04/07/2014 14:12 GMT+7

Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ

H.TRUNG
H.TRUNG

TTO - Phương Nam Book vừa phát hành sách Hoàng Sa - Trường Sa qua thư tịch cổ. Sách tập hợp những bài nghiên cứu công phu, chính xác và tỉ mỉ, giúp chúng ta nuôi dưỡng sự hiểu biết và tình yêu với hai mảnh đất ruột thịt này.

SFODMjsV.jpgPhóng to
Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ

Cuốn sách gồm 11 bài khảo cứu, phản biện liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Tư liệu dùng để khảo cứu có nhiều loại khác nhau, song trực quan nhất phải nói tới nguồn tư liệu bản đồ.

Trong bài thứ nhất, “Tư duy biển cả của Trung Quốc”, tác giả Đinh Kim Phúc dẫn chứng: “Khảo sát tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909, người ta thấy tất cả bản đồ cổ Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi cái gọi là quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc".

Đồng thời cuốn sách dẫn chứng hình ảnh cụ thể của 10 tấm bản đồ: bản đồ do các nhà hàng hải phương Tây vẽ, bản đồ Trung Hoa dân quốc năm 1936 được xuất bản bởi Sheng Bao, Đường Đại Cương Vực Đồ (bản đồ Trung Hoa dân quốc ấn hành dùng để giảng dạy trong nhà trường), bản đồ đời Tống vẽ trên đá, Đại Minh hỗn nhất đồ (vẽ trên vải lụa năm 1389, bản đồ cổ nhất Trung Quốc còn sót lại)…

Tất cả các bản đồ trên đều thể hiện cực nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Trong bài “Những phát hiện mới xung quanh tấm bản đồ thế giới của Matteo Ricci” , tác giả Đinh Kim Phúc cũng cung cấp cho ta những điểm thú vị xung quanh các phiên bản hiếm hoi của tấm bản đồ Ricci quý giá có tuổi đời hơn 400 năm. Qua đó càng khẳng định cương vực lãnh thổ Trung Hoa không hề bao gồm Trường Sa - Hoàng Sa.

Bên cạnh tư liệu bản đồ là nguồn tư liệu Hán - Nôm phong phú, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh cung cấp cho độc giả toàn văn hai châu bản (văn bản được vua ngự phê hay ngự lãm, có bút tích bằng mực son) của triều Nguyễn. Hai tác giả Nguyễn Đăng Vũ - Nguyễn Xuân Diện có bài viết “Khảo cứu tư liệu Lý Sơn” khảo cứu tỉ mỉ về một văn bản chữ Nho rất đặc biệt do gia tộc họ Đặng ở Quảng Ngãi cất giữ, có liên quan tới việc đi Hoàng Sa của tổ tiên; do nhận thấy đây là một văn bản quý giá góp phần chứng minh chủ quyền Hoàng Sa nên gia tôc họ Đặng đã thống nhất hiến tặng văn bản này cho Nhà nước.

Cuốn sách còn có sự tham gia của tác giả Hồ Bạch Thảo - một nhà nghiên cứu độc lập hiện sống tại Hoa Kỳ - với rất nhiều bài viết: Biển Giao Chỉ, Lãnh hải Trung Quốc dưới đời nhà Minh, Rà soát cái gọi là Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) trong Thanh sử cảo và Đại Thanh nhất thống chí toàn đồ… Những bài viết của ông thể hiện tư duy phản biện rạch ròi, giàu sức thuyết phục.

H.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên