Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza đã bán hơn 1.300 căn cho khách hàng, trong đó hàng trăm căn hộ vẫn đang được thế chấp tại ngân hàng - Ảnh: Hữu Khoa |
Dù đủ điều kiện và đã mua được nhà ở xã hội nhưng hàng trăm khách hàng tại dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (H.Bình Chánh, TP.HCM), do Công ty CP tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) làm chủ đầu tư, vẫn không vay được gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà.
Do đó, những khách hàng này buộc phải ký phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư để sử dụng hình thức trả chậm và chịu phạt lãi suất 6-12%. Đáng nói là phần lớn khách hàng này đang trả tiền mua các căn hộ chưa được giải chấp ra khỏi ngân hàng.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án này bày tỏ sự lo lắng về rủi ro mua phải căn hộ đã bị thế chấp tại ngân hàng.
Anh Phong, một khách hàng mua dự án nhà ở xã hội HQC Plaza, cho biết do không đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng, gia đình anh phải ký phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư được hưởng chính sách trả chậm khi mua một căn hộ 55m2 giá 734 triệu đồng tại dự án này. “Nhân viên Công ty Hoàng Quân nói rằng họ không có chức năng cho vay như ngân hàng nên ký thêm phụ lục hợp đồng trả chậm.
Theo đó, sau khi trả trước 20% lúc ký hợp đồng mua căn hộ, số tiền còn lại 530 triệu chủ đầu tư cho trả chậm 15 năm với lãi suất 6% trong 10 năm đầu và 12% trong năm năm còn lại. Sau khi biết căn hộ của tôi chưa giải chấp khỏi ngân hàng, gia đình tôi khá lo lắng vì nếu có xảy ra tranh chấp sẽ phải chịu rủi ro” - anh Phong nói.
Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza có quy mô hơn 1.700 căn hộ, đến nay đã bán được hơn 1.300 căn hộ, trong đó có 1.000 hồ sơ gửi qua ngân hàng làm thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng, có gần 600 hồ sơ được chấp thuận cho vay và chỉ mới 400 hồ sơ được giải ngân...
Theo xác nhận của chủ đầu tư, có khoảng 300 khách hàng không vay được gói 30.000 tỉ dù đã đáp ứng điều kiện để mua nhà ở xã hội và được chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ. Riêng những căn hộ của những khách hàng được chấp thuận vay gói hỗ trợ này đã được phía Hoàng Quân giải chấp. |
Trả lời chúng tôi, ông Trương Thái Sơn, phó tổng giám đốc HQC, cho rằng những căn hộ chưa được giải chấp khỏi Ngân hàng BIDV vì khách hàng còn vướng thủ tục vay của ngân hàng.
“Các khách hàng mua dự án nhà ở xã hội này đều đáp ứng chín điều kiện theo quy định, nhưng không chứng minh được điều kiện thu nhập nên chúng tôi đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng trả chậm.
“Theo quy định, những căn hộ chưa giải chấp vẫn được bán nếu ngân hàng và bên bán có sự đồng ý thỏa thuận” - ông Sơn nói.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị xem biên bản thỏa thuận với ngân hàng, phía HQC cho rằng chưa thể công bố biên bản này.
Trước thông tin HQC sử dụng khoản vay từ gói 30.000 tỉ đồng để cho khách hàng vay lại và hưởng chênh lệch lãi suất, ông Sơn cho biết số tiền vay từ gói 30.000 tỉ đã được công ty giải ngân 378 tỉ và đều chuyển thẳng vào hai nhà thầu chính. “Khoản tiền cho khách hàng vay trả chậm lấy từ số vốn tự có của công ty” - ông Sơn nói.
Theo một chuyên gia bất động sản, việc chủ đầu tư bán căn hộ chưa giải chấp là sai, do một sản phẩm được chủ đầu tư bán hai lần. Lần thứ nhất bán cho ngân hàng, đây là giao dịch bảo đảm và lần thứ hai bán cho khách hàng - giao dịch thương mại.
“Nhưng lần bán thứ hai khi chưa giải chấp, tài sản này vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của ngân hàng, nên khách hàng gặp nhiều rủi ro bởi ngân hàng nhận thế chấp toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm nếu xảy ra tranh chấp” - vị này nói.
Kiến nghị gỡ vướng gói 30.000 tỉ đồng Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh khái niệm người có thu nhập thấp để gỡ vướng trong việc xác định đối tượng người có thu nhập thấp đô thị tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo Horea, quy định người thu nhập thấp là người có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng) mới thuộc đối tượng vay gói 30.000 tỉ đồng, do Bộ Xây dựng ban hành, là chưa phù hợp. Bởi lẽ theo nghị định 71/2010 (điều 37) hướng dẫn thi hành Luật nhà ở, “người thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quy định của UBND cấp tỉnh”. Như vậy, Chính phủ đã giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định đối tượng thu nhập thấp cho phù hợp với thực tế từng địa phương, chứ không giao thẩm quyền này cho Bộ Xây dựng. Trong khi đó theo Horea, chính quy định chưa phù hợp của Bộ Xây dựng đã làm ách tắc việc xét duyệt và giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Đến nay, dù đã có 15 ngân hàng thương mại tham gia nhưng kết quả giải ngân chỉ mới đạt 20% là quá thấp, trong khi chỉ còn hơn một năm nữa gói hỗ trợ này sẽ hết thời hạn giải ngân theo quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận