![]() |
Hổ Lâm Nhi ở vườn thú Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đại Anh Tuấn |
Tương tự tình cảnh của những người anh em trên thế giới, tại Việt Nam, vùng phân bố của phân loài hổ Đông Dương (Penthera tigris corbeti) đang bị thu hẹp nhanh chóng.
Một số nhà khoa học bảo tồn có chung nhận định loài này đang bị tuyệt chủng về mặt sinh thái, có nghĩa vẫn còn một số cá thể tồn tại trong các khu rừng nhưng do chia cắt sinh cảnh hay do mất cân đối về cơ cấu bầy đàn và số lượng cá thể loài này còn sót lại rất ít, nên xem như quần thể loài này không thể phát triển được nữa và đang ngày càng tiến sát đến miệng vực tuyệt chủng.
Từ thân phận của chú hổ non Lâm Nhi...
Tháng 6-1998, từ việc kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phá vỡ một đường dây săn bẫy hổ và tiếp theo đó là chiến dịch truyền thông “Đưa hổ về nhà mới” và “Đặt tên cho hổ con” do Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Cục Kiểm lâm thực hiện đã tạo ra một sự kiện bảo tồn hổ lớn từ trước đến thời điểm bấy giờ. Sự kiện này gắn với cái tên Lâm Nhi, cái tên do một em học sinh ở Vĩnh Phúc đặt cho hổ con, được nhiều người biết đến. Hãng tin Reuters đã cử phóng viên đến Thừa Thiên - Huế để thực hiện phóng sự đặc biệt về sự kiện này.
Con hổ này còn non, nặng khoảng 30kg, chưa đầy 2 tuổi, bị thương nặng ở tay trái do mắc bẫy cáp của thợ săn. Sau 42 ngày cứu hộ thành công, việc giữ hổ lại trong điều kiện nuôi nhốt hay thả về rừng là một quyết định khó khăn với cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ.
Một số người tỏ ra có lý khi bảo vệ ý kiến nên thả hổ về lại khu rừng động Tam Dần (nay là khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nơi con thú bị mắc bẫy, để duy trì bầy đàn của chúng. Tuy nhiên, một số ý kiến lo sợ con hổ non sẽ gặp nguy hiểm khi trở lại rừng một khi nó bị giữ quá lâu trong điều kiện nuôi nhốt. Số phận con hổ này cuối cùng cũng được Cục Kiểm lâm quyết định khi chuyển giao nó từ Thừa Thiên - Huế cho vườn thú Hà Nội vào năm 1998.
...đến số phận của họ hàng nhà hổ
Cái tên động Tam Dần (ba con hổ) chẳng biết có từ bao giờ nhưng người già ở các xã Phong Sơn, Phong Xuân và Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) khẳng định những năm 1980 về trước họ vẫn thường xuyên thấy hổ xuất hiện tại khu vực này.
Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng ở bản Khe Trăng, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, ông Nguyễn Muốc, 64 tuổi, người dân tộc Pahy, trước đây là một thợ săn nổi tiếng, cho biết lần ông gặp hổ cuối cùng là vào năm 2003. Bây giờ thì “còn cái nhà mô nữa cho nó ở mà biểu nó không chết hết!”. Đúng là những cánh rừng đã dần dần bị chia cắt từng mảnh nhỏ và những loài thú nhạy cảm như hổ chắc chắn phải rời xa ngôi nhà của mình hoặc bị co cụm lại cho đến khi mắc vào những chiếc thòng lọng chờ sẵn của thợ săn.
Theo một số chuyên gia bảo tồn tại Việt Nam, hiện nay số lượng cá thể hổ tại Việt Nam chỉ có thể dừng lại ở con số hàng chục và tồn tại trong những khu vực rừng bị chia cắt mãnh liệt do các dự án xây dựng đường sá hay mạng lưới thủy điện chằng chịt.
Với tình cảnh như vậy thì tương lai của chúa sơn lâm tại Việt Nam chắc hẳn đã được biết trước từ bây giờ, nếu con người không có những hành động khôn ngoan và khẩn cấp cứu lấy chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận