30/01/2004 06:46 GMT+7

Hoàn cảnh cũng tạo ra con người

Phạm Thị Thanh Nga (Văn K26A - ĐH Sư phạm TP.HCM)
Phạm Thị Thanh Nga (Văn K26A - ĐH Sư phạm TP.HCM)

TT - Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9-1-2004, bạn Vũ Duy Thức cho rằng “người thành đạt thường ít đổ lỗi cho hoàn cảnh”. Theo tôi, việc khắc phục hoàn cảnh để vươn lên không chỉ là nhiệm vụ của mỗi sinh viên mà còn là nhiệm vụ của bất kỳ ai đang tồn tại trong cuộc sống này.

Tuy nhiên một người sinh trưởng trong môi trường thuận lợi, đầy đủ điều kiện vật chất thì bao giờ cũng dễ thành công hơn một người cùng khả năng nhưng xuất thân nghèo khó. Tôi nghĩ việc những sinh viên học tập ở VN than thở về sự thua thiệt của mình so với thế giới về môi trường học tập là điều có thể chấp nhận được.

Ở nước ngoài, bạn có niềm đam mê và biến đam mê của mình thành sự thật bằng khả năng cùng nhiều phương tiện hỗ trợ khác. Ở VN, muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học, bên cạnh sự thiếu thốn vật chất nói chung do nước ta còn nghèo thì khó khăn lớn nhất là phải thoát khỏi lối học kinh điển thầy đọc trò chép để trang bị cho mình khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đó là điều không dễ dàng, nhất là khi từ phổ thông đến đại học hình như chỉ tồn tại duy nhất cách dạy ấy.

Ở nước ngoài, hiện tượng những tiến sĩ dưới 25 tuổi là điều bình thường nhưng ở VN e hơi khó kiếm. Đi trên con đường quang bao giờ cũng dễ hơn đi trên con đường chưa khai phá. Vấn đề là phải có một tinh thần ham muốn khám phá cái chưa khai phá ấy. Và ta phải nhận thấy sự cố gắng của những người biết vượt lên được hoàn cảnh của mình là rất to lớn so với những người may mắn khác.

Tôi chưa bao giờ khuyến khích việc đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng tôi cũng không chấp nhận sự đánh đồng các hoàn cảnh với nhau. Và sinh viên muốn “là ai” trong tương lai cũng rất cần sự đầu tư hơn nữa trong môi trường học và chương trình giảng dạy dành cho họ, để họ có thể phát huy một cách tốt nhất phương châm “học như thế nào là tùy thuộc bản thân mình” mà bạn đã nêu rất đúng đắn.

Nhưng khi bạn muốn mình là ai, bạn có thể là người như thế...

Đông đảo SV trong chúng ta đang dễ dàng bằng lòng với chính mình, học và sống cầu an. Thực tế cho thấy nếu cứ nghĩ mình là một người bình thường với những tấm bằng trên tay, đi xin việc làm cho sớm an phận thì mãi mãi là người bình thường, thiếu cái khao khát làm điều gì đó to tát hơn cho bản thân và cho cả những điều khác. Phải chăng SV chúng ta cần được giáo dục: đừng bao giờ nghĩ rằng mình không đủ khả năng làm nên điều mới mẻ - như thế là tự đánh giá thấp mình.

SV cũng cần rèn luyện tinh thần của người dám đi qua những sáo mòn, trì trệ nếu có để tự tìm cho mình một hướng đi mà mình thật sự có sở trường và đam mê!

Phạm Thị Thanh Nga (Văn K26A - ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên