Ông Albert, chủ tịch đồng sáng lập Traveloka - một trong những kỳ lân công nghệ của Indonesia, tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VIỆT LINH
Ông nhấn mạnh Indonesia rất coi trọng Việt Nam, tổ chức một lễ đón vô cùng đặc biệt. Chuyến thăm cũng đã mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều phương diện, trong đó có kinh tế số.
Việt Nam có nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, văn hóa ẩm thực, danh lam thắng cảnh, tôi mong muốn Traveloka tiếp tục hỗ trợ quảng bá, đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, thu hút thêm lượng lớn khách du lịch đến khám phá Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói khi tiếp ông Albert, đồng chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka, ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, sáng 23-12.
Nơi sản sinh nhiều kỳ lân công nghệ
Nói chuyện với kiều bào ở Jakarta tối 22-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong cuộc gặp Tổng thống Joko Widodo, ông bày tỏ ấn tượng với quy mô nền kinh tế số của Indonesia. Ông cho biết Việt Nam muốn học hỏi về đổi mới sáng tạo vì Indonesia là nơi sản sinh nhiều "kỳ lân công nghệ" ("unicorn" - những start-up trị giá hơn 1 tỉ USD), trong đó có một số đang hoạt động ở Việt Nam.
Tính đến năm 2021, Indonesia có chín unicorn và chứng kiến sự trỗi dậy của một decacorn (công ty trị giá hơn 10 tỉ USD), đó là GOTO - sáp nhập giữa siêu ứng dụng Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia.
Những kỳ lân công nghệ nổi tiếng khác của xứ vạn đảo gồm có hai sàn thương mại điện tử Bukalapak và JD.id, Công ty chuyển phát nhanh J&T Express, trang du lịch Traveloka, ví điện tử Ovo, cổng thanh toán Xendit và nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến Ajaib.
Việc ngày càng nhiều unicorn xuất hiện cho thấy Indonesia đang là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới và là miền đất hứa với các nhà đầu tư.
Sở dĩ các start-up Indonesia đang trỗi dậy trở thành những "người chơi sáng tạo" quan trọng trong khu vực và toàn cầu là nhờ họ được hậu thuẫn bởi một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và biến doanh nghiệp trở thành động lực chính của nền kinh tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Karim Raslan, cây bút bình luận về Đông Nam Á, cho biết ông không ngạc nhiên khi lãnh đạo Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm từ Indonesia về đổi mới sáng tạo bởi "Indonesia có một nền kinh tế sáng tạo quy mô lớn". "Việt Nam cần có một hệ sinh thái cởi mở với các ý tưởng và hệ thống mới cũng như cởi mở với các nguồn quỹ đầu tư", chuyên gia Karim nói.
Theo ông Karim, để Việt Nam thu hút thêm nhiều kỳ lân công nghệ như Indonesia, cách tốt nhất là quảng bá trải nghiệm của chính các kỳ lân công nghệ Indonesia đang hoạt động ở Việt Nam. "GOTO đang hoạt động ở Việt Nam. Những trải nghiệm của họ nên được quảng bá rộng rãi hơn nữa", ông Karim nêu ví dụ.
Chủ tịch nước tiếp doanh nghiệp Indonesia ở Jakarta sáng 23-12 - Ảnh: VIỆT LINH
Chờ làn sóng đầu tư từ Indonesia
Dù đang phải cắt giảm nhân sự do kinh tế khó khăn chung, GOTO vẫn tăng vốn đầu tư ở Việt Nam, một trong 20 nền kinh tế mới nổi của thế giới. Công ty cổ phần quốc tế Viet Lotus, một trong các công ty con của GOTO và thành lập ở Việt Nam, đã rót thêm 6,31 triệu USD đầu tư cho Go Send và Go Car.
Rõ ràng Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Indonesia, đặc biệt về công nghệ.
Trong thông báo về kết quả hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 22-12, Tổng thống Joko Widodo cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp Indonesia quan tâm đầu tư tại Việt Nam.
"Tính đến nay Indonesia đã đầu tư 600 triệu USD trong 101 dự án tại Việt Nam. Tôi đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam để giải quyết một số vấn đề mà các nhà đầu tư Indonesia gặp phải, điều này sẽ thúc đẩy đầu tư trong tương lai", nhà lãnh đạo Indonesia nêu.
Lãnh đạo các tập đoàn lớn và phòng thương mại Indonesia cũng chia sẻ mong muốn được mở rộng đầu tư khi gặp Chủ tịch nước ở Jakarta sáng 23-12.
Ông Budiarsa Sastrawinata, chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam, đồng thời là tổng giám đốc Tập đoàn Ciputra, cho biết các doanh nghiệp Indonesia mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực giàu tiềm năng tại Việt Nam như dược phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm, khai khoáng, kinh tế số, chế tác sản phẩm đồ gỗ thủ công.
Ciputra đã đầu tư gần 3 tỉ USD ở Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, ông Arsjad Rasjid, mong muốn doanh nghiệp hai nước kết nối tạo thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. "Doanh nghiệp hai nước còn có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nghề cá, ô tô, ô tô điện và chúng tôi sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này", ông Rasjid nói.
Ngành nào sẽ tạo ra kỳ lân mới của Việt Nam?
Để có được một thế hệ kỳ lân công nghệ mới, Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
Những năm gần đây, một số start-up Việt Nam đã trở thành kỳ lân trong nền kinh tế như MoMo, Sky Mavis, VNG Corporation, VNLife..., Để có thêm một thế hệ kỳ lân mới trong nền kinh tế, ông Vũ Quốc Huy, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
* Thưa ông, thời gian qua NIC đã làm gì để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên cả nước?
- Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thời gian qua NIC đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện các nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
NIC phối hợp với các tập đoàn, tổ chức quốc tế để tổ chức chương trình tập huấn cho các start-up tại Việt Nam như Google for Startups, hoặc đưa các start-up đi tập huấn, tìm hiểu thị trường tại Hàn Quốc, Singapore, Mỹ.
Tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vốn cho các start-up như tại VVS 2022 và dự án hỗ trợ vốn của ADB; tìm kiếm các nguồn lực để đưa công nghệ, sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo các start-up Việt Nam như đã triển khai với Genetica, Earable, Selex Motors...
NIC cũng phát triển các mô hình điểm về trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại cơ sở Hà Nội và cơ sở Hòa Lạc, hỗ trợ cơ sở vật chất, văn phòng cho các start-up và chính sách ưu đãi thuế, visa cho chuyên gia nước ngoài...
Ông Vũ Quốc Huy
* Vậy đâu sẽ là những ngành có khả năng xuất hiện các kỳ lân tiếp theo của Việt Nam?
- Trong ngắn hạn, lĩnh vực phần mềm tiếp tục đảm bảo thị trường, giữ thị phần đầu tư ổn định và cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các lĩnh vực, ngành nghề. Vì vậy các start-up triển vọng nhất đều liên quan đến công nghệ thông tin, đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game, những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2 - 3 năm tới. Tôi tin trong thời gian tới sẽ xuất hiện thế hệ kỳ lân tiếp theo của Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Về dài hạn, NIC đã làm việc với nhiều tập đoàn tư vấn, các tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới, trong đó có Boston Consulting Group để chọn ra năm lĩnh vực trọng tâm dựa trên xu hướng phát triển thế giới và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam như: Smart City, Smart Factory, Digital Media, an ninh mạng, công nghệ môi trường. Những start-up trong các lĩnh vực này sẽ tận dụng, phát huy được lợi thế vốn có của Việt Nam và phát triển đúng với xu thế tương lai của thế giới, vì vậy sẽ hội tụ đầy đủ các phẩm chất để có thể trở thành các kỳ lân tiếp theo trong 10 - 20 năm tới.
BẢO NGỌC thực hiện
Hỗ trợ 500 doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong giai đoạn 2021 - 2030
Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate VN) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2030, hoạt động đổi mới sáng tạo đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030; thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ.
Xem cách Indonesia "dọn tổ" cho kỳ lân
Thủ đô Jakarta đứng thứ 32 trong số 1.000 TP trên toàn cầu về hệ sinh thái khởi nghiệp tốt. Ngoài Jakarta, các TP lớn khác của Indonedia như Bandung, Surabaya, Medan, Yogyakarta cũng đang chuyển đổi để sẵn sàng chào đón các kỳ lân công nghệ (unicorn) tương lai.
"Làm tổ" cho kỳ lân
Trong đại dịch COVID-19, Indonesia đã bổ sung thêm 9 unicorn, nâng tổng số unicorn của quốc gia này lên 13, theo Đài Channel News Asia.
Các hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia nảy nở tại các TP lớn nhờ vào những điều kiện tuyệt vời ở đây. Về chính sách, chính quyền địa phương cung cấp hỗ trợ có mục tiêu để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các start-up như chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tuyển dụng lao động nước ngoài, chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp...
Về nhân lực, các trường đại học giữ vai trò là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao tri thức, là nguồn cung cấp nhân lực trẻ, tài năng cho các start-up. Các doanh nghiệp cũng dựa vào trường đại học để thử nghiệm, kiểm tra và chế tạo bản mẫu cho các công nghệ mới của mình.
Gojek và Tokopedia, hai doanh nghiệp kỳ lân đời đầu ở Indonesia, sáp nhập thành GOTO năm 2021. Gojek là ứng dụng gọi xe quen thuộc ở Việt Nam - Ảnh: AFP
Đòn bẩy ý chí chính trị
Đầu năm 2016, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới thăm Thung lũng Silicon ở Mỹ. Tại đây, ông nêu quyết tâm đưa Indonesia chuyển đổi số - xây dựng nền kinh tế dựa trên công nghệ thông tin.
Chính sách phát triển kinh tế số của Indonesia đặt ra ba yêu cầu chính là bảo vệ thương mại điện tử trong nước, bảo vệ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) bằng cách mở ra cơ hội kinh doanh trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau và bảo vệ người tiêu dùng.
Từ đó nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tập trung xây mới và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như xây dựng trung tâm dữ liệu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, đổi mới mạnh mẽ ở các công ty lớn, đưa ra các chính sách hỗ trợ đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp MSME tham gia thị trường kỹ thuật số với mục tiêu đạt 30 triệu MSME năm 2030. Theo Hãng thông tấn Antara của Indonesia, tại Hội nghị đổi mới sáng tạo (ICON) 2022, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp MSME Indonesia ông Teten Masduki nhấn mạnh lợi ích kép của việc hỗ trợ các doanh nghiệp MSME chuyển đổi số.
Theo đó, càng nhiều doanh nghiệp MSME trên cả nước được kết nối với hệ sinh thái kỹ thuật số, áp lực tập trung dân số ở thành phố lớn như Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang, Bekasi... sẽ càng giảm.
Mục tiêu của Chính phủ Indonesia trong Kế hoạch phát triển quốc gia trung hạn cho giai đoạn 2020-2024 là tạo ra 3 unicorn mới nhưng nhờ các chính sách tốt, đến năm 2022, đã có 9 unicorn xuất hiện. Tuy nhiên các unicorn của Indonesia vẫn chỉ hoạt động trong các lĩnh vực quen thuộc là thương mại điện tử, thị trường, gọi xe, hậu cần và công nghệ tài chính (fintech).
Các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục, công nghệ môi trường bền vững, công nghệ y tế - đòi hỏi sự đột phá mạnh mẽ và thời gian đầu tư lâu dài thì vẫn chưa sôi động ở quốc gia này. Giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia được dự đoán là lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2030, tương đương 330 tỉ USD.
Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, theo Chỉ số Hệ sinh thái Khởi nghiệp năm 2022 của StartupBlink, công ty có trụ sở tại Tel Aviv, Israel.
HỒNG VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận