08/02/2014 10:34 GMT+7

Học luật chỉ có thể làm luật sư?

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Nhiều người cho rằng nghề luật sư không thực tế, thất nghiệp nhiều, có đúng không? Nếu tốt nghiệp trường luật liệu có thể có việc làm ngay không? (tranthimyngoc@...)

8xFrlBO8.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

- ThS Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Nghề luật sư chỉ là một trong những nghề mà sinh viên tốt nghiệp ngành luật có thể làm sau khi tốt nghiệp. Nghề luật sư có các dịch vụ pháp lý như: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, mục tiêu phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2015 có khoảng 12.000 người, mỗi năm phát triển từ 800 đến 1.000 người. Đến năm 2020, phát triển số lượng luật sư lên khoảng từ 18.000 - 20.000 người, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay (tính đến tháng 12-2013), số lượng luật sư ở nước ta chỉ có khoảng 8.000 người/ 90.000.000 dân. Theo đó, tỷ lệ này ở mức bình quân chỉ là 1 luật sư/ 11.250 người dân. Nói như vậy để chia sẻ với em rằng nhu cầu của xã hội đối với nghề luật sư để đáp ứng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian tới là rất lớn.

Sau khi tốt nghiệp ngành luật, muốn theo đuổi nghề luật sư thì em có thể làm việc ngay tại các văn phòng luật sư, công ty luật...

* Thi đại học Luật TP.HCM có cần chọn ngành trước không hay thi xong mới được chọn ngành? (thongoc19@)

- ThS Lê Văn Hiển: Năm 2014, Trường đại học Luật TP.HCM tuyển sinh và đào tạo 4 ngành, gồm: Luật, Quản trị - Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý.

Tại thời điểm làm hồ sơ đăng ký dự thi, bắt buộc phải đăng ký chọn một trong bốn ngành nêu trên để dự thi, nếu không đăng ký ngành dự thi thì hồ sơ không hợp lệ.

Đối với ngành Luật, trường có 5 lĩnh vực chuyên sâu: luật Hình sự, luật Hành chính, luật Thương mại, luật Dân sự và luật Quốc tế. Các lĩnh vực chuyên sâu này sẽ được trường cho thí sinh đăng ký khi làm thủ tục dự thi (đợt 1: ngày 3-7-2014 và đợt 2: ngày 8-7-2014).

Lưu ý với thí sinh rằng: Trong mẫu hồ sơ đăng ký dự thi có mục ghi chuyên ngành, thí sinh không phải ghi một trong năm lĩnh vực chuyên sâu nêu trên (tức để trống), nếu thí sinh có ghi lĩnh vực chuyên sâu thì cũng chỉ để tham khảo.

* Em muốn thi khối C, thế mạnh của em là môn Sử và Địa. Em có thể chọn những ngành nào để phù hợp với khả năng của mình? (hominhvu@)

- ThS Lê Văn Hiển: Với thế mạnh là môn Sử và Địa, em lựa chọn thi khối C là phù hợp. Để có khả năng trúng tuyển cao, em có thể đăng ký dự thi vào các trường có đào tạo ngành Lịch sử và Địa lý hoặc các ngành thuộc khối Khoa học xã hội, Luật, Công an, Quân đội...

Thông tin tuyển sinh cụ thể về ngành thi, khối thi và chỉ tiêu tuyển sinh, em có thể theo dõi trên website của các trường hoặc trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.

Tại trường Đại học Luật TP.HCM, em có thể lựa chọn ngành Luật (lĩnh vực chuyên sâu Hình sự, Hành chính, Dân sự) để dự thi theo khối C.

* Em dự định thi vào trường đại học Luật TP.HCM. Nếu điểm tuyển sinh vào ngành đăng ký không đủ đậu, em có được xét vào ngành khác với số điểm thấp hơn của trường không? (nguyenngocsang02..@)

- ThS Lê Văn Hiển: Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, trường Đại học Luật TP.HCM được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh và đào tạo 4 ngành: Luật, Quản trị - Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý. Căn cứ vào kết quả thi tuyển sinh, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn theo từng ngành và từng khối thi.

Khi có điểm thi thấp hơn điểm trúng tuyển vào ngành mà thí sinh đăng ký, coi như thí sinh đã rớt đại học. Khi đó, nếu các ngành còn lại còn chỉ tiêu xét tuyển thì thí sinh phải làm hồ sơ để trường xét tuyển theo nguyện vọng bổ sung.

Tuy nhiên, cũng lưu ý với thí sinh rằng, đối với ngành Luật của trường có 5 lĩnh vực chuyên sâu (gồm Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Quốc tế và Luật Thương mại) nên khi không trúng tuyển vào lĩnh vực chuyên sâu đã đăng ký nhưng đạt điểm trúng tuyển của ngành Luật thì thí sinh sẽ được xét tuyển vào một trong các lĩnh vực chuyên sâu còn lại.

Việc chuyển thí sinh từ lĩnh vực chuyên sâu này (lĩnh vực chuyên sâu mà thí sinh đã đăng ký nhưng không trúng tuyển) sang lĩnh vực chuyên sâu khác chỉ là chuyển thí sinh sang các khoa còn lại để quản lý chứ không phải chuyển ngành, do vậy, hoạt động này sẽ do máy tính tự động thực hiện, thí sinh không phải làm đơn.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên