Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Người thích hoa tàn
Nữ họa sĩ từng tốt nghiệp xuất sắc khoa sơn dầu (Trường ĐH Mỹ thuật quốc gia Kiev, Liên Xô) này được đánh giá là một trong những người vẽ chân dung hàng đầu VN.
Dù là tranh phong cảnh hay chân dung, nét vẽ của bà luôn dung dị mà thanh thoát, hồn hậu mà sắc sảo, uyển chuyển trong mạnh mẽ. Bàng bạc chút u lạnh và khắc khoải; sắc màu rất riêng đó tạo nên chất thơ, chất lãng mạn và hiện thực trong tranh Kim Bạch. Bởi thế nên tranh bà luôn có sức gợi cao, đọng lại những sâu lắng và suy tư trong lòng người thưởng lãm.
Nhưng phảng phất khắp tác phẩm của Kim Bạch là sự vắng lặng, cô đơn, là nét u buồn. Đó là một ngày biển vắng, chỉ có những chiếc thuyền nhỏ nằm úp trên bãi cát không bóng người; là vài ba nhành hoa lau oặt mềm trong trời chiều đỏ lửng hay một thân cây lẻ loi giữa sông núi xa mờ...
Có lẽ ít ai có sở thích lạ đời như nữ họa sĩ: rất thích hoa tàn! Phòng khách treo hai bức tranh hoa tàn. Trong nhà ở đâu cũng có những lọ hoa tàn. Tàn đến khô cong, đến cả màu sắc nguyên thủy cũng bay đi, để lại những cánh hoa xám đen, nâu trầm. "Hoa tươi thì bao nhiêu vẻ đẹp đều phô hết ra ngoài. Tàn khô có cái đẹp riêng của tàn khô: nhuần nhị, thâm trầm, sâu kín", đôi mắt nữ họa sĩ bỗng trở nên trầm tư, xa diệu vợi.
Sự cảm nhận về cái đẹp riêng đó được gửi gắm bằng cả tâm hồn vào Sen tàn, Hoa tàn, Hoa hồng tàn, Tĩnh vật sắc vàng... khiến người xem phải giật mình, thảng thốt. Bởi đằng sau những bông hoa úa tàn, cong khô ấy lộ ra một cái tôi nặng trĩu tâm tư...
Nếu gặp được người mình yêu...
Lê Thị Kim Bạch từng là chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật VN (1994-1999). Tại triển lãm lần này (mở đến 22-8-2007, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), họa sĩ Kim Bạch đã tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ 19 tranh chân dung. |
Những mốc thời gian, những địa danh trong tranh đã nói lên quá trình lao động đầy tâm sức, bền bỉ của nữ họa sĩ: Ngư dân Hải Hậu (1968), Làng xóm Sóc Trăng (1989), Ngõ xóm Tùng Dinh (Cát Bà, Hải Phòng, 1990), Bản Mổ (Hòa Bình, 1997), Bến sông Chương Mỹ (Hà Tây, 1999)...
Nữ họa sĩ bảo: "Chỉ đến khi nào chết mới biết chuyến đi nào là cuối cùng. Chỉ đến khi nào không đủ sức cầm cọ nữa thì mới thôi vẽ. Với tôi, vẽ như là ăn, như là uống, như là hơi thở của mình".
Thế nên, 70 tuổi, nữ họa sĩ vẫn dạt dào nguồn mỹ cảm. 70 tuổi, bà vẫn một tuần hai lần đón xe buýt đến Trường ĐH dân lập Văn Lang giảng dạy. "Sáng tác và giảng dạy là hai niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Mình có kiến thức, có kinh nghiệm mà không dạy thì phí quá” - lão họa sĩ giải thích.
Thế hệ học trò của bà nhiều người đã thành danh. Danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục... là những ghi nhận cho hàng loạt đóng góp quan trọng của bà trong việc đào tạo các thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Với nữ họa sĩ sinh ra ở Long An, lớn lên trên đất Sài thành này, vật chất như phù du. Nhiều người VN và cả nước ngoài tìm đến tận nhà xin mua tranh, bà từ chối. Lý do của bà thật giản dị nhưng là tấm lòng sâu nặng với quê hương: "Chừng nào chưa triển lãm ở thành phố quê hương tôi (TP.HCM) thì tôi chưa muốn bán". Những ai yêu mến bà đều hiểu với bà thì tranh đã là máu thịt, là con cái. Bà không muốn những đứa con của mình bị thất lạc.
"Con của cô có ai theo hội họa không ạ?".
Nữ họa sĩ đang mấp máy môi. Chợt im bặt. Để dài cả một khoảng lặng... Rồi họa sĩ cười (dường như mỗi lần chạm đến điều gì đó sâu thẳm trong tâm hồn, họa sĩ lại cười), buông rơi rành rõ từng từ: "Tôi không có gia đình!".
Hai ngôi nhà, một ở Quán Sứ (Hà Nội), một ở TP.HCM, đều dài ngun ngút. Đều chỉ có tranh và... một người. "Có tranh xung quanh mình nên tôi không thấy cô đơn. Làm được điều mình thích, mình đam mê là hạnh phúc rồi. Nhiều người nói rằng tôi hi sinh vì nghệ thuật. Điều đó không đúng. Vì nếu gặp được người mình yêu thì không chừng có thể bỏ cả nghệ thuật đấy chứ", họa sĩ bật cười. Tiếng cười không trong veo... Người nghe chợt thấy sắc úa nâu của những cánh hoa tàn, thấp thoáng trong nụ cười ấy...
Có một Nỗi đau
Người phụ nữ cong mình quì xuống nền đất như chực đổ gục, hai tay nâng niu bó cúc trắng đặt lên vai; khuôn mặt nghiêng nghiêng, thẫn thờ đến vô hồn; mặt đất líu ríu nắm chân nhang tàn... Trăng mỏng manh, lặng lẽ khuyết nơi cuối trời... Đất lầm lì. Vòm trời thì quá nhỏ. Bởi chênh chao những cơn sóng đang cuộn xoáy dữ dội trong tâm thức con người. Nỗi đau (ảnh), tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001 của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, rất ít chi tiết nhưng đầy sức gợi. Sắc trắng thanh khiết của vài bông lau, của cúc, của trăng càng tôn lên nỗi u uẩn, trĩu nặng trong lòng người. Khi nỗi đau, đau đến lặng câm, sẽ không còn nước mắt, không còn thét gào, thì bao dồn nén và chịu đựng chất chồng lên mắt, môi, dáng hình đã nói lên tất cả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận