Những tàu cá đánh bắt xa bờ tại cảng Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn - Ảnh: LÂM THIÊN
Ông được bà con ở đây trìu mến gọi là "vua tàu cá" không chỉ vì bản thân ông sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ "khủng", mà vì tình yêu và tâm huyết đáng trân trọng của ông đối với biển đảo.
Xây dựng cơ ngơi hàng chục tỉ đồng từ hai bàn tay trắng
Nhà nghèo, từ nhỏ ông đã theo cha ra biển mưu sinh. Ông tự coi đó là "nghề gia truyền" ông cha để lại vì "ở quê tui đâu có ruộng đất để cày cấy. Muốn có cơm ăn, áo mặc phải ra biển đánh cá, bắt tôm. Đấy là cái nghề từ đời ông bà để lại tới nay", ông Sáu Ninh bộc bạch.
Năm 1981, sau khi đi lính tình nguyện ở Campuchia trở về, ông Sáu Ninh quay lại với chiếc thuyền giã cào để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, thuyền nhỏ, đánh bắt manh mún chỉ quanh quẩn gần bờ, ông nhận ra không thể nào vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Trong tâm trí ông, muốn làm giàu phải vươn khơi đánh bắt xa bờ. "Biển khơi mênh mông, ngoài kia cá lớn rất nhiều, mình phải ra đó mới đánh bắt được. Muốn giàu lên phải ra đó" - ông Ninh chia sẻ.
Ông Bùi Thanh Ninh (Sáu Ninh)
Tính đến nay, ông Ninh đã sở hữu 8 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng công suất hơn 6.000CV, trị giá hơn 40 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 80 lao động ở phường Tam Quan Bắc. Gắn bó với ông Sáu Ninh đã được 26 năm, từ hai bàn tay trắng, ông Võ Văn Gành (45 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc) hiện nay đã có nhà cửa khang trang, công việc ổn định.
Ông Sáu Ninh rất quan tâm những thuyền viên mới và có tâm huyết với nghề biển. Anh Võ Sử (40 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc) kể: "Tôi vừa được chú Sáu cho mượn 200 triệu đồng để cất nhà và không lấy lãi. Lâu nay nhà cửa tạm bợ khiến vợ con rất khổ cực, nhất là vào mùa mưa bão. Tôi không biết nói gì ngoài việc cảm ơn chú Sáu!".
Theo ông Sáu Ninh, tiền bạc cũng chỉ là vật ngoài thân, sẽ mất đi chứ không thể tồn tại, chỉ có tình người mới vĩnh cửu. "Tôi luôn nghĩ mình phải giúp được anh em ổn định cuộc sống để họ an tâm gắn bó bên mình" - ông Sáu Ninh trải lòng tâm sự.
Biển đảo là một phần máu thịt, không từ bỏ, không sợ hãi
Theo ông Sáu Ninh, trong hành trình 40 năm gắn bó với nghề biển, ông luôn tâm niệm biển đảo là một phần máu thịt của ông. Chính vì vậy, dù sóng gió hay bị uy hiếp, ông không bao giờ từ bỏ.
"Năm 2015, trong đội tàu của tôi, thuyền trưởng Nguyễn Sinh (trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) điều khiển tàu cá BĐ 96617 TS cùng 13 ngư dân trên tàu đã bị tàu sắt nước ngoài tấn công gây hư hỏng nặng. Tôi yêu cầu thuyền trưởng Sinh trấn an tinh thần các thuyền viên trên tàu, không được sợ hãi và báo với cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ để tàu được cập bến an toàn" - ông Sáu Ninh kể.
Cũng theo ông Ninh, từ sự việc năm đó, ông đã trang bị cho đội tàu của mình các thiết bị liên lạc thông minh để tiện theo dõi và ứng phó kịp thời khi tình huống bất trắc xảy ra. "Ở nhà, tôi chỉ cần mở điện thoại di động lên và quan sát.
Khi có bão hay sự cố, tôi trực tiếp hướng dẫn anh em ngoài kia ứng cứu" - ông Ninh nói. Ông cho hay thời gian tới sẽ tập trung đầu tư vào trang thiết bị hiện đại cho tàu của mình để nâng cao chất lượng đánh bắt.
Theo ông Đặng Hoài Tân - chủ tịch Hội Nông dân Bình Định, ông Bùi Thanh Ninh là ngư dân cần cù, chịu khó. Từ hai bàn tay trắng, ông gây dựng nên cơ ngơi lớn và giúp đỡ nhiều người thoát nghèo.
Ông Ninh đã nhiều lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. "Tôi rất mong từ tấm gương của ông Ninh, các nông dân khác sẽ học tập và vươn lên trong sản xuất kinh doanh, đánh bắt xa bờ để giúp nhiều người có được công ăn việc làm hơn nữa" - ông Tân mong muốn chia sẻ.
Mở hướng phát triển đô thị về phía biển
Các ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương sau chuyến đánh bắt xa bờ tại cảng Tam Quan - Ảnh: LÂM THIÊN
Theo ông Nguyễn Chí Công - phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, hiện nay toàn thị xã có hơn 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Thị xã Hoài Nhơn định hướng cho nghề đánh bắt thủy sản phải đảm bảo có trách nhiệm.
Theo đó, ngư dân khi tham gia đánh bắt xa bờ phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với sản phẩm khai thác được, cụ thể phải có xuất xứ nguồn gốc vùng biển theo nhật trình đi biển và tuyệt đối không xâm phạm lãnh hải nước ngoài.
Về phía chính quyền, để hỗ trợ ngư dân, thị xã đang xúc tiến kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến hải sản nhằm nâng cao giá trị hải sản đánh bắt được. Bên cạnh đó, vừa qua thị xã Hoài Nhơn được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.
Trên định hướng phát triển không gian đô thị theo mô hình "Một trục - hai cánh - bốn trung tâm", thị xã Hoài Nhơn tập trung quy hoạch, xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng các dự án công trình trọng điểm, mở hướng phát triển đô thị về phía biển.
Trong đó, "một trục" để xác định Hoài Nhơn phát triển là trục động lực chủ đạo Bắc - Nam. "Hai cánh" gồm cánh phía tây (khu vực đồi núi, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái…), cánh phía đông (khu vực nông nghiệp và vùng ven biển, phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao, công nghệ, cảng, du lịch biển...).
Hiện nay, Hoài Nhơn có những địa điểm có tiềm năng du lịch rất lớn như: La Vuông (Đà Lạt của Bình Định: một ngày có bốn mùa), Núi Chúa - nơi chúa Nguyễn dừng chân, bến Lộ Diêu - nơi tiếp tế cho tàu "không số", Bãi Co - một bãi biển đẹp hoang sơ…
Trong "bốn trung tâm" được xác định của đô thị Hoài Nhơn, trung tâm Bồng Sơn (Bồng Sơn, Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức) đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, dịch vụ thương mại…; trung tâm Tam Quan (Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo) là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch…; trung tâm mới ở khu vực Hoài Thanh Tây là trung tâm văn hóa lịch sử kết hợp khu ở mới; trung tâm mới ở khu vực Hoài Hương là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại và khu ở mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận