15/04/2009 05:01 GMT+7

Họa Hoạ sĩ thiên tài

ĐỒ BÌ 
ĐỒ BÌ 

TTC - Báo Tuổi Trẻ Cười ra đời cách đây 25 năm trước. Trên bước đường trưởng thành, tờ báo có được một đội ngũ họa sĩ biếm họa tài năng mà bạn đọc đã quen với bút danh như Ớt, Nhốp, Nguyễn Tài, Nop, Nguyễn Hữu Đức, Nhím, DAD, Lap, Lê Quang, Zara...

eeoxMVKp.jpgPhóng to

Những họa sĩ này xuất thân rất bài bản: Ớt là trung tá an ninh, nhà báo chuyên nghiệp; Nhốp là họa sĩ nhà báo chuyên nghiệp; Nguyễn Tài là nhà sản xuất phim hoạt hình; Đức là tiến sĩ dược khoa; Nhím là kỹ sư vi tính; DAD là kiến trúc sư; Nop là họa sĩ chuyên nghiệp... <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tuy vậy, những họa sĩ chân chính trên đây đã thú nhận với tôi rằng tài năng của họ có hạn, còn thua xa những họa sĩ thiên tài khác. Những họa sĩ thiên tài đó không cần biết hội họa là gì, không học đại học mỹ thuật hay đồ họa vi tính, chưa hề tổ chức triển lãm hay tham gia triển lãm tranh nhưng đang có mặt đều khắp trong các bộ, ngành, ban bệ. Họ ngồi trong phòng máy lạnh và chỉ cần một trí tưởng tương phong phú, đã “vẽ” nên những tác phẩm vô tiền khoáng hậu khiến nhân dân nhảy dựng.

Một ngành nọ đưa ra những tiêu chí để “được” đi xe gắn máy, trong đó giới hạn ai thấp bé, nhẹ cân thì không được phép chạy xe. Lý tưởng nhất của ngành ta là các hoa hậu, hoa khôi, người mẫu mới nên chạy xe bởi các cô này người dài, chân cao, mông to, ngực nở. Ngày trước, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

Ngực lép bốn ngàn năm, Trưa nay cơn gió mạnh Thổi bùng lên tim bỗng hóa mặt trời.

Ngày nay, các họa sĩ thiên tài này không chơi ngực lép, chỉ cần ngực bự. Hễ ai ngực bự như dừa lửa Bến Tre thì mới là người đủ chuẩn đi xe gắn máy.

Một nhóm họa sĩ thiên tài của bộ nọ đưa ra những tiêu chí trắc nghiệm trẻ con năng động tuổi mầm non (5 tuổi), yêu cầu trẻ phải chạy được bảy, tám chục mét trong vòng 5 giây. Vấn đề là các họa sĩ không ra khỏi phòng máy lạnh để đi xem tận mắt trường mẫu giáo của chúng ta như thế nào, có cái sân nào dài 70m hay không. Họ chỉ yêu cầu trẻ chạy, còn sân có rộng chỉ cỡ 4mx4m, hình vuông hay hình tròn, đường chạy thẳng hay bị mu rùa thì kệ tía... cô hiệu trưởng. Chỉ chừng đó thôi mà thiên hạ lên ti-vi cãi nhau về chuyện định tính, chuẩn mực lý tưởng, tại sao phụ huynh không khuyến khích con em đạt chuẩn đó...

Bộ ngành có họa sĩ thiên tài bộ ngành, cơ sở có họa sĩ thiên tài cơ sở. Trường tiểu học nọ ra thông báo tuyển sinh lớp 1, chữ viết bằng phấn nguệch ngoạc thôi. Chỉ cần bấy nhiêu, phụ huynh đã phải chạy có cờ lo cho con học... luyện thi. Than ôi, mới mẫu giáo mà đã phải học luyện thi vào lớp 1 thì không biết luyện cái gì và thi ra sao.

Một phân hội họa sĩ thiên tài một tỉnh phía <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam vẽ ra dự án lấy một diện tích đất khá rộng của bà con nông dân cho nước ngoài đầu tư làm sân golf. Cứ theo các họa sĩ tỉnh ta, sân golf là một trong những mũi nhọn để thu lợi nhuận, phát triển kinh tế địa phương. Các họa sĩ không thèm đi nghiên cứu hoạt động sân golf các nơi khác, kể cả những nơi đang lỗ sặc máu. Các họa sĩ không nghĩ đến chuyện vùng ta là vùng lúa trọng điểm phía Nam, giữ đất trồng lúa thơm xuất khẩu còn kinh tế hơn mười lần sân golf. May mà báo chí làm tới, tác phẩm hội họa “sân golf” này mới rã đám.

Một phân hội họa sĩ thiên tài khác ở mấy tỉnh miền Trung vẽ ra chương trình nhập giống lúa Nhị Ưu của nước bạn về cho bà con nông dân ta trồng. Kết quả là từ Nhị Ưu (hai ưu thế vượt trội) theo bạn quảng cáo đã trở thành nhị ưu (hai điều lo lắng) cho bà con nông dân tỉnh ta: lo chăm sóc chết giấc mà lúa vẫn lép hạt, lo trả nợ vì thất mùa. Cây quýt ngọt ngào ở Giang Bắc đưa về Giang Nam trồng có thể cho ra trái quýt chua lè. Việc đời nó là như rứa, mần chi mà phải mua giống ngoại khi chưa nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, dịch bệnh khiến Nhị Ưu hóa thành nhị ưu?

Một cách khái quát, các họa sĩ thiên tài này đã vẽ ra những tác phẩm không tưởng, xa rời thực tế, hình thành từ căn bệnh duy ý chí rất lạ. Một tác phẩm dù lớn dù nhỏ của họ cũng đủ khiến cho cuộc sống rối beng, nhân dân dù muốn dù không vẫn phải nhảy hip hop. Điểm thành công của các tác phẩm này là... tốn tiền nhà nước, tốn nước bọt của các nhà nghiên cứu, tốn giấy của các báo, tốn công đi tới đi lui của những người dân bình thường, tốn thì giờ của người bàn tán. Cá biệt, có một số người tốn tiền điều trị lâu dài bởi đột quỵ, lên cơn tai biến mạch máu não. Một trong những người ấy là... Đồ Bì.

Hỡi các họa sĩ thiên tài! Điều kiện của đất nước ta là như thế, nguồn lực là như thế, cơ sở vật chất là như thế. Hãy thực tế hơn khi “vẽ” ra những chương trình, dự án, tiêu chí, yêu cầu, điều kiện. Tôi rất biết ơn quý vị nếu quý vị không triển lãm những “tác phẩm” mà nhân dân từ lớn tới bé không thể làm được. Còn nếu các vị cao hứng, thực sự muốn đi theo con đường hội họa cho đời vui vẻ thì xin cùng tham gia vẽ biếm họa với các họa sĩ biếm báo Tuổi Trẻ Cười. Tất nhiên, những bức biếm họa này phải có nội dung lành mạnh, phải cười được và phải qua khâu biên tập nghiêm túc.

ĐỒ BÌ

AhW3LcKp.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 377 (ra ngày 1-4-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

ĐỒ BÌ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên