15/03/2011 07:21 GMT+7

Hồ Ba Bể kêu cứu

Nhà thơ DƯƠNG THUẦN (chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn ở Hà Nội, tổng thư ký Câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể)
Nhà thơ DƯƠNG THUẦN (chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn ở Hà Nội, tổng thư ký Câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể)

TT - LTS: Những lá đơn với hàng trăm chữ ký của bà con các dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn bày tỏ mối lo ngại về việc hồ Ba Bể bị bồi lấp với tốc độ ngày một nhanh, vừa được trình bày tại cuộc họp ngày 26-2 của Hội đồng hương Bắc Kạn ở Hà Nội. Thêm một thắng cảnh thiên nhiên vô giá lên tiếng kêu cứu. Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Dương Thuấn:

JnpJz0vo.jpgPhóng to
Cảnh ngăn suối, phá rừng, bạt núi khiến đất cát chảy vào hồ Ba BểẢnh: Dương Thuấn

Ngày 14 tuổi tôi còn thấy bản Pác Ngỏi (tên thường gọi khác là Pác Ngòi) và bản Bó Lù với những nhà sàn nằm ngay sát cạnh hồ, con gái dệt cửi có thể lấy mặt nước để soi gương. Nhưng ngày nay, từ bản ra hồ phải đi qua bãi bồi rộng bốn cây số mới đến. Nói vậy để thấy tốc độ bồi lấp đối với hồ Ba Bể thật là kinh khủng, ngày sau nhanh hơn ngày trước, năm sau nhanh hơn năm trước. Mỗi lần về quê tôi lại vô cùng xót xa trước cảnh hồ nước xanh trong cứ bị đồng bãi lấn dần, ruộng lúa bãi ngô ngày càng rộng ra còn hồ nước thì nhỏ lại.

Gọi là hồ Ba Bể vì hồ gồm ba cái bể hợp thành gồm Pé Lèng, Pé Lù, Pé Lẩm. Ba Bể được cho là hồ lớn, ngoài ra còn có hai hồ nhỏ là Pé Vài và Pé Nản. Vì thế người ta không chỉ gọi nơi đây là hồ Ba Bể mà còn có thể gọi là Ngũ Hồ.

Hồ thành bãi ngô

Khi tôi còn học phổ thông, thầy cô giáo thường đưa cả trường đi cắm trại và biểu diễn văn nghệ ở ven hồ Pé Vài, nhưng bây giờ cả hồ Pé Vài và hồ Pé Nản đều bị bồi lấp thành đồng bãi. Nhà văn Tô Hoài trong những năm kháng chiến chống Pháp đã sống ở hồ Ba Bể, sau này ông viết lại chuyện tắm ở hồ Pé Vài đùa với các cô gái Tày rất vui. Hồ Pé Vài nổi tiếng có nhiều tôm tép, người dân ở đó rất giỏi nghề làm tôm chua. Hồ có nhiều thuyền độc mộc, ấy thế mà mới chỉ vài chục năm hồ đã không còn.

Tình trạng phát rừng làm nương rẫy và khai thác rừng bừa bãi nhiều năm đã tàn phá toàn bộ thảm thực vật tự nhiên của rừng núi. Mỗi khi mưa xuống, vì núi độ dốc cao lại không có gì giữ cho nước thấm xuống lòng đất, nước chảy rất mạnh đã nhanh chóng bào mòn đất cát trên các triền núi trôi xuống lòng hồ.

Tại sao hồ Ba Bể và những hồ xung quanh bị bồi lấp nhanh chóng như vậy kể cũng dễ hiểu. Nhưng không chỉ có vậy, từ năm 2008 trở lại đây Công ty cổ phần khoáng sản Narihamico đã tiến hành khai thác mỏ sắt Pù Ổ (Khuổi Giang, Đồng Lạc, Chợ Đồn), thải nước rửa quặng chảy vào hồ. Khi mưa lớn, những đống đất cát khổng lồ do công ty đào lên để lấy quặng cũng bị nước cuốn trôi vào hồ.

zgEe52Rr.jpgPhóng to
Phá hết rừng nguyên sinh để đào quặng và rửa quặng ngay sát nhà dân - Ảnh: Dương Thuấn

Uy hiếp hồ Ba Bể

Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội trong tháng 10-2010 đã nhận được đơn của những người dân ở các khu vực xung quanh mỏ sắt Pù Ổ khẩn thiết đề nghị giúp đỡ họ, bởi vì việc khai thác quặng ở mỏ sắt Pù Ổ đã làm ruộng của họ bị đất đỏ vùi lấp không thể cày cấy và chắc chắn đất đỏ cũng sẽ bồi lấp dần hồ Ba Bể.

Lá đơn thứ nhất có 59 chữ ký đại diện các gia đình bản Thôm Phả và bản Chợ Điểng (xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn); lá đơn thứ hai có 23 chữ ký đại diện các gia đình và chữ ký của trưởng thôn Triệu Văn Chấp ở bản Duồn (xã Quảng Bạch, Chợ Đồn); lá đơn thứ ba có 32 chữ ký đại diện cho các gia đình bản Nà Áng (xã Đồng Lạc, Chợ Đồn) và năm gia đình cùng làm đơn là các hộ Ma Thị Ương, Ma Thị Tỵ, Ma Đình Cường, Ma Thị Hảo, Ma Thị Thoa cũng ở bản Duồn, xã Quảng Bạch, Chợ Đồn. Lá đơn mới nhận gần đây nhất do 32 hộ ở bản Nà Áng có 32 chữ ký đề ngày gửi là 19-2-2011...

Tôi cũng đã đến tận nơi gặp ông Nông Thế Diễn - giám đốc vườn quốc gia Ba Bể, ông cho biết việc khai thác mỏ quặng sắt ở Pù Ổ đã xâm phạm vùng đệm của vườn quốc gia và khi mưa lớn, đất đá được đào lên sẽ theo nước chảy vào hồ.

Ngoài ra vài năm nay, một công ty khác đã khai thác đá trắng thạch anh trong vùng cấm nghiêm ngặt của vườn quốc gia thuộc địa phận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Nếu không kịp thời ngăn chặn, trong thời gian tới sẽ có thêm hai công ty nữa cũng khai thác vào vùng cấm đặc biệt nghiêm ngặt, nếu vậy đất cát do việc khai thác quặng đào lên sẽ trôi xuống hồ ngày một nhiều hơn và tốc độ nước hồ bị ô nhiễm sẽ nhanh hơn.

Nếu cơ quan chức năng cứ bỏ mặc hồ Ba Bể, không có các dự án trồng rừng tạo thảm thực vật để chống xói mòn dẫn tới bồi lấp, nếu không có kế hoạch nạo vét bùn đất dưới lòng hồ thì chỉ ba bốn chục năm nữa thôi hồ Ba Bể sẽ bị bồi lấp hoàn toàn. Và khi đó chúng ta sẽ mất hồ Ba Bể vĩnh viễn.

w6Z3k9QA.jpgPhóng to
Một góc hồ Ba Bể với bản Pác Ngòi nằm bên hồ (ảnh chụp năm 2007) - Ảnh: V.Việt

Hồ Ba Bể nằm ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nước ta. Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là vườn di sản ASEAN. Ngày 15-11-1997, Nhà nước đã làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới.

Hồ Ba Bể nơi sâu nhất 45m, chiều dài 11km, chiều rộng 1km, bờ xung quanh hồ là vách núi đá vôi dựng đứng cao vút. Bao bọc hồ là vườn quốc gia Ba Bể với núi non trùng điệp, nhiều loại động thực vật quý hiếm cũng như nhiều loại thủy sản dưới hồ. Ở đây còn có hàng chục hang động đá vôi rất đẹp, trong đó động Puông có dòng sông Năng lững lờ chảy qua, rất rộng để du khách tha hồ bơi thuyền xuôi ngược, động Bó Lù có dòng sông Tả Điểng chảy xuống...

Nhà thơ DƯƠNG THUẦN (chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn ở Hà Nội, tổng thư ký Câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên