28/08/2016 00:17 GMT+7

Hòa giải trong vụ án hình sự, tại sao không?

ĐINH VĂN QUẾ, (nguyên chánh TÒA HÌNH SỰ 
TAND TỐI CAO)
ĐINH VĂN QUẾ, (nguyên chánh TÒA HÌNH SỰ 
TAND TỐI CAO)

TTO - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định “nguyên tắc hòa giải”.

Nhưng khoản 3 điều 29 Bộ luật hình sự lại quy định “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. 

Vì thế nhiều ý kiến cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự nên quy định nguyên tắc hòa giải, ngoài các tội được khởi tố theo yêu cầu người bị hại thì đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, kể cả tội phạm do cố ý cũng nên hòa giải.

Việc hòa giải để người phạm tội thấy được tội lỗi của mình trước người bị hại là việc làm nhân văn cần được khuyến khích. Khi còn sinh thời, Bác Hồ cũng đã nói đại ý là: “xét xử đúng pháp luật là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”!

Thực tiễn xét xử nhiều năm qua cũng thể hiện tinh thần nhân văn này. Hơn nữa, hầu hết các vụ án hình sự đều có phần dân sự, mà đối với phần dân sự thì “hòa giải” lại là quy định bắt buộc đối với tòa án theo Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại còn có tác dụng giúp họ hàn gắn mâu thuẫn, thù oán. Đã có nhiều trường hợp ra tòa người bị hại xin (bãi nại) cho bị cáo được hưởng án treo để tiếp tục làm ăn và chăm sóc thân nhân của người bị hại đã qua đời, nhất là nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông. Lợi ích của việc hòa giải trong vụ án hình sự nhiều khi đem lại những tiện ích to lớn không chỉ đối với hai gia đình, mà còn đối với xã hội.

Với tinh thần này, thiết nghĩ không chỉ đối với các vụ án ít nghiêm trọng mà ngay cả đối với những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng vẫn nên hòa giải.

Tuy nhiên, khi đã quy định nguyên tắc hòa giải trong vụ án hình sự cũng cần phân biệt trường hợp nào bắt buộc hòa giải, trường hợp nào chỉ quy định nên hòa giải. Vấn đề quan trọng là hiệu quả của việc hòa giải đó như thế nào.

Đối với các vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng do vô ý thì Bộ luật tố tụng hình sự nên quy định hòa giải là bắt buộc. Tất nhiên, đối với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì việc hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với tòa án, trừ trường hợp Bộ luật tố tụng dân sự quy định không được hòa giải như: mức trợ cấp cho người mất khả năng lao động hay mức phí tổn nuôi con...

Riêng đối với án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật tố tụng hình sự cần quy định bắt buộc phải “hòa giải”. Nếu người bị hại đồng ý rút đơn khởi tố, cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn họ viết đơn rút yêu cầu khởi tố, đồng thời ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện là vi phạm tố tụng.

Tuy nhiên, trường hợp việc hòa giải dẫn đến loại trừ trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ hòa giải phần dân sự, còn người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Ví dụ: A lừa đảo chiếm đoạt 700 triệu đồng của B thì tòa án không thể hòa giải để giảm số tiền A chiếm đoạt, vì số tiền này thuộc tình tiết định khung hình phạt. Tuy nhiên, tòa án vẫn có thể hòa giải giữa B và A về việc bồi thường thiệt hại đối với số tiền 700 triệu đồng vì B có thể chỉ yêu cầu A phải bồi thường ít hơn, thậm chí không phải bồi thường.

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là đối với các nước có mô hình tố tụng “tranh tụng”, đều quy định nguyên tắc cho phép người phạm tội “mặc cả” với công tố viên về mức hình phạt nếu như họ nhận tội.

Việc “mặc cả” này bao giờ cũng được tòa án đồng ý. Vì nếu không nhận tội thì công tố viên phải thu thập tài liệu, đưa ra bằng chứng để buộc tội bị cáo, mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc.

Nếu người phạm tội thừa nhận tội phạm thì mức án đối với họ bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với mức án mà tòa án tuyên trong trường hợp không có “mặc cả” trước đó với công tố viên, khi công tố viên chứng minh họ phạm tội và được tòa án chấp nhận.

ĐINH VĂN QUẾ, (nguyên chánh TÒA HÌNH SỰ 
TAND TỐI CAO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên