10/05/2017 16:34 GMT+7

​Ho ở người lớn tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Ho là một phản xạ quan trọng giúp làm sạch và thông thoáng đường dẫn khí. Ngoài ra, ho là phản xạ bảo vệ giúp chúng ta tránh được tình trạng hít sặc dị vật vào trong đường thở hay vào phổi.

Ho gồm 2 loại là ho khan và ho có đàm. Ho khan là ho mà không khạc được đàm. Ho khan được mô tả là “ho ông ổng”, “ho the thé”, “ngứa họng ho”. Ho đàm là khi ho mà bệnh nhân có khạc được chất tiết đường hô hấp. Chất tiết này có thể là dịch trong hay dịch đục; hay ho đàm vướng máu, ho đàm xanh, đàm vàng.

Nếu phân chia theo mức độ kéo dài của ho thì có ho cấp và ho mạn tính. Ho cấp tính khi ho kéo dài trong khoảng 3 tuần; ho mạn tính khi ho kéo dài trên 8 tuần. Một số bệnh nhân chỉ có ho vài tiếng và không có gây ra khó chịu cho bệnh nhân. Có một số bệnh nhân ho từng cơn, mỗi cơn ho kéo dài, gây khó chịu, thậm chí gây cho bệnh nhân khó thở.

Nguyên nhân

- Nhiễm trùng đường dẫn khí hay nhiễm trùng phổi.

- Chảy dịch ở mũi: các trường hợp tăng tiết dịch ở mũi như: thở không khí lạnh, dị ứng, nhiễm trùng xoang…

- Các bệnh lý tại phổi như hen, bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính. Cả hai bệnh lý này đều gây cho bệnh nhân khó thở. Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp của bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính. Các bệnh lý khác tại phổi cũng gây ra ho kéo dài như giãn phế quản, ung thư phổi,...

- Trào ngược dạ dày thực quản.

- Uống thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển thì có một số bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc là gây ho.

- Hút thuốc lá: khói thuốc lá không những gây ho ở chính người hút thuốc mà còn gây ho cho cả người không hút nhưng có tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên (hút thuốc lá thụ động).

Nên đi khám khi ho kèm theo các triệu chứng

- Khó thở hay thở khò khè.

- Sốt hay đau ngực.

- Ho ra máu hay ho ra đàm màu xanh, màu vàng.

- Ho nhiều gây ra nôn ói.

- Ho càng lúc càng nặng hay kéo dài trên 10 ngày.

- Ho có kèm theo sụt cân.

Khi đi khám, bệnh nhân sẽ được làm thêm một số xét nghiệm như: chụp Xquang phổi, chụp MSCT ngực hay xoang, đo chức năng hô hấp, làm test lẫy da để xác định dị ứng nguyên, xét nghiệm đàm, nội soi thanh khí phế quản…

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ điều trị ho tùy theo từng trường hợp như kháng sinh, kháng histamine, các thuốc giãn phế quản, hay điều trị tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, hay thay đổi thuốc nếu bác sĩ nghĩ ho do tác dụng phụ của thuốc.

Tự làm giảm nhẹ tình trạng ho tại nhà bằng cách

- Tạo độ ẩm trong phòng hay xông hơi: không khí ẩm sẽ làm dịu cổ họng cũng như giảm đi tình trạng ứ đọng đàm. Uống nước ấm cũng có hiệu quả tương tự.

- Sử dụng một số thuốc giảm ho thảo dược hay kẹo ngậm giảm ho.

- Mật ong cũng có thể làm giảm ho vì nó làm giảm kích thích cổ họng.

- Tránh xa các yếu tố gây khởi phát ho như: thuốc lá, phấn hoa...

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh ho ho lao