13/04/2018 22:10 GMT+7

Học sinh áp lực vì phải học quá nhiều

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng nề, quá hàn lâm. Tháo gỡ được điều này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, từ tự tử vì áp lực đến dạy thêm, học thêm.

Học sinh áp lực vì phải học quá nhiều - Ảnh 1.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - tại hội thảo - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Đó là ý kiến được GS Phạm Phụ đưa ra tại Hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 13-4.

“Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng nề, quá hàn lâm. Chúng ta cần giải quyết ngay vấn đề này. Nếu chúng ta giải quyết được việc này chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác, từ tự tử vì áp lực đến dạy thêm học thêm”, GS Phạm Phụ nói.

Theo GS Phạm Phụ, nên giảm khối lượng và tính hàn lâm của chương trình. Đồng thời, không thể yêu cầu chương trình giáo dục giống nhau giữa các vùng miền.

Đồng quan điểm với GS Phạm Phụ, bà Phạm Phương Thảo cũng cho rằng trong chương trình giáo dục hiện nay khối lượng kiến thức hàn lâm còn quá nhiều.

“Ta nói phát huy sáng tạo của học sinh nhưng thực tế là học thuộc lòng nhiều, triệt tiêu sáng tạo ngay tại trường. Trong giáo dục tôi thấy cũng chưa giáo dục làm người, kỹ năng làm việc. Mặc dù ta luôn nói học đi đôi với hành nhưng ta chưa giáo dục hành, chưa thấy hành đâu” - bà Thảo nói.

Còn về vấn đề bạo lực học đường thường nổi trên mặt báo, mạng xã hội, theo bà Thảo là do chất lượng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, từ đầu vào, tuyển sinh đến quá trình giảng dạy. “Lương giáo viên thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này. Lương quá thấp, đặc biệt là mầm non và tiểu học.

Một vấn đề đặt ra nữa mà mọi người hay nói là: Triết lý giáo dục của Việt Nam ta là gì? Ta có đưa vào luật sửa đổi lần này không? Đấy là vấn đề ta cần xem lại, nếu luật sửa đổi lần này ta đưa được cái đó vào thì rất là tốt”, bà Thảo nói.

Học sinh áp lực vì phải học quá nhiều - Ảnh 2.

Luật sư Hà Hải phát biểu tại hội thảo về vấn đề cần có chương trình giáo dục cho trẻ em lai không hộ khẩu, giấy khai sinh tại đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều cán bộ quản lý giáo dục tại TP.HCM đề nghị xem xét lại vấn đề tài chính, học phí và lương giáo viên.

Cô Lại Thị My Nhung, cán bộ quản lý Trường mầm non TP, cho biết nhiều giáo viên rất tâm tư. Hiện nay, chuẩn gia mầm non được nâng lên rất cao, có bằng cử nhân, thậm chí có nhiều người học lên thạc sĩ. Nhưng sau khi tuyển viên chức xong, giáo viên mầm non đó lại được bổ nhiệm theo ngạch giáo viên mầm non hạng tư, hệ trung cấp. 

Vấn đề sách giáo khoa mới cũng được thảo luận. Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy - hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), thực tế trong quá trình giảng dạy, bà thấy có những bất cập, khó khăn đối với từng vùng miền.

“Chủ trương của Bộ GD-ĐT cho các đơn vị địa phương có bộ sách giáo khoa riêng, theo tôi là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực vấn đề cốt lõi là con người.

Chương trình sách giáo khoa có thay đổi như thế nào, có làm tốt ra sao nhưng người thực hiện trực tiếp chính là giáo viên. 

Chương trình có thành công hay không, sách giáo khoa có thành công hay không là do giáo viên. Vấn đề đạo tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình là vấn đề trọng tâm, cốt lõi” - bà Thúy nói.

Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả... Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả...

TTO - Sự việc nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành không phải trường hợp đầu tiên xảy ra. Những 'người lớn' nghĩ gì về chuyện này?

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên