Hoa cúc phơi khô pha trà có lợi cho sức khỏe - Ảnh: CHÂU ANH
Tuy nhiên, dù thế nào mùi thơm của hoa cũng khiến cho con người cảm giác sảng khoái, hưng phấn tinh thần, và khó ai biết rằng các hoạt chất từ hoa có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe.
Công dụng khác của hoa
Để có thể tận dụng các công dụng của hoa, hoa cần được phơi trong mát hoặc sấy nhẹ ở 50 độ C, giữ kín trong lọ để giữ mùi hương, nên dùng phương pháp hãm nước sôi hoặc đun sôi nhanh để tránh mất hoạt chất. Hoa được dùng để:
1. Ướp trà: mùi thơm của hoa giúp cho trà có hương vị đặc biệt, thơm ngon hơn như hoa lài, hoa ngâu, hoa sói, hoa sen, hoa sứ...Trà ngon dùng để đãi bạn hiền khách quý trong các dịp lễ tết.
2. Biểu lộ tình yêu: một đóa hồng có thể thay thế cho ngàn lời yêu thương gửi gắm cho người mình yêu quý, hoa đồng tiền biểu tượng cho tình bạn chân thành.
3. Chế hương liệu: tinh dầu trong hoa được chiết xuất để dùng trong kỹ nghệ nước hoa, dược phẩm, thực phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia, mỹ phẩm. Ngày nay các chị em phụ nữ còn tắm hoặc đắp da bằng các loại hoa tươi.
4. Làm thuốc: một tính năng đặc biệt của hoa giúp con người đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thanh xuân chính nhờ các thành phần hoạt chất chính có nhiều trong các loài hoa, đó là tinh dầu, sắc tố, flavonoid và vitamin.
Thuốc từ hoa
Hoa đào, tính bình, vị đắng có tác dụng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa trị chứng thủy thũng, đại tiểu tiện bí táo, bế kinh, sởi, đậu. Hoa đào tươi hoặc khô đều được dùng làm thuốc, nhưng hoa tươi, đặc biệt là loại mới chớm nở tốt hơn hoa khô. Tốt nhất là dùng ở dạng trà. Mỗi ngày 5g hãm trong nước sôi, thêm một ít mật ong và uống sáng sớm.
Đối với chị em phụ nữ, để làm hết các nếp nhăn trên da mặt có thể dùng nước sắc hoa đào rửa mặt. Hoặc là lấy hoa đào, nhân hạt bí đao nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa đi, các vết nhăn sẽ dần dần hết. Đối với những người da mẫn cảm, có nhọt lâu khỏi, mụn mủ đặc, có thể vừa trong uống ngoài thoa. Tuy nhiên phụ nữ có thai không nên dùng, vì thuốc gây hưng phấn tử cung.
Hoa cúc gồm bạch cúc và kim cúc
Bạch cúc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt, chữa phong nhiệt cảm mạo, đau đầu, tăng huyết áp, chóng mặt nhức đầu, mắt đỏ sưng đau, chảy nước mắt. Liều dùng thông thường dưới dạng trà thuốc là 8-12g. Có thể phối hợp thêm hoa hòe sao vàng, thảo quyết minh sao đen cùng lượng, sắc với 300ml nước, còn 200ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Dùng tươi giã nhỏ đắp vào chỗ đau hay mụn nhọt, ghẻ lở.
Kim cúc vị đắng, cay, tính hơi ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ có sưng, đau đầu chóng mặt, chữa cảm sốt, cúm, viêm mũi dị ứng, viêm da có mủ, viêm tuyến vú, hoa mắt, huyết áp cao, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều. Mỗi ngày 12-16g, dùng riêng hoặc có thể dùng thêm sắn dây sắc uống chữa cảm sốt nhức đầu, hoặc thêm kim ngân, bồ công anh cùng lượng sắc uống chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, giã lấy xác đắp lên chỗ viêm sưng.
Hoa vạn thọ vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng tiêu viêm, long đờm. Mỗi ngày 5-10g hoa khô hãm nước sôi uống. Để chữa ho gà dùng bài thuốc gồm hoa vạn thọ 15g, đường phèn 10g. Sắc lấy 150ml chia 3 lần uống trong ngày uống liền 3-5 ngày.
Hoa hồng có nhiều... vitamin
Cánh hoa hồng chứa nhiều vitamin C, carotene, các loại vitamin nhóm B và vitamin K. Các chất khoáng cũng có nhiều trong cánh hoa hồng. Chúng còn chứa nhiều canxi nên giúp cơ thể trao đổi chất tốt và giúp tiêu hóa các loại thức ăn. Kali trong hoa hồng cũng có vai trò quan trọng cho hoạt động của tim, đồng thời giúp chống lại bệnh ho ra máu và cải thiện các tuyến nội tiết. Iốt tốt cho tuyến giáp cũng được phát hiện có trong cánh hoa hồng.
Từ xa xưa người ta đã biết sử dụng hoa hồng như một loại dược phẩm nhờ các tác dụng tốt trong y học. Sau khi ngắt những cánh hoa này, mang đi sao hoặc sấy khô hay sử dụng ngay để điều trị bệnh, không được rửa vì khi rửa sẽ làm mất hết những thành phần chữa bệnh của cánh hoa. Tinh dầu hoa hồng có tác dụng kích thích và cân bằng hệ miễn dịch và hệ thần kinh, tăng cường hoạt động của các tuyến nội tiết, giúp tiêu hóa tốt và chống lại các vi khuẩn gây rối loạn đường ruột.
Hoa sứ (hoa đại) cũng dùng ướp trà, tinh dầu hoa sứ có mùi thơm nhẹ, ở dạng nước sắc có tác dụng hạ huyết áp, tác dụng này xuất hiện nhanh và tương đối bền vững, hoa đại không độc, mỗi ngày 30-60g sắc lấy 300ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Hoa đại còn chữa ho, mỗi ngày 6-12g, sắc lấy 200ml chia nhiều lần uống trong ngày.
Hoa lài còn gọi là hoa nhài. Theo y học cổ truyền hoa lài có tính ấm, tác dụng điều hòa hệ gan mật, tiêu hóa, giảm đau, giải cảm... Hoa lài thêm tim sen (5g) chữa mất ngủ. Chữa mụn nhọt bài trà hoa lài, bồ công anh, kim ngân hoa, cam thảo đất (15g) đem nấu nước và uống nhiều lần trong ngày. Thêm hoa hòe, kim cúc và hoa đại (10g) chế thành trà hạ huyết áp.
Hoa sen ngoài vẻ đẹp tinh khiết, bình dị, gần gũi với mỗi con người, còn ẩn chứa nhiều tính năng kỳ diệu trong các liệu pháp trị bệnh và làm đẹp. Mỗi bộ phận của cây sen đều có tác dụng riêng hoặc để chế biến thành những món ăn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Ngày nay người ta ứng dụng hoa sen trong liệu pháp làm đẹp. Chẳng hạn, ngâm cánh sen trong bồn tắm để tăng thêm nguyên khí, giúp tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, tinh dầu của sen còn dùng dưỡng da, để loại bỏ các tế bào chết và massage giúp lưu thông khí huyết...
Dùng đúng liều, đúng cách
Theo y học cổ truyền, các loại hoa đều có tính vị riêng và cho tác dụng ở các kinh lạc khác nhau trong cơ thể. Dùng đúng cách đúng liều thì tác dụng tốt cho cơ thể, phòng bệnh, chống lão hóa, giúp trẻ lâu, cách đơn giản nhất chính là tự chế thành trà, dễ uống và còn giữ được mùi thơm, tuy nhiên cũng cần chú ý một vài điều sau đây:
- Những loại hoa có tính vị đắng lạnh (hòe, nhài) không nên dùng cho người sợ lạnh, kém ăn, đau bụng, đại tiện lỏng, phân nát.
- Hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, phá huyết, khử ứ (đào, hồng) không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh, có thể gây sẩy thai hoặc rong huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận