12/03/2006 11:18 GMT+7

Họa sĩ Phan Bảo: "Sợ nhất là nhận lầm lịch sử"

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Tại xưởng vẽ của ông trên đường Lê Hoàn, TP Thanh Hoá, ông đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện cởi mở thâu đêm.

ek8T2XCD.jpgPhóng to
Hoạ sĩ Phan Bảo

* Thú thực, tôi vẫn chưa biết là nên gọi ông như thế nào, hoạ sĩ hay nhà sử học?

- Đừng gọi là nhà sử học, tôi chỉ là hội viên hai hội, Hội Mỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử. Tôi là một hoạ sĩ chuyên nghiệp, sống bằng hội hoạ. Còn về lịch sử, đó là niềm đam mê của tôi. Lúc đầu, tôi tìm hiểu lịch sử để vẽ một số đề tài quá khứ, những đề tài mà tôi cho rằng có thể bộc lộ được bản lĩnh dân tộc ta, sau đó té ra chỉ tìm hiểu không thôi là chưa đủ, phải nghiên cứu, bởi vì không ít những kiến văn lịch sử mà mình được biết chưa chuẩn xác.

Vả lại, nguyên quán tôi là Thanh Hoá, ở xứ Thanh suốt hơn năm mươi năm mà không thông thuộc chút ít lịch sử mảnh đất địa linh nhân kiệt này thì thật chẳng ra sao!

* Và vì thế ông đã được báo chí gọi là nhà "Thanh Hoá học"? Tôi nhớ có lần ông từng nói rằng Thanh Hoá chính là "sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc"?

- Người nhận định về Thanh Hoá như vậy là ông học giả người Pháp Le Breton từ những năm ba mươi của thế kỷ trước trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch của ông. Ông này còn viết cả một cuốn La Province de Thanh Hoá (Thanh Hoá tỉnh chí) nữa. Ông viết rằng: "Thanh Hoá là sân khấu của những bản anh hùng ca của đất An Nam", "Thanh Hoá luôn luôn là mảnh đất thiêng để duy trì những hoài bão của giống nòi"... Đó là người Pháp nói, mà thực ra cũng là thừa nhận một cách hiện đại ý tứ của các cụ sử gia chúng ta ngày xưa đấy chứ.

Nói đến di sản Thanh Hoá, người ta chỉ nhắc đến Lam Kinh, thành Nhà Hồ, phủ Trịnh, đền Bà Triệu... trong khi còn vô vàn di sản quý giá khác chưa được khai thác, ví như di sản văn hoá Hán Nôm.

Là đất lập nghiệp của nhiều triều đại từ Tiền Lê, nhà Hồ, Lê Sơ, Lê - Trịnh đến triều Nguyễn, thử hỏi ở đâu trong đất nước này có nhiều bia, lớn và quý như ở đây (đấy là theo Viện Hán Nôm). Trước nay người ta vẫn công nhận bia Vĩnh Lăng là lớn nhất nước. Nhưng không, ở Vĩnh Lộc có tấm bia của Phùng Khắc Khoan khắc còn lớn hơn, đó là một hòn đá tự nhiên vuông bốn mặt.

Lớn hơn nữa là bia Lê Thời Hải với chiều ngang đến 5,4m, cao 2m, dày đặc chữ ở cả hai mặt; bia nói về một ông quận công mà do cả ba ông trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa cùng xúm vào viết. Thời gian nước chảy đá mòn, nếu không dập lại, giữ lại để nghiên cứu chúng ta sẽ mất đi những di sản quý báu...

* Có vẻ như ông là người địa phương chủ nghĩa?

- Là địa phương chủ nghĩa khi nào thực thi được tư tưởng: "thà cai quản một nơi chỉ 500 hộ dân mà có đạo nghĩa còn hơn là đứng đầu một nước 5000 cỗ xe mà vô đạo nghĩa". Tôi chỉ tập hợp lại có hệ thống những sự thật lịch sử.

Thử suy nghĩ đơn giản thế này: Thanh Hoá có nhiều di chỉ khảo cổ cho thấy đầy đủ các giai đoạn tiền sử, từ thời Đồ đá cũ (Núi Đọ ở Thiệu Hoá, Quan Yên ở Yên Định) cách nay gần 30-40 vạn năm, qua Đồ đá mới (Đa Bút ở Vĩnh Lộc) cách nay hơn 7 nghìn năm, đến thời Đồng sắt (Đông Sơn ở thành phố Thanh Hoá) cách nay xấp xỉ 3.000 năm, thế thì Thanh Hoá có một nguồn gốc chủng tộc riêng.

* Tên đầy đủ: Phan Thế Bảo.

* Sinh năm 1949.

* Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

* Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

* Thành viên Tổ Tư vấn Khoa học lịch sử - khảo cổ Thanh Hoá.

* Giải C Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980, giải Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1985...

* Đã in "Thanh Hoá trong tay bạn", "Lịch sử và mỹ thuật" và nhiều bài viết về lịch sử mỹ thuật và lịch sử Việt Nam.

Đến thời sơ sử, Thanh Hoá là 1 trong 2 thành phần cấu tạo nên lãnh thổ của An Dương Vương cách nay hơn 2 nghìn năm, tức là Cửu Chân, thế thì Thanh Hoá đã là một cương vực có chủ quyền. Qua một nghìn năm đất nước ta nô lệ phương Bắc, nằm trong lòng Trung Quốc, là một quận của họ.

Đến thế kỷ thứ X, với Dương Đình Nghệ, với Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, sau này là Lê Lợi... chúng ta mới thực sự giành lại được nền độc lập của chúng ta. Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi... là ai? Họ đều là con em Cửu Chân. Le Breton nói "Thanh Hoá là cái nôi của nhiều vị cứu quốc, cứu nước Đại Việt" là với ý đó.

Tôi đọc thấy trên khuôn mặt vốn trầm tĩnh của ông niềm hãnh diện về mảnh đất mà ông được sinh ra, được nuôi dưỡng và được chiêm nghiệm những trang sử thật hiển hách. Ông được đào tạo là một hoạ sĩ, hẳn rồi, nhưng tôi biết niềm đam mê lớn hơn cả của ông lại dành cho lịch sử.

Với tôi, ông không nhận mình là nhà sử học mà chỉ đơn thuần là người học sử. Ông học sử để vẽ tranh lịch sử "cho ra hồn", một thể loại tranh hội họa (history painting). Đó là điều kiện bắt buộc của một hoạ sĩ, không thể vẽ những gì không nhìn thấy hoặc không hình dung nổi... Có phải vì thế chăng, có nhiều khi, ông nhìn thấy những điều ít ai nhìn thấy...

* Xin hỏi ông với tư cách là thành viên Tổ tư vấn khoa học lịch sử, khảo cổ của tỉnh. Ông có băn khoăn gì về việc gìn giữ, tôn tạo di tích ở xứ sở dày đặc chứng tích lịch sử này?

- Đáng tiếc là chúng tôi chưa làm được nhiều. Đơn cử như cái thành Nhà Hồ. Thành mỗi cạnh chỉ hơn 1 cây số, mắt có thể bao quát được hết như nhìn vào cái mâm. Tuy nhiên, thành Nhà Hồ là chứng tích vĩ đại về kỹ thuật xây dựng thế kỷ XIV (1397). Khối lượng đào đắp của thành gần đúng bằng khối lượng đào đắp của kim tự tháp khổng lồ Kheops ở Ai Cập, trong khi Kheops được xây dựng trong 20 năm thì thành Nhà Hồ chỉ xây trong... 3 tháng. Đó là bí mật lớn nhất, là câu hỏi lớn nhất về kỹ thuật xây dựng ở Việt Nam thế kỷ XIV.

Dự định tôn tạo thành Nhà Hồ (như một số ý kiến hiện nay) là rất buồn cười, chẳng hạn đã từng làm bằng cách dùng những phiến đá nặng năm bảy chục kilôgram vá víu thay cho những tảng đá nặng hàng tấn, rồi chặt cây, cạo rêu, đắp đất trên thành. Chính vì điều bí mật thành Nhà Hồ được xây chỉ trong 3 tháng cho nên theo tôi, có lẽ nghiên cứu được điều bí mật đó rất khó. Còn nếu tôn tạo theo cách xây mới lại bằng kỹ thuật hiện đại khác gì mang cái trống đồng Đông Sơn ra mà hàn gò lại, đánh bóng lại cho mới, cho hiện đại!

* Vậy còn Lam Kinh - một địa chỉ giành được sự quan tâm rất lớn trong nhiều năm qua của dư luận không chỉ ở tỉnh Thanh?

- Cái mà chúng ta vẫn gọi Lam Kinh là một sự nhận lầm, một sự nhận lầm tai hại. Đó chỉ là một khu lăng mộ chứ không phải kinh thành. Nên gọi là khu di tích Vĩnh Lăng.

* Ông đang đề cập đến một vấn đề vô cùng nhạy cảm đấy. Và, thậm chí nó còn liên quan đến chủ trương của Nhà nước về việc tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh. Vậy nếu di tích đó không phải là Lam Kinh như ông nói thì có gì thay đổi về nội dung công việc tôn tạo hay không?

- Theo tôi, nhất định phải có những thay đổi căn bản bởi vì: Một khu lăng miếu so với một khu kinh thành có những khác nhau căn bản. Bản chất của sự khác nhau này là tầm thiêng liêng và quy mô công năng trong mỗi công trình.

Đối với Lam Kinh - một kinh thành danh dự (honoraire citadelle), hay đối với Vĩnh Lăng - một khu lăng miếu các hoàng đế (tombeau et temple du roi), chủ yếu chúng ta cần phải tôn tạo chính vì tầm thiêng liêng của ý thức độc lập dân tộc quật cường được tượng trưng bằng hương hồn Lê Thái Tổ và nghĩa quân Lam Sơn, thứ yếu mới là vì một diện mạo của một triều đại.

Nhưng mà, khu Vĩnh Lăng lại là một di chỉ có giá trị khảo cổ học, theo Công ước Naga - một công ước quốc tế về can thiệp kiến trúc đối với các di tích lịch sử, chỉ nên tôn tạo các công trình đã mất mát gần hết bằng cách suy luận ở trong nhà trưng bày, còn di chỉ thì giữ nguyên và bảo vệ tốt vì mục đích nghiên cứu khoa học.

* Theo ông, có 2 chứ không phải 1 di tích đều thiêng liêng như thế? Bây giờ chúng ta đã biết và đang tôn tạo Vĩnh Lăng, còn Lam Kinh thì ở đâu?

- Chưa biết rõ chính xác ở đâu, nhưng dù sao cũng không thể lẫn lộn Vĩnh Lăng với Lam Kinh được. Nhất định phải tôn tạo đúng đắn Vĩnh Lăng trước mắt, rồi một ngày nào đó sẽ tôn tạo Lam Kinh thật huy hoàng.

Tôi tin rằng sẽ tìm được Lam Kinh, hiện nay đã có một vài dấu hiệu, tìm thấy rồi thì đó chính là nơi hành hương của nhân dân ta nhớ về tinh thần tranh đấu dựng nước và giữ nước gian khổ và anh dũng.

Riêng Vĩnh Lăng, cần phải từ bỏ hình dung bấy lâu về một kinh thành để cố gắng hình dung ra một khu lăng miếu. Nói thẳng ra, những suy diễn về một kinh thành là chẳng dính dáng gì vào đây cả.

* Nghĩa là việc tu bổ, tôn tạo từ trước đến nay ở đây là sai?

- Không những sai mà còn là phá hoại. Xây cái mới bịa tạc đè lên nền móng cũ không phải phá hoại thì là gì? Vĩnh Lăng hiện đang được trang điểm loè loẹt như chợ búa, như công viên; hồ và khe, cầu bây giờ trông như công trình thuỷ lợi bêtông cốt sắt ốp đá cả; hằng năm lại gây lễ hội cực kỳ ầm ĩ nữa.

Thời cổ, không hề có lễ hội nào ở lăng miếu cả. Tôi lại cho rằng có thể đáp ứng nhu cầu hành hương về cội nguồn của nhân dân và nhu cầu tham quan của du khách bằng cách xây dựng một Nhà Bảo tàng Lam Sơn, trong đó phục dựng bằng mô hình các điện miếu nói trên, tỉ lệ thậm chí to bằng thật cũng không sao...

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên