02/12/2016 13:16 GMT+7

Hồ thiên nga ở Sài Gòn: Ballet Nga như cơm bình dân

VŨ HUYỀN
VŨ HUYỀN

TTO - Tối 1-12, nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) tưng bừng nhộn nhịp vì lần đầu tiên một vở ballet kinh điển được trình diễn tại đây: vở ballet Hồ thiên nga của thiên tài âm nhạc người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky.

2 diễn viên chính Sergay Sergeyevich - Smirnov Olga Pavlova thường xuyên có những màn duo chưa ăn ý - Ảnh: VŨ HUYỀN
Hai diễn viên chính Sergay Sergeyevich - Smirnov Olga Pavlova thường xuyên có những màn duo chưa ăn ý - Ảnh: BTC

Vở ballet này từng được trình diễn ở Hà Nội từ năm ngoái, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Năm nay, nhà hát Talarium Et Lux lại đưa quân về để diễn lại Hồ thiên nga ở TP.HCM và diễn thêm Kẹp hạt dẻ (cũng của Tchaikovsky) ở Hà Nội vào ngày 3-12 theo lời mời của nhà tổ chức chương trình.

Sản phẩm của thời liệu cơm gắp mắm

Không trình diễn như cách thông thường của một vở ballet cổ điển, Hồ thiên nga phiên bản trình diễn tại Việt Nam lần này do các nghệ sĩ đến từ nhà hát Talarium Et Lux dàn dựng và biểu diễn sử dụng nhạc đĩa và hình ảnh đồ họa 3D chiếu trên màn hình LED thay cho bối cảnh.

Nhà hát Talarium Et Lux ra đời từ năm 2012 và khởi đầu từ một nhóm vũ công ballet từng múa ở các nhà hát nổi tiếng ở nước Nga. Slogan của nhà hát này là “Ballet và ánh sáng”.

Họ chủ trương sử dụng công nghệ (màn hình LED với hình ảnh 3D và nhạc thu sẵn) để đưa ballet cổ điển đến gần với đời sống hiện đại hơn như một cách tiếp cận mới với kho tàng các tác phẩm nghệ thuật kinh điển đồ sộ của nước Nga.

Quan điểm và cách làm của Talarium cũng như những đoàn múa khác chủ trương đi theo con đường này từng vấp phải những phản đối từ phía các nhà làm nghệ thuật bảo thủ.

Tuy nhiên đây được xem như một cách làm phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và cả tài chính ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

Bởi với tiêu chuẩn về trình diễn ballet cổ điển cần có nhà hát tiêu chuẩn với ít nhất là 5 tầng, mái vòm, có hầm, có hố nhạc, có đủ các tiêu chuẩn về chức năng âm học... Tuy nhiên, cả nước ta bói không ra một nhà hát như vậy.

Mặt khác, một dàn nhạc giao hưởng đủ để chơi cho vở ballet này cũng cần biên chế đến cả trăm người. Trong khi chi phí cho 70-80 người gồm hơn 40 nghệ sĩ múa, còn lại là những bộ phận khác như người quản lý, người phụ việc hay chuyên viên kỹ thuật… bay từ Nga sang Việt Nam, ăn ở khách sạn 4-5 sao… đã là một khoản kinh phí quá lớn mà nhà tổ chức phải gánh gồng.

Nhà nghèo phải thể tất ư?

Công nghệ hiện đại mang đến nhiều hiệu quả nhưng cũng luôn luôn ẩn chứa rủi ro. Màn mở đầu diễn được vài chục phút thì một mảng lớn màn hình trên sân khấu tắt ngóm, không còn hình ảnh 3D mà thay bằng hình thù đen ngòm lúc không hoạt động của màn hình LED.

Nghe đâu vì một máy bị “đơ”.

​ Màn hình LED bị sự cố để một khoảng đen vuông vức trên sân khấu - Ảnh: VŨ HUYỀN

Vài chục phút sau nữa, chiếc máy này đã hoạt động trở lại thì nghệ sĩ nam chính - Sergay Sergeyevich Smirnov - bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Anh liên tục để bạn diễn bị trượt trong các màn quay pirouette (xoay chuyển) khi hai người duo (múa đôi).

Và trong suốt vở, Sergay diễn rất vô hồn. Có lẽ anh còn mệt mỏi vì chuyến bay dài từ vùng có khí hậu âm 20 độ đến Sài Gòn nắng nóng 30 độ.

Việc rút gọn số lượng nghệ sĩ còn khoảng một nửa so với thông thường (khoảng 80 - 100 diễn viên), dàn diễn viên phụ phải múa nhiều vai nên việc tái hiện tính cách của các nhân vật trong vở còn hạn chế.

Điểm sáng của vở diễn là nữ nghệ sĩ Olga Pavlova. Cô có hình thể, gương mặt đẹp và kỹ thuật khá tốt, tuy chưa đến hàng ngôi sao.

Mặt khác, việc mở nhạc cho từng màn cũng chưa ổn. Lúc nhạc vào sớm, lúc vào quá muộn khiến cho diễn viên liên tục bị hẫng hoặc ở tình trạng chờ nhạc.

Thế nhưng, cũng nên bỏ đi những chi tiết nhỏ (sự cố kỹ thuật, lỗi của diễn viên) để ghi nhận một tổng thể lớn (nỗ lực tổ chức một buổi diễn vô tiền khoáng hậu) mà nhà tổ chức đã thết đãi khán giả - khách hàng của họ.

Cứ nhìn khán giả nô nức “check in” ở nhà hát Hòa Bình tối qua thì thấy cơ hội để người Việt Nam được tiếp cận một tác phẩm ballet thuộc vào hàng kinh điển lẫy lừng từ mấy thế kỷ trên khắp hành tinh vẫn còn hiếm hoi quá.

Họ sửa soạn nghiêm chỉnh, xếp hàng ngay ngắn ở cửa soát vé để vào chỗ ngồi một cách yên lặng, đúng chuẩn “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Và nhà tổ chức cũng tỏ ra rất trân trọng khán giả khi thay vì mở màn lúc 20g thì họ dời lại 30 phút mới khai diễn để… chờ khán giả đến cho đông đủ.

Màn nhung mở ra, màn hình LED rực rỡ và những vũ công người Nga với tỉ lệ cơ thể không thể lý tưởng hơn làm khán giả choáng ngợp.

Những tràng pháo tay vang lên và bắt đầu những chiếc smartphone đưa lên quá đầu, nhiều khán giả hãnh diện “live stream” vở diễn trên Facebook. 

Thay vì xem tận mắt thưởng thức Hồ thiên nga, họ tập trung xem vở diễn qua… màn hình điện thoại.

Và ballet 3D với nhạc đĩa là sản phẩm quá phù hợp cho một bữa yến tiệc ở nơi mọi thứ đều thiếu thốn.

Xem một số hình ảnh của đêm Hồ thiên nga đầu tiên tại TP.HCM - Ảnh: BTC

VŨ HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên