15/01/2006 17:38 GMT+7

Hỗ trợ mua bản quyền sách: Các nhà xuất bản không "mặn mà"

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Trong 5 năm tới, Cục Bản quyền sẽ dành 25 tỷ đồng để hỗ trợ các nhà xuất bản mua bản quyền 2.000 tác phẩm tiếng nước ngoài và dịch sang tiếng Việt, 5 tỷ đồng để hỗ trợ mua bản quyền 250 tác phẩm tiếng Việt và dịch sang tiếng nước ngoài. Thế nhưng, điều kỳ lạ là không có nhiều NXB mặn mà trước chủ trương trên. Vì sao?

KXtUZPYW.jpgPhóng to

Bắt đầu từ năm 2006, Cục Bản quyền sẽ dành 6 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các NXB mua bản quyền sách dịch

Trong 5 năm tới, Cục Bản quyền sẽ dành 25 tỷ đồng để hỗ trợ các nhà xuất bản mua bản quyền 2.000 tác phẩm tiếng nước ngoài và dịch sang tiếng Việt, 5 tỷ đồng để hỗ trợ mua bản quyền 250 tác phẩm tiếng Việt và dịch sang tiếng nước ngoài. Thế nhưng, điều kỳ lạ là không có nhiều NXB mặn mà trước chủ trương trên. Vì sao?

Đầu tiên không phải là... tiền đâu!

Mặc dù trên thực tế, từ sau ngày Việt Nam ký công ước Berne, số sách dịch giảm sút đáng kể trên thị trường. Và mục đích của đề án (rất tốt đẹp) là lấy ngân sách nhà nước để giúp nhà xuất bản mua bản quyền.

Song ông Phạm Sỹ Sáu (Trưởng phòng khai thác bản quyền, NXB Trẻ) nói: "6 tỷ đồng/năm thì có thấm tháp vào đâu! Lâu nay NXB đã tự chủ làm được và cũng có thể bỏ ra một số tiền lớn để mua bản quyền. Điều chúng tôi kỳ vọng vào Cục Bản quyền không phải là việc xin hỗ trợ mua bản thảo, rồi chờ nhà nước rót tiền. Mình tự chủ vẫn hơn.

Cái chúng tôi cần bây giờ là sách mua độc quyền hoặc khai thác độc quyền của chúng tôi càng ít bị in lậu càng tốt, hoặc những ấn phẩm chúng tôi đã mua độc quyền rồi thì không có tình trạng tranh mua, tranh bán không sòng phẳng với các nhà xuất bản khác".

Ông Nguyễn Phan Hách (Giám đốc NXB Hội Nhà văn) cũng thừa nhận: "Số tiền 6 tỷ đồng/năm không nhiều nhặn gì". Bởi theo ông, tiền nhiều hay ít nhiều khi... không quan trọng! Có khi chỉ cần 1 đô la tượng trưng cũng giải quyết êm thấm. Quan trọng là sự "khéo léo" trong thương lượng.

Ông kể: "Vừa rồi, NXB đã xin được bản quyền Truyện ngắn Azit Nezin từ chính tác giả. Ông ấy không lấy của NXB một xu nào, mà chỉ yêu cầu gửi 1% nhuận bút trả cho ông ấy vào Quỹ các nạn nhân chất độc da cam ở... Việt Nam!".

Nhiều NXB khác cũng cho rằng tài chính không phải là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Đấy là chưa kể nhiều lúc đi xin miệng cũng xong.

"Khó khăn nhất của chúng tôi là làm thế nào để liên lạc với tác giả nước ngoài. Ngay việc tìm địa chỉ của họ cũng mệt đứt hơi... Hiện nay việc liên hệ chỉ trông chờ vào những mối quan hệ thân quen, cá nhân chứ không có tổ chức, trung tâm nào có chuyên môn đứng ra giúp đỡ", ông Hách kiến nghị.

Không sợ thiếu, chỉ sợ...

Theo ông Tô Long (Chánh Văn phòng Cục Bản quyền tác giả) thì khi đề án được phê duyệt, Bộ VH-TT sẽ thành lập một hội đồng thẩm định, và sẽ cân đối đề tài, tính cả thời điểm xuất bản, chọn xem cuốn nào phù hợp hơn cả. Có điều, để được phân bổ tiền, các nhà xuất bản phải chọn được những biên tập viên, những ấn phẩm có giá trị chứ không thể đăng ký tràn lan được. Sách được NXB chọn mua phải là sách "nóng", phải dùng ngay được.

Tuy nhiên, NXB Trẻ không kỳ vọng sẽ được Cục Bản quyền "nhắm" tới. NXB Hội Nhà văn cũng chẳng mấy sốt sắng . Bởi lẽ thế nào là "tác phẩm có giá trị", thế nào là "sách nóng" cùng những tiêu chí (mà đề án đưa ra) như "phù hợp với Việt Nam", "có giá trị cao về chính trị, tư tưởng, khoa học và nghệ thuật".

Những tiêu chí chung chung (mỗi người có thể hiểu một kiểu) sẽ dẫn đến những tranh cãi không đáng có. Hơn nữa, với 6 tỷ đồng/năm chia đều cho tất cả các ấn phẩm thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội... thì cũng chỉ như "muối bỏ bể". Thế nên, cùng một đầu sách, "nhà" nào "nhanh chân", "nhạy bén" hơn thì thắng...

Hỗ trợ mua bản quyền là sai... luật?!

Đề án lập luận: Từ sau khi ký kết công ước Berne, các nhà xuất bản đã đứng trước đòi hỏi gay gắt về việc đáp ứng yêu cầu sách nước ngoài cho bạn đọc. Thế nhưng trên thực tế, các nhà xuất bản đã giảm trung bình 35-40% doanh thu vì không có được bản quyền để xuất bản sách của nước ngoài.

Mặt khác, khi mua bản quyền sách của nước ngoài để dịch sang tiếng Việt, các nhà xuất bản của ta phải trả cho chủ sở hữu bản quyền nước ngoài là 6-8% giá bìa của tổng số bản tiêu thụ (các đối tác nước ngoài thường yêu cầu trả trước trên cơ sở số lượng để tính toán, thấp nhất là 2.000 bản).

Việc trả tiền bản quyền để dịch tác phẩm trong nước ra tiếng nước ngoài cũng khoảng 4-12% giá bìa của tổng số lượng in. Trước những khó khăn về tài chính của các nhà xuất bản, Cục Bản quyền phải đề ra chủ trương hỗ trợ mua bản quyền để trợ giúp. Bởi "nếu không được hỗ trợ (bằng tiền) thì nhà xuất bản sẽ bị lỗ khi làm sách dịch vì chi phí bỏ ra quá cao" (theo đề án).

Thế nhưng, theo nhận định của Cục Xuất bản, đề án trên đã trái với Luật và Nghị định xuất bản. Bởi lẽ điều 6 Luật xuất bản và điều 4 Nghị định xuất bản chỉ quy định hỗ trợ cho các ấn phẩm thuộc diện nhà nước đặt hàng và do Bộ VH - TT duyệt (chứ không phải do các nhà xuất bản đăng ký danh mục rồi chờ hỗ trợ).

Và loại sách đặt hàng này chỉ để phục vụ mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, chứ không phải để giúp đỡ các nhà xuất bản trong điều kiện tài chính khó khăn, không mua được bản quyền!

Vả lại, trên thực tế, hàng năm nhà nước cũng đã róc kinh phí 4-5 tỷ cho các nhà xuất bản để hỗ trợ mua các tác phẩm đặt hàng chứ không phải đợi đến khi có đề án nói trên! Mặt khác, việc trợ giúp các nhà xuất bản mua bản quyền còn trái với tinh thần của WTO, bởi nếu gia nhập WTO thì các doanh nghiệp phải tự bươn chải bằng chính nỗ lực của mình chứ không thể ngồi chờ nhà nước.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên