mục này sau đó được chúng tôi đem đi diễn ở một số nơi nhằm nâng cao nhận thức của người dân với những vấn đề, nỗi niềm mà người khuyết tật đang phải đối mặt hằng ngày.

Những bạn trẻ ở trung tâm mà chúng tôi thường tiếp xúc, tập văn nghệ chung có độ tuổi 20-25. Khi chứng kiến sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống hằng ngày của họ, tôi cảm thấy xúc động khó tả. Do những khiếm khuyết trên cơ thể khiến việc luyện tập rất khó khăn nhưng họ luôn nở nụ cười thật tươi, kiên nhẫn tập lại những động tác chưa đạt. Tôi chợt nhận ra rằng trong mỗi cá nhân dù là người lành lặn hay không đều luôn có những phẩm chất đáng quý để người khác học hỏi, để nhìn lại mình và hoàn thiện bản thân. Điều họ “khuyết” nhiều nhất, theo tôi, là cơ hội để vươn lên.

Tôi không rõ ở VN có nhiều hỗ trợ cho những người khuyết tật hay không, còn quê hương của tôi thì có hẳn những bộ luật và dịch vụ hỗ trợ nhằm đem lại cơ hội, sự bình đẳng cho những bạn trẻ khuyết tật. Cá nhân tôi từng tham gia một số hoạt động hỗ trợ đối tượng trên bên cạnh những chương trình tình nguyện khác dành cho giới trẻ.

Tôi cũng quan tâm về một số vấn đề xoay quanh bạn trẻ Việt. Nếu như ở VN, một số phụ huynh vẫn cho rằng với người trẻ thì việc tập trung học và làm việc quan trọng hơn là tham gia hoạt động xã hội thì xã hội Mỹ lại hoàn toàn khác. Cha mẹ chúng tôi luôn ủng hộ, thậm chí xúc động nếu biết con cái hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Dĩ nhiên vai trò của việc học và việc làm là không thể xem nhẹ, nhưng cuộc sống sẽ thú vị, ý nghĩa hơn nếu chúng ta học cách biết cho đi chứ không chỉ nhận về.

Được dạy dỗ từ nhỏ như vậy nên bên cạnh việc phấn đấu trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai, tôi cũng có một mục tiêu là cố gắng làm mỗi ngày trôi qua phải trở nên ý nghĩa nhất. Chuyến đi tới VN vừa rồi đã giúp mục tiêu đó trọn vẹn hơn. Không chỉ may mắn vì được tìm hiểu về lối sống, văn hóa của một quốc gia xa lạ, mà còn may mắn vì tôi đã học được kỹ năng trò chuyện bằng hình thể, luyện sự kiên nhẫn, đồng cảm với những số phận kém may mắn hơn mình... những phẩm chất cần thiết để đi theo nghề y.

Tôi mong được quay trở lại VN vào một ngày gần nhất.

Dylan Bellavance (22 tuổi, sinh viên y khoa ĐH Vermont, Hoa Kỳ)C.NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên