Henry Fraser - họa sĩ trẻ người Anh vẽ bằng miệng - Ảnh: Twitter của Henry Fraser |
Trên trang web cá nhân tại địa chỉ Henryfraser.org, Fraser kể lại tai nạn kinh hoàng đã làm cuộc đời cậu hoàn toàn thay đổi. Năm 2009, trong kỳ nghỉ cùng bạn bè tại Bồ Đào Nha nhân kết thúc kỳ thi AS, khi lặn, Fraser bị đập mạnh đầu vào đáy biển và hoàn toàn mất cảm giác từ hai vai trở xuống.
Bất kể việc được cấp cứu kịp thời ở Lisbon, rồi sau đó chuyển về bệnh viện ở Stoke Manderville của Anh, Fraser vẫn phải chấp nhận sự thật là bị liệt từ vai trở xuống.
Ba năm trước, chàng trai người Anh này bắt đầu học cách vẽ bằng miệng. Đó là lần Fraser bị bệnh và buộc phải nằm một chỗ trên giường mà không được ngồi xe lăn như bình thường.
Buồn chán, Fraser mày mò ra một ứng dụng vẽ trên chiếc iPad và thử vẽ bức tranh đầu tiên - chân dung nữ diễn viên người Anh Audrey Hepburn. Việc này đem lại một cảm giác đặc biệt thích thú với Fraser.
Sau đó, khi đã có thể ngồi lại xe lăn, Fraser bắt tay ngay vào việc vẽ trên giấy với chiếc bút chì ngậm ở miệng. Từ bút chì, cậu chuyển sang màu nước, chỉ với cây cọ có gắn một chiếc kẹp nhỏ ở phần cán để ngậm vào miệng, Fraser say sưa học cách biểu đạt xúc cảm trên giá vẽ.
Người nhà giúp Fraser có một giá vẽ đặc biệt đặt trên chiếc bàn ăn. Fraser sẽ mang tất cả cọ vẽ đã được chuẩn bị để có thể ngậm vào miệng dễ dàng.
Sau đó Fraser được đẩy tới trước giá vẽ ở một khoảng cách phù hợp. Bên dưới giá vẽ là khay đặt nước và bảng pha màu. Cộng với một vài tấm vải lớn lót bên dưới và một miếng vải quàng qua cánh tay để Fraser lau khô bút khi muốn đổi màu vẽ, thế là xong, có thể bắt tay vào việc.
Henry Fraser thích nhất được vẽ trong một căn phòng nhiều cửa sổ và tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Vừa vẽ Fraser vừa mở radio, những kênh chủ yếu phát các chương trình âm nhạc để có thể thả hồn cùng các giai điệu trên giá vẽ. Fraser tự nhận thấy mình vẽ tốt nhất là lúc giữa ngày vì khi đó có thể ngồi vẽ liên tục 4 - 5 giờ. Bởi một khi đã ngồi vào vẽ, Fraser không muốn dừng lại giữa chừng.
Tất cả các bức vẽ của Fraser đều có một kích thước giống nhau là khổ giấy A3. Đơn giản vì cậu có những hạn chế riêng về cơ thể, không thể rướn người quá xa khỏi ghế. Ngay cả với chất liệu vẽ, ngoài chì, Fraser cũng chỉ có thể sử dụng màu nước vì đó là chất liệu cậu dễ rửa bút để thay đổi màu vẽ.
Với Fraser, cảm hứng hội họa đến từ bất cứ đâu trong đời sống, ngay cả khi đang xem tivi hay đang lướt web. Mỗi khi thấy một con vật hay một hình ảnh nhân vật nào đó thú vị, Fraser sẽ dành thời gian tìm hiểu chúng một cách đa chiều nhất, sau đó mới bắt tay thể hiện. Những bức vẽ đầu tiên thường là những con người đang tham gia hoạt động thể thao.
Fraser đã vẽ chân dung của những ngôi sao thể thao như vận động viên điền kinh người Jamaica Usain Bolt, các ngôi sao quần vợt Roger Federer và Andy Murray, ngôi sao bóng đá Thierry Henry và David Beckham...
Nhờ mạng xã hội, Fraser đã có cơ hội nhận được phản hồi trực tiếp từ những người mà mình đã vẽ, như trò chuyện với nhà văn J. K. Rowling trên Twitter sau khi vẽ một bức tranh về Harry Potter. Fraser cũng đã được gặp danh thủ David Beckham trong một sự kiện do báo The Times (Anh) tổ chức.
Với Fraser, “nghệ thuật phải là tác phẩm của riêng bạn, nó phải là cái bạn muốn làm”.
Và cứ cần mẫn miệt mài như vậy, chỉ một năm sau khi bắt đầu học vẽ bằng miệng, Henry Fraser đã có được triển lãm đầu tiên của mình với 46 tác phẩm diễn ra ngày 9-7-2016 tại khách sạn Grove ở thị trấn Watford, hạt Hertfordshire, Vương quốc Anh.
Trải nghiệm biến cố khủng khiếp trong đời người và sau những nỗ lực ban đầu theo đuổi nghệ thuật, chàng trai trẻ tâm sự: “Chẳng có hại gì khi bạn thử làm mọi việc. Trước khi bị tai nạn, tôi từng luôn từ chối những cơ hội đến với mình. Nhưng giờ thì tôi luôn thử mọi thứ. Nếu việc đó không ổn, cũng tốt thôi. Miễn là tôi có thể nói là: tôi đã thử làm điều đó rồi”.
Kể từ năm 2014, Fraser trở thành diễn giả thường xuyên được mời tới nói chuyện tại các diễn đàn truyền cảm hứng cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và thể thao.
Fraser chia sẻ: “Điều mà tôi ghét nhất trong đời mình là đứng nói trước mọi người. Nhưng đó cũng là lý do để tôi thích làm việc này, nó là cách khiến tôi phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Cứ mỗi lần hoàn thành một cuộc nói chuyện, tôi lại cảm thấy mình mạnh mẽ hơn một chút”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận