01/11/2014 10:15 GMT+7

​Hoa trắng đã thôi cài trên áo tím

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Sau một cơn đột quỵ, nhà thơ Kiên Giang trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vào 6g30 ngày 31-10, hưởng thọ 87 tuổi.

Lá thư đề ngày 28-10 gửi báo Tuổi Trẻ và lá thư đề ngày 26-10 gửi anh Nguyễn Văn Nam của tác giả Kiên Giang - Ảnh: T.T.D.
Lá thư đề ngày 28-10 gửi báo Tuổi Trẻ và lá thư đề ngày 26-10 gửi anh Nguyễn Văn Nam của tác giả Kiên Giang - Ảnh: T.T.D.

Thuở sinh thời, nhà thơ Kiên Giang từng tâm sự khi vừa hết lớp 12 ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm báo cho tờ Tiếng Súng Chống Địch ở chiến khu 9. Khoảng năm 1955, ông về Sài Gòn viết cho các tờ Dân Chủ Mới, Tiếng Chuông, Dân Ta, Dân Tiến...

Thơ của Kiên Giang được nhiều người yêu mến và thuộc nằm lòng cho đến ngày nay. Thơ của ông được báo giới ngày ấy nhận xét là bình dị, mộc mạc, chân quê Nam bộ.

Ông nổi tiếng với bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím, lấy cảm hứng từ mối tình đầu sâu đậm, trong sáng với cô nữ sinh xóm đạo vùng đất Tây Đô.

Bài thơ này sau đó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc và rất được công chúng yêu thích. Ông đã xuất bản các tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Lúa sạ miền Nam, Quê hương thơ ấu...

“Khán giả nhớ hoài”

Từ làm thơ, làm báo, Kiên Giang đã làm quen với sân khấu cải lương. Ông lấy bút danh Hà Huy Hà và đã viết nhiều tuồng rất nổi tiếng như: Người đẹp bán tơ, Con đò Thủ Thiêm, Người vợ không bao giờ cưới, Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa, Phấn lá men rừng, Dòng nước ngược, Trương Chi Mỵ Nương...

Trong đó, vở Người vợ không bao giờ cưới đã giúp NSƯT Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm danh giá và trở thành ngôi sao cải lương sáng rực thời bấy giờ. 

NSND Lệ Thủy, để đời với vai nàng Xuân Tự trong vở Áo cưới trước cổng chùa, chia sẻ: “Tôi từng đóng các vở diễn do chú Kiên Giang sáng tác như Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca, ca bài Hoa tím thôi cài trên áo trắng...

Có thể nói chú không viết nhiều tuồng như soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, nhưng dường như tuồng nào cũng ghi được dấu ấn khiến khán giả nhớ hoài. Vì chú là nhà thơ nên tuồng tích chú viết hay lắm, đậm nét trữ tình.

Đặc biệt là tuồng chú luôn ưu ái vai nữ, bao giờ vai nữ cũng nổi trội, bật hơn vai nam. Có lẽ bởi chú là người tình cảm, nội tâm sâu sắc. Trong công việc chú rất nhiệt tình, không phải thảy kịch bản ra là ai muốn làm gì thì làm.

Chú lúc nào cũng theo sát, góp ý và chỉnh sửa liên tục để kịch bản đậm đà thêm. Thương nhất là dù khó khăn nhưng chú chẳng bao giờ than nghèo kể khổ với ai.

Tánh chú lại rất quan tâm mọi người, ai gặp chuyện buồn hay biến cố gì đều điện thoại hỏi thăm, có khi còn làm bài thơ tặng để động viên tinh thần!”.

Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang trong một cuộc trò chuyện với PV Tuổi Trẻ - Ảnh: Tự Trung
Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Tự Trung

Hai lá thư cuối cùng

Ở tuổi xế chiều, cuộc sống nhà thơ Kiên Giang cũng gặp nhiều khó khăn, lại bệnh liên miên. Năm ngoái, sau cơn bệnh nặng lại chẳng may bị té gãy chân, ông về sống cùng con gái ở An Giang.

Chị Thùy, con gái ông, kể: “Cách đây mấy ngày đọc được thông tin sản phụ bị xe cán, thai nhi văng ra đường trên báo Tuổi Trẻ, ba tôi xúc động mạnh. Coi xong ông khóc sướt mướt. Nạn nhân là người Thoại Sơn, An Giang.

Ba hối tôi lãnh lương hưu để đem đến giúp gia đình người bị nạn. Lương hưu của ba được trên 3 triệu, tôi cũng phụ thêm cho tròn 5 triệu đồng. Sau đó, ba ngồi viết lá thơ gửi người chồng - nạn nhân Nguyễn Văn Nam”. 

Lá thơ viết ngày 26-10 tại Long Xuyên, ông kể lại tâm nguyện của học trò - soạn giả Hoa Phượng: “Nhớ lời tự thán của Hoa Phượng: Em viết nhiều tuồng cho mọi địa phương nhưng chưa trả nợ cho quê nhà.

Viết vở Sông dài là viết cho núi Sập, Thoại Sơn. Nếu em hóa kiếp trước thì anh Hai làm sao cho diễn vở Sông dài ở núi Sập. Nếu đồng bào Thoại Sơn còn đau khổ thì anh Hai nên vì em mà cứu giúp”. Một lời vậy thôi, từ năm 2006, mà ông nhớ.

Chị Thùy kể: “Tôi vô Bệnh viện Long Xuyên kiếm nạn nhân nhưng không gặp. Sau đó, nghe tin anh Nguyễn Văn Nam bị nặng phải chuyển lên Sài Gòn, ba tôi đòi lên thành phố, đến báo Tuổi Trẻ để nhờ chuyển tiền cho người bị nạn.

Tôi đã cản, nói sẽ xin số tài khoản của báo để chuyển tiền mà ông không chịu, tôi đành để ông đi một mình vì bận trông coi cậu em bị bệnh.

Lên thành phố, ông ở nhờ nhà người cháu tại cầu chữ Y. Tôi đâu có ngờ ba mới lên Sài Gòn buổi sáng 28-10, buổi trưa đã xảy ra biến cố rồi! Đưa vô cấp cứu, bác sĩ nói ông bị đột quỵ rồi hôn mê luôn”.

Chị Thùy trao cho Tuổi Trẻ thêm một lá thư. Thư cha chị viết vào đúng ngày hôm ấy, ngày 28-10, gửi báo Tuổi Trẻ, nơi đăng tin vụ tai nạn kinh hoàng.

Bức thư dang dở dài hai trang giấy, chưa kịp ký tên.Những dòng chữ mờ nhòe, viết vội như giành giật từng giây từng phút để kịp gửi trọn tâm tình của một người nghệ sĩ trước những cảnh đời bất hạnh...

Vĩnh biệt nhà thơ - soạn giả Kiên Giang

Kiên Giang - Hà Huy Hà được xem là soạn giả nổi tiếng cùng thời với NSND Năm Châu, NSND Viễn Châu, Quy Sắc và là thầy của cặp đôi soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng... Bên cạnh nhiều vở tuồng, ông cũng viết rất nhiều bài tân cổ giao duyên như: Trái gùi Bến Cát, Đội gạo đường xa, Ngồi trâu thổi sáo, Ánh đèn soi ếch, Trái tim cò trắng, Cô gái miền Tây...

Sau năm 1975, nhà thơ Kiên Giang làm phó đoàn cải lương Thanh Nga, làm việc tại phòng nghệ thuật sân khấu. Ông cũng từng là ủy viên ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM qua ba nhiệm kỳ.

Linh cữu của ông được quàn tại nhà tang lễ thành phố (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ tang do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức. Lễ viếng bắt đầu lúc 10g ngày 1-11. Lễ động quan lúc 7g ngày 2-11, sau đó đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Chánh Phú Hòa (Bình Dương).

Cúi chào anh Kiên Giang

Hồi tôi còn nhỏ lang thang ở đất Sài Gòn, làm hề trong các phòng trà ban đêm, ban ngày tôi... viết tin kịch trường về ca nhạc, cải lương và phim ảnh. Tôi vốn hâm mộ các ký giả - cái nghề lao động trí óc gần như suốt đời mà vẫn nghèo.

Các ký giả như anh Sơn Nam và nhà thơ - nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà là thần tượng của tôi. Lang thang khu Sài Gòn cũ, khu này có nhiều quán cơm Tàu, tôi thấy anh Kiên Giang với anh Sơn Nam đi ăn cơm thố, lạ chưa, thằng nhỏ bụi đời là tôi cứ đi sau lưng hai anh.

Tôi không làm thơ được nhưng khoái thơ của Kiên Giang. Mãi sau này, khi lăn xả vào nghề viết, tôi mới thật sự quen với anh - người mà tôi cứ đi tò tò sau lưng khi còn nhỏ.

Vài năm trước, HTV có ý làm một cuộc giới thiệu tôi và cuốn Tấm ván phóng dao, phóng viên hỏi tôi có quen thân với ai để nói về tôi không. Tôi tìm đến anh Kiên Giang, anh nói “với ai chớ với Can thì anh sẽ làm một bài thơ khi kể về cái đời trôi sông lạc chợ của em”.

Anh Kiên Giang không viết bài thơ đó, cho tới khi thu hình bên một dòng sông ở Q.6, anh kể về tôi chính xác, mắt anh rơm rớm rồi bỗng anh ngâm vang bài thơ xuất phát từ tấm lòng anh. Bài thơ làm tôi phát khóc.

Anh em tôi còn gặp nhau sau đó. Anh nói anh muốn tìm lại bài thơ đó nhưng do không chép ra giấy cho nên coi như mất rồi.

Anh Kiên Giang mất, vậy là anh đã mang theo qua cõi vĩnh hằng bài thơ mà anh rút ruột tả về tôi. Tôi - một kẻ phiêu lưu suốt đời như anh, và còn nữa là cứ trôi sông lạc chợ đúng như anh biết.

Xin cúi chào anh - nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà và xin hẹn gặp lại nơi anh tới trước. Khi đó, anh sẽ đọc lại bài thơ của anh về Mạc Can nha anh!

MẠC CAN

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên