29/01/2015 15:10 GMT+7

Học sinh xuống phố đi học cùng sinh viên

TIẾN THUẬN (lớp 9) - MINH ANH (lớp 6)
TIẾN THUẬN (lớp 9) - MINH ANH (lớp 6)

TTO - Chúng tôi là chín học sinh cấp 2 ở TP.HCM, đã có năm ngày cuối tuần xuống phố cùng sinh viên nhiều nước, học văn hóa Việt Nam trên đường phố, nông trại và... ở quán cafe.

Chia nhóm làm việc ở Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: SÔNG THU

Ban đầu nghe nói lớp học ngoài phố này  hoàn toàn bằng tiếng Anh, ,ô, có một chút hồi hộp đây.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là  dự án Global Passpost dành cho học sinh cấp 3  do nhóm AIESEC của trường Đại học Ngoại thương TP.HCM tổ chức, nghe thật... khoái.

Ở mỗi nước, chương trình hướng đến sự khám phá, tìm hiểu văn hóa địa phương, tạo môi trường để học sinh cùng giao lưu với sinh viên. Các anh chị dẫn đầu chương trình trước đó phải vượt qua những vòng sát hạch của  AIESEC từ chủ đề, nội dung đến việc quảng bá  kêu gọi người cùng  tham gia, tự tạo quỹ để hoạt động...

Khoái hơn nữa là chương trình dành cho học sinh cấp 3 nhưng cấp 2 như chúng tôi nếu vượt qua được kỳ kiểm tra thì vẫn được tham gia. Thật là tự hào!

Nhớ lại, chúng tôi đến một quán trà sữa ở quận Bình Thạnh để trải qua buổi phỏng vấn, trò chuyện với các sinh viên đến từ Indonesia và New Zealand, chủ đề văn hóa các nước.

Thế rồi chúng tôi, lọt vào mắt của các sinh viên, tất cả có chín học sinh cấp hai.

Chúng tôi sẽ kể các bạn nghe tuần tự từng ngày một nhé.

Làm quen - Ảnh: SÔNG THU

Ngày thứ nhất: Làm quen

Các anh chị giới thiệu về mình và đất nước của họ: chị Sonia đến từ Kenya, chị Aleccia đến từ Brasil, còn lại các anh chị khác đến từ Indonesia, New Zealand, Australia, Philippin, Trung Quốc và không thể không nhắc đến các anh chị dễ thương đến từ Việt Nam.

Chúng tôi được học những câu chào hỏi đơn giản bằng các thứ tiếng “mẹ đẻ” của các anh chị. Có rất nhiều trò chơi thú vị, nhưng chúng tôi thích trò chơi đấu bóng bay với nhau, mỗi người cột một bóng vào chân, sau đó tìm cách đập bể bóng của bạn bằng chân.

Làm việc nhóm - Ảnh: SÔNG THU

Ngày thứ hai: Ẩm thực là văn hóa

Khi đến một quốc gia nào đó bạn  muốn thưởng thức các món đặc sản nơi mà bạn đặt chân đến. Ẩm thực cũng là “văn hóa”.

Ngày thứ hai, chúng tôi được thử các món ăn các nước do các anh chị thực tập sinh đích thân chuẩn bị. Chúng tôi có: Western pancake , Chesses bread và bánh xèo. Và thứ khó quên nhất  là các món sinh tố "lạ lùng" chưa bao giờ chúng tôi gặp trong đời: nước bưởi + khoai tây lát; cà phê + chuối; nước lọc + hành + cà rốt. 

Đáng lẽ đây phải là món ăn dành cho người dũng cảm nhất và chúng tôi đã trở thành những người dũng cảm đó!

Tự tay làm các món ăn - Ảnh: SÔNG THU

Ngày thứ ba: Lễ hội các nước

Địa điểm lần này là một quán cà phê với không gian trang trí cực kì ấn tượng nhưng lại rất ấm cúng.

Chúng tôi quây quần bên nhau chia sẻ  những lễ hội từ các nước của các anh chị thực tập sinh, sau đó chúng tôi giới thiệu về Tết.  

Ngày học trôi qua quá nhanh.

Các trò chơi trong các dịp lễ hội cũng được chúng tôi nói cho nhau nghe rồi cùng nhau chơi “Spealling bee” để nhớ các từ tiếng Anh của những lễ hội trên thế giới.  Tuy đội của chúng tôi thua nhưng rất vui vì mình có dịp biết nhiều thông tin bổ ích .

Nhiệm vụ "chua" nhất: nói chuyện và mời người nước ngoài chụp hình chung - Ảnh: SÔNG THU

Ngày thứ tư: Cuộc đua gay cấn

Đây là ngày chúng tôi thích nhất. Gặp nhau tại Nhà thờ Đức Bà, chúng tôi chuẩn bị cho cuộc đua báo hiệu gay cấn hôm nay.

Chúng tôi chia ra hai nhóm để  vượt qua thử thách ở ba  chặng::

Chặng 1: Thảo luận về vấn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Chặng 2: Chị Aleccia kể lại các vấn đề khó chịu mà người nước ngoài du lịch đến Việt Nam thường gặp phải. Sau đó mỗi đội làm cái poster “nhắc nhở” khách du lịch một số điều cần chú ý khi đi trên đường phố.

Nhiệm vụ “chua" nhất  là phải gặp được sáu người nước ngoài, nói với họ về  thông điệp của chúng tôi đồng thời mời họ chụp hình chung.  Nghe có vẻ dễ nhưng lại rất khó vì không phải ai cũng đồng ý. Có rất nhiều người từ chối nhưng chúng tôi không hề nản lòng.

Chặng 3: Chúng tôi viết nguyện vọng của mình về Việt Nam năm 2015 trên quả bóng bay. Sau đó chúng tôi đi hỏi mọi người xung quanh và nhờ họ cùng ghi nguyện vọng lên quả bóng bay đó. Có cả những điều ước của người nước ngoài được ghi lên.

Nhóm chúng tôi quyết định không thả bóng bay bay lên trời mà giữ làm kỷ niệm vì chúng tôi nghĩ thả bóng bay là một hình thức xả rác. Không may là quả bóng của nhóm tôi bị bể sau đó không lâu.

Điểm đến là vườn rau ở Củ Chi - Ảnh: SÔNG THU

Ngày thứ năm: Trồng lúa

Đây là ngày dài nhất trong các buổi ngoại khóa cũng là ngày được mong chờ nhất đối với chúng tôi: đi Củ Chi. Phương tiện di chuyển là xe buýt công cộng.

Điểm đến là một vườn rau sạch, ở đây họ trồng nấm, hành, lúa, lá bạc hà...

Dưới sự chỉ dẫn của nhân viên tại vườn rau, chúng tôi được tham quan và học hỏi về môi trường sống của một số loại cây.

Vui nhất là chúng tôi được thử trồng lúa. Các bạn cũng biết dân thành phố như bọn tôi đây là lần đầu tiên làm công việc này. Mà lần đầu tiên thì có nhiều bỡ ngỡ lẫn bất ngờ. Ai cũng sợ đỉa.

Cùng với việc lấm lem bùn đất ngày hôm đó, chúng tôi tuy không ai bảo ai cũng đều nhận thấy cái quí giá của lao động, sự cực khổ của người nông dân để mang đến những “hạt ngọc”.

Trên đường đi trồng lúa - Ảnh: SÔNG THU

Nhiều bạn không biết đâu là con bò

Tôi ấn tượng với ngày học thứ tư của các bạn: quan sát tình hình giao thông diễn ra  trên đường, đề xuất các giải pháp chống kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Nhưng nhiệm vụ khó khăn nhất với các bạn nhỏ là phải tìm gặp được sáu người nước ngoài, nói chuyện với họ về chương trình, thuyết phục họ cho chụp ảnh chung và phải làm sao để hai trong số họ viết lên được điều ước của mình về Việt Nam. 

Đi theo và quan sát các cháu qua từng ngày nên tôi đã nhìn thấy: ban đầu các cháu còn quá thiếu và yếu nhiều kỹ năng. Có những bạn rất tự tin, đĩnh đạc, nói năng lưu loát, nhưng khi tiếp xúc với người nước ngoài lại khá rụt rè, tự ti và chẳng thể diễn đạt nổi ý của mình. 

Có những bạn không có khả năng làm việc theo nhóm. Có những bạn hoàn toàn không biết cách giải quyết vấn đề. Có những bạn còn bị sốc vì không quen với sự từ chối thẳng thừng từ người khác. Và có nhiều bạn trong ngày học thứ năm  không biết đâu là con bò, rau, lúa hay cỏ…  

Một lớp học theo tôi là rất hay và bổ ích khi  qua đó, trong một thời gian ngắn ngủi các cháu đã biết được một số kỹ năng chủ yếu như tự giải quyết vấn đề, hoạt động nhóm, thuyết trình, ứng xử, giao tiếp, sự tự tin…

Ngoài ra, các cháu biết thêm về nền văn hóa, đời sống xã hội của nhiều nước trên thế giới cũng như biết được những công việc chủ yếu của người nông dân Việt Nam mà không phải lúc nào cũng có cơ hội được trải nghiệm.

Riêng với con tôi, qua lớp học này, ngoài những kỹ năng được học hỏi ở trên, cháu đã tâm sự với mẹ: Sau này con sẽ phấn đấu để có thể trở thành tình nguyện viên của chương trình, để có thể mang văn hóa Việt Nam đến với các nước.

Tôi nghĩ đó là một thành công rất lớn của  lớp học này.

Sông Thu (một phụ huynh)

 

TIẾN THUẬN (lớp 9) - MINH ANH (lớp 6)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên