Đó là kết luận sơ bộ của các nhà khoa học sau buổi tọa đàm ngày 31-8 về lúa từ những hạt thóc khai quật tại Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) tháng 5-2010.
Phóng to |
Những cây ”lúa cổ 3.000 năm” |
Những hạt thóc này được nuôi trồng tại Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Kết quả phân tích hình thái cho thấy sự giống nhau giữa giống lúa mọc từ hạt thóc Thành Dền và giống lúa Khang Dân 18 thật sự không gây nhiều ngạc nhiên trong giới khoa học. Bởi vì ngay từ những ngày sinh trưởng, hình thái bên ngoài của các cây lúa Thành Dền không có sự khác biệt với các cây lúa hiện đại đối chứng.
Buổi tọa đàm có mặt các nhà khoa học thuộc ngành nông học, khảo cổ học... Tại tọa đàm, một số ý kiến vẫn hoài nghi về tính chính xác của quá trình lấy mẫu tại Thành Dền (10 “hạt thóc cổ” nằm trong tầng văn hóa Đồng Đậu cách nay khoảng 3.000 năm) cũng như một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình gieo trồng thực nghiệm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đi đến nhận định phải tiếp tục nghiên cứu giống lúa gây ra khá nhiều tranh luận trong thời gian vừa qua này. Tiến sĩ Phạm Xuân Hội (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) nói dù đã có kết quả phân tích hình thái nhưng vẫn phải nghiên cứu tiếp về vấn đề này. “Trước mắt, chúng tôi sẽ kiến nghị xây dựng một đề tài nghiên cứu về lúa cổ Việt Nam” - tiến sĩ Hội cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (chủ trì đoàn khảo cổ tại Thành Dền) cho biết: “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi kết quả giám định niên đại bằng phương pháp AMS từ Nhật Bản”. Tuy nhiên, tiến sĩ Dung chia sẻ hiện vẫn chưa biết thời điểm phía Nhật Bản gửi kết quả giám định niên đại cho Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận