11/09/2017 16:53 GMT+7

Hít vào và thở ra giúp "xoa bóp" nội tạng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Từ hàng ngàn năm nay, phương pháp xoa bóp bên ngoài da, cơ là một trong những liệu pháp trị bệnh không thể thiếu được của nền y học cổ truyền khi chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Hít vào và thở ra giúp xoa bóp nội tạng - Ảnh 1.

Thông qua hệ thần kinh, mạch máu và mạch bạch huyết dưới da, xoa bóp có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể như:

• Giảm stress (khoảng 85% bệnh có liên quan đến stress);

• Ổn định cảm xúc, giải tỏa được sự cáu gắt hoặc buồn chán;

• Cải thiện tuần hoàn (giảm gánh nặng của tim, tăng nuôi dưỡng mô, tế bào, cơ quan);

• Tăng sức đề kháng (tác động lên hệ miễn dịch);

• Tăng cường thể lực, sức chịu đựng của cơ bắp;

• Rút ngắn thời gian phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật, chấn thương.

Đối với cơ quan nội tạng cũng cần thiết được "xoa bóp" nhằm tăng cường nuôi dưỡng do thúc đẩy sự tuần hoàn của máu, dịch thể trong mỗi cơ quan và chức năng hoạt động toàn cơ thể sẽ được duy trì ổn định.

Tạo hóa đã ban cho con người hệ hô hấp để thực hiện động tác "xoa bóp" các nội tạng của mình. Thật vậy, mỗi động tác "hít vào" và "thở ra" có tác động đến huyết động và sự trao đổi chất tại mỗi tế bào, nếu tập thở đúng, lợi ích cho cơ thể càng cao.

Có nhiều cách luyện thở, nhưng cách thở 4 thời và thở thót bụng đem lại hiệu quả phòng và trị bệnh cho nhiều người.

- Động tác thở 4 thời

+ Thời 1: hít vào bằng mũi, cơ hoành hạ thấp, áp suất trong ổ bụng tăng (áp suất dương) hơn áp suất bên ngoài trong khi áp suất trong lồng ngực thấp (áp suất âm) nên máu động mạch đi ra khỏi tim và máu tĩnh mạch đổ về tim dễ dàng hơn, chiếm từ 3 - 5 giây.

+ Thời 2: giữ hơi, áp suất ổ bụng tiếp tục cao và thanh quản mở, giúp cho quá trình trao đổi khí giữa CO2 và O2 được hoàn chỉnh hơn, chiếm từ 3 – 5 giây.

+ Thời 3: thở ra bằng mũi, thả lỏng các cơ lồng ngực và bụng, chiếm từ 3 – 5 giây.

+ Thời 4: nghỉ trong trạng thái thả lỏng các cơ, tinh thần thư thái, chiếm 3 – 5 giây.

Ngoài các lợi ích kể trên, thở 4 thời còn ảnh hưởng tốt trên hoạt động của hệ thần kinh: thời 1 và 2 giúp tăng quá trình hưng phấn, thời 3 và 4 hỗ trợ tăng quá trình ức chế. Nếu tập luyện lâu ngày sẽ giúp ổn định được 2 quá trình hưng phấn và ức chế của toàn bộ cơ thể.

- Động tác thở thót bụng

Như tên gọi, động tác này yêu cầu chúng ta thở làm cho bụng lõm xuống càng sâu càng tốt. Cơ chế của ổ bụng lõm xuống là do áp suất trong ổ bụng và lồng ngực rất thấp hơn áp suất bên ngoài không khí (ngược lại với nghiệm pháp Valsalva, thường dùng hỗ trợ khi siêu âm hệ tĩnh mạch chi dưới). Cách thực hiện có 4 giai đoạn:

+ Thở ra: thật sâu cho lượng khí cặn trong phổi còn rất thấp và nín thở (đóng thanh quản, hoặc dùng 2 ngón tay số 1 và 2 bịt mũi, miệng ngậm kín).

+ Thót bụng: bằng cách thực hiện động tác hít mạnh vào nhưng thực sự không có không khí vào phổi, thao tác này gây cho lồng ngực căng phồng, trong khi ổ bụng và hố trên xương đòn lõm sâu xuống, kết hợp co các cơ vùng sàn chậu. Giữ trạng thái này trong 5 đến 10 giây.

+ Thở vào (bỏ tay, không bịt mũi nữa) hít vào sâu. Nếu thực hiện đúng chúng ta sẽ phải hít vào, vì nếu thở ra sau khi mở thanh quản là không khí vẫn còn nhiều trong phổi hoặc thanh quản mở trong lúc thót bụng.

+ Hít vào và thở ra bình thường trong một vài phút, sau đó lại thực hiện lần thở thót bụng tiếp theo.

Ngoài tác dụng "xoa bóp nội tạng", tăng cường lưu thông của máu động-tĩnh mạch, thở thót bụng còn giúp phòng bệnh trĩ và tình trạng giảm trương lực cơ sàn – chậu (tiểu gấp, tiểu không kiểm soát). Tuy nhiên, tương tự như mọi phương pháp tập luyện khác, để có được kết quả như mong muốn, đòi hỏi người tập phải kiên trì và thực hiện đều đặn thường xuyên.


Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên