17/05/2019 12:00 GMT+7

Hộ chăn nuôi cá lóc vô tư xả thải, nông dân kêu trời vì nước ô nhiễm

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Nông dân sản xuất hoa màu ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp rất lo lắng trước thực trạng nguồn nước ô nhiễm do các hầm chăn nuôi cá lóc vô tư xả thải.

Hộ chăn nuôi cá lóc vô tư xả thải, nông dân kêu trời vì nước ô nhiễm - Ảnh 1.

Sắn của ông Phạm Hồng Kỳ bị chết dây, củ không đạt trọng lượng, thương lái chê không mua - Ảnh: NGỌC TÀI

Tại khu vực trồng sắn thuộc ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, nhiều diện tích trồng sắn thiệt hại 100% nghi do sử dụng nước kênh ô nhiễm.

Anh Nguyễn Văn Có mất trắng 7 công sắn với tổng số vốn đầu tư hơn 50 triệu đồng. Điều mà anh Có mong chờ không phải là ai sẽ bồi thường mà là việc kiểm soát đào ao, xả thải.

"Sắn bữa nay lên 7.000 đồng/kg mà không có để bán. Khu vực này mấy chục hộ đều bị hư sắn trong khi bên cồn sử dụng nước sông Tiền thì sắn tươi tốt", anh Có bức xúc.

Quan sát tại kênh Tứ Thường, nguồn nước cung cấp chính để trồng hoa màu là nước thải từ các hầm cá xả trực tiếp ra môi trường, nước kênh chuyển màu đen. Không chỉ nhà vườn mà người dân dùng nước kênh sinh hoạt cũng lo lắng.

Nước thải hầm cá xả trực tiếp xuống kênh Tứ Thường - Video: NGỌC TÀI.

Theo tiết lộ của những chủ ao nuôi cá lóc, nước thải bình thường không ô nhiễm bằng nước vệ sinh đáy hầm. Trong chu kỳ 4 tháng nuôi, ít nhất phải vệ sinh 3 lần như vậy. Dọc con kênh có hàng trăm hầm cá lớn nhỏ.

Ngay cả hộ nuôi cá lóc cũng không dám sử dụng nước kênh để bơm vào ao nuôi vì cá sẽ dễ nhiễm bệnh, thậm chí chết. Hầu hết đều sử dụng nước giếng khoan.

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Hồng Ngự, quy định về việc bảo vệ môi trường đối với chăn nuôi, trong đó có thủy sản đã được UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, đơn vị này than khó xử lý vì hầu hết các ao nuôi diện tích nhỏ lẻ. Việc quản lý, kiểm soát việc xả thải vẫn còn loay hoay với giải pháp vận động, tuyên truyền.

Ông Trịnh Văn Thảo, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hồng Ngự, cho biết sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp để mời các hộ chăn nuôi đến để tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi mức độ vừa phải, xử lý nước cho tốt không để ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, theo quyết định 07, của UBND tỉnh Đồng Tháp, quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản: "Trường hợp các hoạt động sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, chủ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải thực hiện biện pháp xử lý, khắc phục triệt để. Nếu không khắc phục được phải ngừng hoạt động sản xuất, chăn nuôi".

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên