10/10/2020 17:05 GMT+7

Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh 'Lặng lẽ Sa Pa'

LÊ NGỌC
LÊ NGỌC

TTO - Khác với hình thức học ngữ văn bằng cách phân tích, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) tiếp cận tác phẩm bằng cách vẽ hoặc tái hiện câu chuyện qua video.

Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 1.

Nhân vật, bối cảnh đều được nghiên cứu trước khi thực hiện

Không còn học ngữ văn chỉ bằng việc ghi chép, phân tích, giờ đây, các bạn học sinh đã có thể tìm hiểu các tác phẩm bằng nhiều cách thức. Một trong những phương pháp học đó chính là vẽ tranh.

Mới đây, hình ảnh truyện tranh của tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của một nhóm học sinh lớp 9 nhận được sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội. Bộ truyện được đăng tải trên tài khoản của thầy Võ Kim Bảo - giáo viên dạy môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM).

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long trong chương trình ngữ văn lớp 9. Truyện ca ngợi phẩm chất đẹp đẽ của những người trẻ cống hiến hết mình cho đất nước trong thời kỳ đổi mới đi lên xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Phạm Đỗ Nhã Thi, thành viên của nhóm vẽ tranh, cho biết các bạn mất khoảng 5 tuần để hoàn thiện sản phẩm, gồm các giai đoạn chọn đề tài, phác thảo, thảo luận và thực hiện. Để có thể tái hiện được tác phẩm rõ hơn, các bạn còn tìm hiểu bối cảnh, ngoại hình nhân vật, nhà cửa và cả trang phục trong thời kỳ tác giả viết tác phẩm.

Nhã Thi đánh giá, việc đưa truyện ngắn thành truyện tranh giúp bạn hiểu hơn về tác phẩm và thể hiện được thế mạnh của bản thân thông qua việc vẽ.

Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 2.

Bìa truyện Lặng lẽ Sa Pa do học sinh lớp 9 vẽ

Thầy Võ Kim Bảo nhận xét: "Các em thể hiện bằng tranh rất công phu, có sự đầu tư nhiều về nét vẽ, kỹ thuật và xây dựng kịch bản. Các em đã tìm hiểu kỹ các đặc điểm của từng nhân vật để mô tả cho chính xác. Trong nhóm có em rất thích vẽ truyện tranh, đã tập vẽ từ năm lớp 3. Đây là dịp để các em như vậy thể hiện tài năng của mình".

Lặng lẽ Sa Pa là một trong số nhiều tác phẩm thuộc dự án Vẽ truyện tranh từ tác phẩm văn học, dự án tích hợp liên môn Ngữ văn - Mỹ thuật - Tin học được triển khai tại trường.

Dự án này nhằm giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của các môn học trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, giúp học sinh có cái nhìn cụ thể, nhiều chiều hơn. Ngoài ra, với cách học này, học sinh được rèn luyện những kỹ năng như làm việc nhóm, tổ chức, thảo luận…

"Các em thật sự rất sáng tạo khi làm bài. Qua sản phẩm, tôi thấy các em có đưa cả cá tính của mình vào bài làm. Có em hài hước, có em thích sâu sắc, có em lại nghiêm túc... Các em vận dụng hiểu biết cá nhân vào giải quyết tình huống rất linh hoạt, sản phẩm của các em có nhiều thứ mà người lớn cần học hỏi", thầy Bảo nói.

Nói về cách chấm bài, thầy Bảo cũng khẳng định các giáo viên có tiêu chí, thang điểm rõ ràng, cụ thể. Việc chấm điểm dựa trên nội dung, ý tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật…

"Để đảm bảo tính công bằng, tôi nhận xét và cho điểm công khai trên lớp. Các học sinh cùng nhóm được đánh giá lẫn nhau về ý thức trách nhiệm và thái độ làm việc", thầy nói.

Một số hình ảnh trong bộ tranh:

Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 3.
Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 4.
Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 5.
Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 6.
Học sinh lớp 9 TP.HCM ‘sản xuất’ truyện tranh Lặng lẽ Sa Pa - Ảnh 7.
Chàng họa sĩ với 7 lớp dạy vẽ miễn phí Chàng họa sĩ với 7 lớp dạy vẽ miễn phí

TTO - 7 cơ sở được mở ra nhằm tạo điều kiện cho những bạn trẻ trên 16 tuổi đam mê hội họa theo học miễn phí, đó là lớp học của anh Nguyễn Văn Lê, 36 tuổi, họa sĩ tự do tại TP.HCM.

LÊ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên