Diện tích khu di sản Hoàng thành rất rộng lớn, nếu đi bộ tham quan hết tất cả các không gian tại Di sản cũng mất tương đối thời gian và sức lực. Bắt đầu từ khu vực Cột cờ trên đường Điện Biên Phủ kéo dài và rộng sang tận bên đường Phan Đình Phùng với nhiều điểm tham quan như: Cột cờ, khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu, khu vực Thành cổ Hà Nội, Đoan Môn, Thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc.
Khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu được phát lộ năm 2002, nhiều di vật, hiện vật phong phú có giá trị cao đã được tìm thấy tại đây. Khu vực khảo cổ này gồm nhiều tầng khảo cổ có tính liên tục về mặt lịch sử. Một số cổ vật, hiện vật được khai quật tại khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu hiện đang được trưng bày trong khu vực triển lãm ngay trong Hoàng Thành. Nhiều hiện vật có giá trị khác đang được bảo quản trong điều kiện thích hợp tránh bị sự xâm hại của khí hậu, thời gian. Toàn bộ khu vực đã khai quật khảo cổ này có mái che, lối đi cho du khách được xây vòng quanh bề mặt di tích, tận mắt thấy dấu tích giếng nước có từ thời thành Đại La; con thuyền gỗ bên bờ sông đào thời Lê sơ; những lối đi lát gạch; hệ thống chân móng cột các cung điện hoành tráng thời Lý – Trần…
Khu vực thành cổ Hà Nội vốn là trung tâm thành Hà Nội vào thời nhà Nguyễn với các di tích còn lại đến hôm nay như Cột cờ, Đoan Môn, Hậu lâu, Cửa Bắc…
Cột cờ trước kia được gọi với tên “Kỳ đài”, được xây dựng cùng thành Hà Nội vào thời nhà Nguyễn. Cột cờ nằm phía trước thành trên trục thần đạo, giữa 2 cửa Đông Nam và Tây Nam. Hiện nay, Cột cờ nằm trong khu vực bảo tàng quân sự, ngay tại sân cột cờ có quán cà phê rất đông khách du lịch hàng ngày qua lại địa điểm này.
Đoan Môn là cánh cổng chính để ra vào Cấm thành của Hoàng thành Thăng Long. Cổng Đoan Môn được xây dựng vào thời nhà Lý, nhưng do nhiều biến động Đoan Môn không còn được nguyên vẹn và đã phải sửa chữa nhiều lần. Kiến trúc hiện nay của Đoan Môn là kiến trúc thời nhà Lê và một phần của thời nhà Nguyễn, kết quả sau những lần tu sửa.
Nổi bật nhất và được biết đến nhiều nhất là đôi rồng đá tại Hoàng Thành. Đôi rồng này thực chất là 1 phần chân điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên được xây dựng thời Lê trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần. Nhưng hiện nay, phần duy nhất còn lại của điện Kính Thiên ngày xưa chỉ còn có đôi rồng đá. Ngoài ra còn có chứng tích của Nhà D67 của Bộ Tư lệnh những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ hai căn phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng có lối dẫn xuống hầm và khu tác chiến sâu hơn 100 mét dưới lòng đất. Khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, Bộ Tổng tư lệnh đã làm việc dưới hầm này. Bản đồ chỉ huy các chiến dịch lớn như Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 còn nguyên dấu tích các mũi tiến công kèm các số liệu bình lực tối mật ngày ấy.
Hậu Lâu chính là khu vực dành cho cung tần mỹ nữ của vua. Vào thời Lê, hậu lâu có tên gọi là Tỉnh Bắc lâu, đến thời Nguyễn được gọi là Hậu điện. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, hậu lâu đã bị hư hỏng nặng và được chính người Pháp sửa chữa vì thế kiến trúc hiện nay của khu vực này thấp thoáng phong cách kiến trúc Pháp.
Một kiến trúc cũng rất đẹp và đã trở thành chủ để chính trên nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa đó chính là cửa Bắc hay còn gọi là Bắc Môn. Bắc Môn vốn là cổng thành chính của Hà Nội về phía Bắc. Khi người Pháp phá thành Hà Nội vẫn giữ lại cửa Bắc để làm đài quan sát, phô trương sức mạnh quân sự của mình, nhưng cũng may mắn vì lý do đó mà cửa Bắc còn được nguyên vẹn đến ngày nay.
Không chỉ có những điạ điểm tham quan hấp dẫn với kiến trúc độc đáo, quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội còn là một không gian tĩnh lặng giữa lòng Hà Nội. Bước qua khỏi cổng thành, du khách sẽ thấy như tách biệt khỏi nhịp sống hối hả của thành phố và hòa vào một không gian yên bình, tĩnh lặng. Diện tích rộng nên trong Hoàng thành có rất nhiều cây xanh, và những khu vực được quy hoạch để trồng hoa, cỏ mang đến cho quần thể di tích này không gian xanh vô cùng dễ chịu và thích hợp cho du khách tản bộ.
Hiện nay, Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ khách tham quan, du lịch. Nếu chưa một lần đến tham quan Hoàng thành Thăng Long, bạn nên dành thời gian đến đây để biết về một di sản văn hóa rất có giá trị của Việt Nam.
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận