06/12/2013 08:05 GMT+7

Hộ khẩu và những "đứa trẻ đen"

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - 13 triệu người Trung Quốc mất các quyền công dân chỉ vì không có hộ khẩu. Bức xúc đó đang đòi hỏi phải được thay đổi triệt để.

tGiGgwi2.jpgPhóng to
Apphich kêu gọi thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Hôm nay (6-12), tại Trung Quốc diễn ra vụ kiện được giới quan sát đánh giá là gây tác động lớn đến hàng triệu “trẻ em đen” nước này. Nhiều năm liền, một nữ công nhân họ Lưu tìm đủ mọi cách để đăng ký hộ khẩu cho con nhưng bị cơ quan chức năng khước từ vì bà không có khả năng đóng tiền phạt (tính ra khoảng 1,1 tỉ đồng VN) vi phạm chính sách một con. Không có hộ khẩu, đứa trẻ không được đi học, không được hưởng phúc lợi y tế.

Tiểu Kiệt, 8 tuổi, là hình ảnh tiêu biểu của 13 triệu người Trung Quốc không được xã hội thừa nhận do không có được mảnh giấy hộ khẩu lận lưng (theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2011). Việc bà Lưu kiện chính quyền Bắc Kinh trở thành một vụ án điển hình cho việc người dân đòi quyền được thừa nhận và giáng một đòn nặng nề vào chế độ hộ khẩu Trung Quốc.

Những đứa trẻ bên rìa xã hội

Theo Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình Bắc Kinh, bà Lưu, 41 tuổi, có một con gái và một con trai với hai người chồng đã mất. Bé Tiểu Kiệt, con của bà Lưu và người yêu, mặc nhiên được xem là con thứ ba. Theo nhà chức trách, mức phạt 330.000 nhân dân tệ (khoảng 1,1 tỉ đồng VN) được xem là “nhẹ nhất” dành cho trường hợp của bà.

Đối với một phụ nữ không nhà cửa với mức lương 300 USD/tháng (khoảng 6,3 triệu đồng), khoản phạt trên bằng tiền lương của bà trong 14 năm. “Khi tôi nhìn thấy (số tiền phạt), tôi nghĩ điều này thật vô lý - bà Lưu ràn rụa nước mắt - Tôi không biết mình sẽ bị phạt nhiều đến vậy. Nếu biết, tôi chẳng bao giờ dám sinh con”.

Trong lúc bị bức bách đến cùng cực, bà Lưu cho biết đã tìm cách bán thận nhưng phía mua không chấp nhận vì bà lớn tuổi. Cậu bé Tiểu Kiệt khóc òa khi kể về việc mẹ muốn bán thận để trả số tiền phạt cao ngất ngưởng: “Con đến Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và nói rằng con sẽ không để mẹ làm điều đó, con sẽ bán thận thay cho mẹ”.

Những “đứa trẻ đen” là cách truyền thông Trung Quốc gọi những đứa bé “vỡ kế hoạch” mà cha mẹ không đủ khả năng nộp tiền phạt vi phạm chế độ một con (còn gọi là phí hỗ trợ xã hội). Chúng không có hộ khẩu và được xem như một gánh nặng của xã hội.

Những đứa trẻ này phải sống bên rìa xã hội, không thể đến trường, lớn lên không thể lập gia đình đường hoàng, không được có tài khoản ngân hàng hay thậm chí không thể mua vé tàu lửa, máy bay. “Không có hộ khẩu, bạn giống hệt một con chó hoặc con mèo nuôi trong nhà” - ông Hoàng, luật sư của bà Lưu, nói với Reuters.

Chỉ một lối ra: cải cách hộ khẩu

Hôm 4-12, báo Tài Tân, một tạp chí kinh tế uy tín tại Trung Quốc, cho biết mười luật sư và học giả thuộc các trường đại học lớn đã viết đơn kiến nghị đòi hủy bỏ quy định từ chối cấp hộ khẩu khi người dân không đóng phạt vi phạm chế độ một con. Theo những học giả trên, việc cải cách chế độ quản lý này đang là một vấn đề cấp bách bởi chính những quy định ngặt nghèo của chế độ hộ khẩu là nguyên nhân dẫn đến nhiều bi kịch xã hội.

Tháng 6-2013, nữ sinh Thái Diễn Quỳnh uống thuốc trừ sâu tự tử khi không được thi trung học vì không có hộ khẩu. Trước phản ứng kịch liệt của dư luận, chính quyền đồng ý cấp hộ khẩu cho em Thái, nhưng những di chứng của thuốc trừ sâu gây ra đối với cô bé 16 tuổi không thể nào bù đắp được.

Năm 2003, cái chết của một sinh viên mới tốt nghiệp tên Tôn Chí Cương tại tỉnh Quảng Đông gây chấn động dư luận Trung Quốc. Tôn bị bắt vào thời điểm chính quyền tỉnh Quảng Đông đang có chiến dịch chống “ba không” (không chứng minh thư, không hộ khẩu, không giấy phép tạm trú). Anh này bị đánh đập và qua đời khi bị tạm giam. Vụ án trở thành một ví dụ điển hình cho sự thiệt thòi và mất mát mà chế độ hộ khẩu gây ra cho người dân.

Theo Tài Tân, mục tiêu cải cách được đề ra trong Hội nghị Trung ương 3 là thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn, một trong những chướng ngại lớn cản trở mục tiêu này là chế độ hộ khẩu. Các chuyên gia cho biết lộ trình cải cách của Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng việc thí điểm và dần xóa bỏ chế độ hộ tịch tại các thành phố nhỏ, nới lỏng quản lý hộ tịch tại các thành phố cỡ trung. Đối với các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, quá trình này có thể chậm hơn. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn Trung Quốc cũng phải xóa bỏ chế độ hộ tịch.

Nguồn thu béo bở

Thông thường mức phạt dành cho những người vi phạm chính sách một con thường cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân của họ. Trong năm 2012, chính quyền Trung Quốc công bố thu được 16,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỉ USD) phí hỗ trợ xã hội. Ở một số địa phương kém phát triển, loại phí này trở thành một trong những khoản thu chủ yếu của chính quyền. Đó là lý do vì sao nhiều địa phương mạnh tay chống phá thai để buộc người dân phải đóng tiền phạt.

“Ở các khu vực càng kém phát triển, chính quyền càng dựa vào các khoản phí này để trục lợi nhiều hơn bởi họ thu được rất ít tiền thuế - Reuters dẫn lời luật sư Ngô Hữu Thủy - Nhiều quan chức địa phương còn công khai thừa nhận với tôi rằng đây là cách họ kiếm tiền”.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên